Siêu xe McLaren 750S được phát triển trên nền tảng “đàn anh” 720S vốn đã trở thành mẫu siêu xe quốc dân, với một số cải tiến về mặt thiết kế cũng như hiệu năng.
Sau thời gian dài chờ đợi, mẫu xe McLaren 750S chính thức được giới thiệu nhằm thay thế cho McLaren 720S. Xe được phân phối với 2 biến thể Coupe và Spider.
Tương tự câu chuyện giữa 12C và McLaren 650S, McLaren 750S là bản nâng cấp được phát triển trên nền tảng 720S, chỉ hơn 30% chi tiết được thiết kế mới.
Nhìn từ trước, McLaren 750S vẫn sở hữu cụm đèn pha thiết kế khí động học quen thuộc trên “đàn anh” 720S. Bề ngang cơ sở cầu trước được mở rộng thêm 6 mm.
Hốc gió cản trước được thiết kế lại theo phong cách mới nhất của McLaren. Khoảng hở tại cụm đèn pha LED được thu nhỏ lại, kết nối cơ cấu này với bộ tản nhiệt phía trước.
Một trong những đặc điểm thiết kế mà McLaren luôn tự hào, đó chính lại bộ khung gầm liền khối bằng sợi carbon. Với những tinh chỉnh phù hợp, McLaren 750S có khối lượng khô chỉ đạt 1.277 kg, nhẹ hơn 30 kg so với người tiền nhiệm.
Với việc gia cố thêm cho thiết kế mui trần, McLaren 750S Spider cũng chỉ nặng 1.326 kg.
Bộ mâm đúc khí động học 10 chấu có khối lượng nhẹ hơn 13,8 kg so với mẫu xe tiền nhiệm. Chủ xe có thể nâng cấp tùy chọn hệ thống phanh tương tự với McLaren Senna, bao gồm đĩa phanh carbon-ceramic, kẹp phanh nguyên khối và lốp Pirelli P Zero Trofeo R.
Cơ cấu hệ thống ống xả kép tách rời trên 720S đã được thay thế bởi cụm ống xả khối lượng nhẹ đặt cao hơn 51 mm. Thiết kế này được lấy cảm hứng từ McLaren P1.
Bộ cánh gió khí động học chủ động có kích thước lớn hơn 20% so với kết cấu của 720S, hoạt động tương tự hệ thống DRS trên các mẫu xe đua F1.
Không gian nội thất của McLaren 750S không có quá nhiều sự thay đổi. Dòng xe này được bổ sung một số nâng cấp nhỏ tương tự McLaren Artura với 2 phím điều khiển tại rìa bảng đồng hồ taplo kỹ thuật số.
Phong cách nội thất được chia thành 2 phiên bản: TechLux và Performance, đi kèm các chi tiết tối màu và đèn viền nội thất. Trong khi TechLux sang trọng với bề mặt bọc da Nappa, phong cách Performance mang đến cảm giác thể thao cùng chất liệu Alcantara.
Bộ ghế đua sợi carbon tiêu chuẩn đã nhẹ hơn 17,5 kg so với ghế trên 720S, tuy nhiên tùy chọn ghế đua cao cấp còn nhẹ hơn 33%.
“Trái tim” của McLaren 750S vẫn là động cơ V8 twin-turbo 4.0L mã M840T quen thuộc, tuy nhiên công suất được nâng từ 720 mã lực lên 750 mã lực và mô-men xoắn 800 Nm.
Đi kèm với động cơ này là hộp số 7 cấp SSG với 3 chế độ Comfort, Sport và Track, bên cạnh kết cấu hệ thống treo Proactive Chassis Control III thế hệ mới, với độ cứng lò xo giảm 3% ở cầu trước và tăng 4% ở cầu sau.
McLaren cũng cải thiện hệ thống nâng cầu trước, giúp xe có thể di chuyển qua địa hình khó khăn. Thời gian nâng gầm được rút ngắn từ 10 giây xuống còn 4 giây.
McLaren 750S Coupe và 750S Spider có khả năng tăng tốc 0-100 km/h trong 2,8 giây, trước khi đạt vận tốc tối đa 332 km/h.
Tại Việt Nam, McLaren 750S sẽ được phân phối chính hãng. Mức giá của phiên bản 750S Coupe và 750S Spider lần lượt là 19,9 tỷ đồng và 20,9 tỷ đồng.
Hàng hiếm McLaren Sabre được đấu giá, giới hạn 16 chiếc, giá ước tính chỉ 80 tỷ đồng
Đây là chiếc McLaren Sabre đầu tiên trên thế giới đang bán đấu giá, ban đầu chỉ có 15 chiếc được sản xuất tuy nhiên con số hiện tại đã lên 16 chiếc.
McLaren Sabre là sản phẩm đặc biệt do MSO (McLaren Special Operations) phụ trách. Cấu trúc và công nghệ của mẫu xe này được dựa trên nền tảng McLaren Senna.
Ban đầu, McLaren chỉ sản xuất giới hạn 15 chiếc Sabre dành riêng cho những khách hàng tại Mỹ, dưới sự hợp tác của MSO, McLaren Beverly Hills và O’Gara Motorsport.
Tuy nhiên, đã có 16 chiếc McLaren Sabre được xuất xưởng. Trong khi 13 chiếc đầu tiên thuộc về các khách hàng tại Mỹ, 3 chiếc cuối cùng có mặt tại Lebanon, Qatar và Bahrain.
Tổng thể ngoại thất của McLaren Sabre chịu ảnh hưởng của bản concept McLaren Ultimate Vision Gran Turismo, được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2017.
Chiếc xe được đấu giá mang số thứ tự 11 trong tổng số 16 chiếc. Số đếm này cũng xuất hiện trên bộ cửa của xe.
Ngoại thất của xe được sử dụng màu sơn bạc Liquid Argentum cùng các họa tiết trang trí tương phản màu cam Liquid Papaya. Toàn bộ phần thân vỏ của xe làm từ sợi carbon.
Tấm che khoang động cơ được sản xuất đặc biệt để tối ưu hóa khả năng làm mát và khí động học của Sabre. Cơ cấu này được chế tác từ kính cường lực Gorilla.
Ống xả Sabre được bố trí cao, làm từ chất liệu Inconel đạt tiêu chuẩn của ngành hàng không vũ trụ. Cánh gió và bộ khuếch tán gió cản sau đóng vai trò lớn về mặt khí động học.
Cách bố trí khoang lái của McLaren Sabre khá tương đồng với Senna. Những vị trí như lẫy chuyển số, cửa hệ thống điều hòa, viền màn hình… được xử lý mờ.
McLaren sử dụng những chất liệu cao cấp nhất cho khu vực khoang nội thất như sợi carbon, Alcantara… với các chi tiết trang trí màu cam Liquid Papaya.
Trong khi ghế người lái có màu cam Volcano Orange đặc trưng, ghế phụ sở hữu màu đen Carbon Black. Logo MSO được thêu nổi trên tựa đầu mỗi ghế.
Odo của chiếc xe chỉ mới dừng ở con số 98 dặm, khoảng 158 km.
Sabre được trang bị khối động cơ V8 twin-turbo dung tích 4.0L, sản sinh công suất tối đa 835 mã lực và mô-men xoắn cực đại 800 Nm, mạnh hơn McLaren Senna 35 mã lực.
Đi kèm động cơ này là hộp số 7 cấp ly hợp kép. Tốc độ tối đa của McLaren Sabre có thể lên đến 350 km/h.
Sabre là mẫu xe thương mại mạnh nhất của McLaren mà không trang bị hệ thống hybrid. Trong khi đó, siêu phẩm Speedtail 1.050 mã lực được bổ sung động cơ điện 310 mã lực.
Là một đặc trưng thiết kế của McLaren, toàn bộ cấu trúc khung sườn và khoang lái nguyên khối của xe được chế tác hoàn toàn bằng sợi carbon, với tên gọi MonoCage III.
Tại thời điểm ra mắt, mức giá khởi điểm của McLaren Sabre được dự đoán lên đến con số 3,4 triệu USD. Chiếc xe sẽ có mặt tại buổi đấu giá của Mecum Auctions vào tháng 8 này.
Theo: carscoops / https://tech.zingnews.vn/sieu-xe-hang-hiem-mclaren-sabre-duoc-dau-gia-post1332450.html
Ảnh: McLaren / carscoops