Chiếc xe Aston Martin DB2 Vignale cực hiếm được chế tạo dành riêng cho vua Bỉ được bán đấu giá với giá 3,65 triệu bảng Anh (hơn 104 tỉ đồng).
Aston Martin DB2 Vignale được Vua Baudoin của Bỉ đặt làm vào năm 1954, theo thông số kỹ thuật cá nhân của riêng ông.
Tuy nhiên, động cơ đã rơi vào tình trạng hư hỏng sau khi đổi chủ rồi bị ném vào một bãi phế liệu ở Mỹ.
Bob Fountain, một người đam mê xe Aston Martin, sở hữu xưởng xe ở Beamish, County Durham, Anh, đã tìm ra vào năm 2007 rồi sửa sang lại.
Vua Baudouin trị vì nước Bỉ sau khi Vua Leopold thoái vị năm 1951, cho đến khi ông qua đời vào năm 1993. Sau 42 năm trị vì, ông là vị vua trị vì lâu nhất châu Âu khi đó.
Chiếc xe được hoàn thiện với thiết kế fastback độc nhất vô nhị, cửa sau mở lớn, những đường nét tinh tế và vẻ ngoài đẹp phóng khoáng.
Vua Baudouin cũng chính là người hoàng tộc đầu tiên sở hữu chiếc siêu xe này, khi nhận xe vào 10-3-1955, bốn năm sau khi ông lên ngôi (khi ấy ông mới chỉ 24 tuổi).
Sau đó, chiếc xe đã qua nhiều đời chủ. Cuối thập niên 1950, Vua Baudouin đã bán chiếc xe cho trợ lý cung điện TR Mottershead, và Vignale được cất giữ ở Moselle, Pháp.
Đến những năm 1960, James Toth, lính Mỹ phục vụ trong NATO ở Paris, đã mua lại Aston Martin DB2 Vignale.
Vậy là chiếc xe đến Mỹ, nhưng không may, Toth lại không phải một ông chủ cẩn thận. Ông đã làm hỏng cả động cơ ban đầu và động cơ thay thế, sau đó bán lại cho một đại úy quân đội.
Cuối cùng, chiếc Aston có thân hình Vignale độc nhất vô nhị này được Roland Wommack ở Virginia, Mỹ mua lại và kết quả như nhiều người đã biết, xưởng Aston Workshop của Bob Fountain đã mua lại để phục chế.
DB2/4 là chiếc Aston Martin đầu tiên mang tên viết tắt của chủ sở hữu mới David Brown. Chỉ có khoảng 1.200 chiếc DB2/4 (tính toàn bộ các biến thể) được sản xuất.
Do đó, chiếc nào còn tồn tại đến hôm nay đều đáng giá cả.
Số phận long đong của chiếc siêu xe Ferrari từng của Vua Bảo Đại
Là vị vua cuối cùng của Triều Nguyễn và Việt Nam, vua Bảo Đại nổi tiếng ăn chơi không tiếc tiền với những thứ xa hoa nhằm thỏa mãn sở thích riêng như tậu biệt thự, du thuyền,…và cả siêu xe nữa, tuy nhiên khi phá sản những siêu xe này cũng long đong theo chủ.
Ngày này 75 năm trước, Cựu hoàng Bảo Đại tuyên ngôn thoái vị.
Như là định mệnh, ông sinh năm 1913, lên ngôi năm 13 tuổi và trở thành vị vua thứ 13 triều Nguyễn, triều đại cuối cùng của Việt Nam.
Trong ảnh là chiếc Ferrari 250 GT TdF của Bảo Đại, tại một bảo tàng ở Pháp. Không, không đúng.
Nó chỉ có vỏ của chiếc 250GT mà thôi, còn đúng ra đây phải là một chiếc Ferrari 375 Mille Miglia với số khung 0450.
Mà cũng không hẳn, bởi động cơ 4.5L V12 nguyên bản đã được thay bằng động cơ 4.9L V12 từ một chiếc Ferrari khác nữa.
Số phận chiếc xe xem ra cũng long đong chẳng kém vị chủ nhân đầu tiên.
Nhiều người gọi Bảo Đại là kẻ nhu nhược, một số coi ông là tay chơi hoang tàng, không ít lại trân trọng ông vì ông có dũng khí hơn một lần từ bỏ ngôi vị đứng đầu quốc gia.
Những tư liệu gần đây cho thấy nhiều cách nhìn nhận đánh giá độc lập, khách quan hơn về Bảo Đại, người thà chọn làm King of Rolex thay vì cố bám lấy ngai vàng ở Việt Nam.
Từ chối xuất hiện trong các cuộc tranh luận về cuộc chiến trên quê hương, quãng đời sau của Bảo Đại trôi qua khá trầm lặng và cũng không mấy dư dả. Ông phải bán cả chiếc xe cho một vị vua khác của Pháp.
Vị vua không ngai này cũng đã phá sản, may mắn là bảo tàng xe hơi đồ sộ và hiếm có bậc nhất thế giới nhưng rất ít người biết đến vẫn được bảo tồn nguyên trạng.
Tại đó, chiếc Ferrari màu xanh blue nằm trầm mặc giữa hàng trăm cỗ siêu xe một thời.
Người ta bảo, biểu tượng hoàng tộc triều Nguyễn vẽ tay, nằm ngay phía trên logo Ferrari, thi thoảng lại sáng lên như nỗi buồn tha hương thoảng qua.
Theo: tuoitre