Tesla của Elon Musk đối mặt án phạt hơn 50 tỷ vì thổi phồng quãng đường di chuyển và tốc độ sạc

Tesla của tỷ phú từng giàu nhất hành tinh – Elon Musk đang phải đối mặt với một án phạt lên tới 2,2 triệu USD tại Hàn Quốc khi bị cáo buộc quảng cáo “không đúng sự thật”.

Xe Tesla thường được ca ngợi về quãng đường di chuyển ấn tượng sau khi sạc đầy pin. Tuy nhiên, mới đây, cơ quan chức năng tại Hàn Quốc lại tạt một gáo nước lạnh vào Tesla khi phạt hãng này vì vi phạm luật quảng cáo ở xứ sở kim chi.

Theo đó, Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc (KFTC) cho biết Tesla đã “quảng cáo sai sự thật, phóng đại hoặc lừa đảo” về quãng đường đi được trong một lần sạc, tốc độ sạc và hiệu suất tiêu tốn nhiên liệu.

Cơ quan giám sát chống độc quyền của Hàn Quốc hôm 3/1 đã quyết định phạt Tesla của Mỹ và chi nhánh tại Hàn Quốc hơn 2,85 tỷ won (tương đương 2,2 triệu USD) vì đưa ra những quảng cáo sai lệch.

KFTC cho biết các quảng cáo gợi ý xe Tesla có thể chạy hàng trăm km trong một lần sạc trong mọi điều kiện. Nhưng thực tế, quãng đường này đã bị giảm tới 50,5% trong điều kiện nhiệt độ thấp và xe chạy ở các khu vực trung tâm thành phố.

Theo KFTC, phạm vi lái xe ô tô của nhà sản xuất EV Hoa Kỳ giảm tới 50,5% trong thời tiết lạnh so với cách chúng được quảng cáo trực tuyến.

Tesla đã quảng cáo rằng người lái xe có thể sạc 15 hoặc 30 phút để đi được hàng trăm km tại các địa điểm đặt Trạm sạc siêu tốc của mình, nhưng công ty không đề cập đến loại trạm sạc và điều kiện thử nghiệm nào cho lời quảng cáo trên.

Năm ngoái, KFTC đã phạt nhà sản xuất ô tô Đức Mercedes-Benz và chi nhánh Hàn Quốc 20,2 tỷ won (15 triệu euro) vì quảng cáo sai sự thật liên quan đến lượng khí thải của các phương tiện chở khách chạy bằng động cơ diesel.

Được biết, KFTC đã mở cuộc điều tra đối với Tesla từ tháng 2/2022. Điều này khiến hãng Tesla phải bổ sung tuyên bố từ chối trách nhiệm trên trang chủ ở thị trường Hàn Quốc như sau: “Hiệu suất và quãng đường di chuyển có thể thay đổi theo mẫu xe. Quãng đường di chuyển được hiển thị có thể thay đổi, phụ thuộc vào những yếu tố ngoại cảnh như tốc độ, điều kiện thời tiết và tình trạng đường sá“.

Trong khi đó, trên trang web của Tesla ở những thị trường khác không có tuyên bố này.

Trong tuyên bố từ chối trách nhiệm của mình, Tesla không nói rõ là hiệu suất vận hành và quãng đường di chuyển của xe sẽ bị ảnh hưởng cụ thể như thế nào. Tuy nhiên, KFTC tin rằng quãng đường di chuyển của xe Tesla có thể giảm đến 51% so với mức công bố của hãng trong điều kiện thời tiết lạnh giá.

Ngoài 2,8 tỷ Won, tờ Bloomberg còn cho biết KFTC sẽ phạt Tesla thêm 1 triệu Won (798.000 USD) vì vi phạm Đạo luật Thương mại Điện tử của Hàn Quốc do không cung cấp đủ thông tin cho khách hàng về chính sách hủy đơn hàng của hãng. Hiện hãng Tesla vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về vụ việc này.

Tính đến hết tháng 9/2022, hãng Tesla đã bán được 45.812 chiếc ô tô điện cho khách hàng Hàn Quốc kể từ khi mở văn phòng ở xứ củ sâm vào năm 2015.

Với con số này, Tesla hiện là hãng bán được nhiều ô tô điện thứ 3 tại Hàn Quốc, chỉ sau 2 thương hiệu nội địa Hyundai và Kia. Hiện nay, Tesla chiếm 13% thị phần trong phân khúc ô tô điện tại xứ sở kim chi.

Trong năm 2022 vừa qua, hãng Tesla đã bán được tổng cộng 1,3 triệu chiếc ô tô điện cho khách hàng toàn cầu, tăng đến 40% so với năm 2021.

Trong đó, có khoảng 1,25 triệu chiếc ô tô điện giá rẻ Model 3 và Model Y. Hai mẫu ô tô điện giá cao hơn là Tesla Model S và Tesla Model X mang về doanh số tổng cộng gần 67.000 chiếc.

Ngoài ra, hãng còn sản xuất được gần 1,4 triệu chiếc xe trong năm ngoái, tăng 47% so với năm 2021.

Riêng trong quý IV năm ngoái, hãng Tesla chỉ bán được 405.278 chiếc ô tô điện cho khách hàng toàn cầu, thấp hơn con số ước tính 431.000 xe ban đầu. Nguyên nhân là do tâm lý lo ngại suy thoái kinh tế của khách hàng và tỷ lệ lãi suất cao hơn.

Mặc dù 40% là con số đáng mơ ước nhưng tốc độ tăng trưởng của Tesla trong năm 2022 đã chậm lại. Trước đó, lượng xe Tesla bán ra toàn cầu đã tăng trưởng gấp đôi trong năm 2021 và gấp 3 trong năm 2020.

Năm 2023 hứa hẹn sẽ là một năm bận rộn của thương hiệu Tesla khi hãng này chuẩn bị nâng cấp 2 “chiến thần doanh số” Tesla Model 3 và Tesla Model Y. Ngoài ra, Tesla còn bắt tay vào việc xuất xưởng dòng xe đầu kéo thuần điện Semi.

Dù có doanh số khủng nhưng trong năm 2022, Tesla của tỷ phú Elon Musk cũng nhận hàng tá các tin buồn như hàng loạt vj triệu hồi, thua kiện, hay mới đây nhất là nghi vấn ăn gian bài kiểm tra an toàn 5 sao “rởm”.

Theo đó, đầu tháng 9, một tài khoản Twitter có tên green, thường xuyên đăng tải những thông tin ít biết về phần mềm của Tesla, đã “hé lộ” về những thay đổi mới nhất trong phần mềm của Tesla.

Tài khoản Twitter nhiều người theo dõi này cho biết rằng Tesla đã thêm vào hệ thống phần mềm của hãng tên của các khu thử xe tại Úc và châu Á. Danh sách này còn có tên của các khu thử xe khác ở châu Âu, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Đây đều là những địa điểm nhạy cảm, thường xuyên diễn ra những cuộc thử nghiệm quyết định đánh giá an toàn của các tổ chức thực hiện kiểm tra.

Từ đây, green cho rằng các mẫu xe của Tesla đã được điều chỉnh để thể hiện khác đi trong các bài kiểm tra an toàn tại những khu vực này. Mới đây nhất, Euro NCAP (tổ chức đánh giá an toàn xe do Liên minh châu Âu hậu thuẫn) đã điều tra những lời đồn đoán này.

Giám đốc Điều hành Euro NCAP, ông Aled Williams cho biết rằng hiện tại chưa tìm thấy bất cứ manh mối nào chứng minh xe Tesla thực sự ăn gian trong các bài kiểm tra.

Được biết, Euro NCAP là một tổ chức có uy tín, chuyên thực hiện các bài đánh giá an toàn thông qua các cuộc đâm va thử mô phỏng tình huống thực tế, từ đó đưa ra các mức đánh giá với 5 sao là mức tối đa.

Thực tế, ngay sau khi green đưa ra những lời đồn đoán, Euro NCAP đã vào cuộc điều tra. Tờ CNN đã liên hệ với Tesla nhưng không nhận được câu trả lời nào, một phần có lẽ vì Tesla không có đơn vị phụ trách truyền thông.

Quay trở lại với vụ việc, green còn nêu rằng Tesla ứng dụng geofencing (tạm dịch: Biên giới số) để kích hoạt các tính năng tại một số khu vực cụ thể, ví dụ như hệ thống hỗ trợ lái tự động Full Self-Driving của Tesla bị bất hoạt ở một số khu vực nhất định tại Toronto, Canada. Song, Euro NCAP cũng không thấy bằng chứng cho việc Tesla sử dụng geofencing để kích hoạt tính năng nhằm ăn gian trong bài kiểm thử.

Ông Aled Williams, Giám đốc Điều hành Euro NCAP, cho biết: “GPS được sử dụng để xác định chiếc xe đang trong khu vực thử nghiệm là điều khả thi. Đây là một trong những điều nghi vấn mà chúng tôi đặt ra với Tesla, và họ hoàn toàn chối bỏ việc đó”.

Về lý do vì sao những chiếc xe của Tesla lại được cập nhật vị trí của các khu kiểm thử, Tesla cho Euro NCAP biết rằng họ làm vậy để chiếc xe thích ứng với các điều kiện giao thông theo khu vực thử nghiệm: “Các khu vực khác nhau (ví dụ là châu Âu, Úc…) có luật giao thông, điều kiện đường sá khác nhau.”

Song, trong trao đổi với CNN thì green đã chỉ ra một điều bất thường: Nhật Bản vốn sử dụng hệ thống đánh dấu, chỉ dẫn riêng biệt thì lại không có tên trong danh sách. Cả Giám đốc Điều hành Euro NCAP và Tesla đều không bình luận gì về điều mà green vừa chỉ ra.

Giám đốc Điều hành Euro NCAP cho biết rằng cuộc điều tra với Tesla vẫn còn dài; tổ chức vẫn đang cố gắng khẳng định rằng xe Tesla có thể giữ an toàn trong điều kiện thực tế như khi kiểm tra. Được biết, Tesla Model Y là mẫu mới nhất đạt chứng nhận an toàn 5 sao Euro NCAP.

Cho tới hiện tại, vẫn chưa tìm thấy chứng cứ để khẳng định Tesla đã ăn gian trong các cuộc kiểm tra thử. Trên thực tế, gian lận trong các bài kiểm tra thử không phải là chưa từng diễn ra.

Điển hình chính là bê bối khí thải động cơ diesel của Volkswagen, khi hãng đã sử dụng phần mềm để can thiệp vào kết quả kiểm tra, khiến cho 11 triệu xe được bán ra với kết quả không sát với thực tế. Vụ bê bối này đã khiến tập đoàn Volkswagen mất 32 tỷ USD, Giám đốc Điều hành Volkswagen khi đó là Martin Winterkorn mất việc.

https://www.youtube.com/watch?v=vZDgT1N0zdg
So sánh chi tiết xe điện Việt VinFast VF e35 và xe Mỹ Tesla Model Y | Tạp Chí Siêu Xe

Theo carscoops / Tạp Chí Siêu Xe tổng hợp

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Scroll to Top