Người dùng xe điện Tesla Model 3 gọi cần gạt nước trên mẫu xe này là “đồ bỏ đi” và “hoàn toàn vô dụng”, nguyên nhân là vì đâu?

Người dùng xe điện Tesla Model 3 gọi cần gạt nước trên mẫu xe này là "đồ bỏ đi" và "hoàn toàn vô dụng", nguyên nhân là vì đâu?

Không ít người dùng gọi cần gạt nước trên xe điện Tesla là “đồ bỏ” và “hoàn toàn vô dụng”, bởi nó hoạt động vô cùng tùy hứng. Lý do là gì?

Trong lúc Tesla đẩy mạnh các dự án hoành tráng như công nghệ lái tự động và người máy sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), khách hàng của hãng cảm thấy vô cùng phiền phức với một vấn đề đơn giản hơn nhiều: cần gạt nước trục trặc. 

“Thành thật mà nói, đó là thứ tệ nhất của xe”, một chủ xe Tesla Model 3 bình luận bên dưới một trong hàng chục chia sẻ trên mạng xã hội Reddit về vấn đề này. Một số người dùng khác miêu tả cần gạt nước trên xe Tesla là “đồ bỏ”, “cực kỳ bực mình”, và “hoàn toàn vô dụng”.

Vấn đề này không mới. Cần gạt nước của xe Tesla là vấn đề đã tồn tại trong nhiều năm, dẫn tới rất nhiều phàn nàn, khiếu nại của khách hàng, cho rằng Tesla không dành sự quan tâm đúng mức để giải quyết nó. Đây thực sự là điều đáng xấu hổ đối với một công ty luôn khẳng định đi tiên phong về công nghệ. 

Vậy vấn đề thực sự là gì? Tại sao Tesla không thể chỉ đơn giản là sửa phần mềm như vẫn thường làm mỗi khi xe bị lỗi gì đó? Trang InsideEVs đã tìm hiểu và câu trả lời nằm ở cách thức cơ bản mà Tesla và tỷ phú Elon Musk, CEO của hãng, xử lý vấn đề. 

Vấn đề xuất phát từ tính năng tự động (Auto) của cần gạt nước trên xe Tesla. Theo đó, hệ thống sẽ cảm nhận có mưa hay không, mưa có to không, để kích hoạt và điều chỉnh tốc độ của cần gạt nước cho phù hợp. Đó là trên lý thuyết.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ xe Tesla cho biết chế độ tự động thường xuyên khiến cần gạt nước gạt “điên cuồng” khi trời nắng to, trong khi trời mưa thì không tự bật. 

Một chủ xe đã than phiền trên mạng xã hội X (tên gọi mới của Twitter): “Chẳng có chiếc Tesla nào có cần gạt nước tự động đâu. Chúng ta có chế độ cài đặt tự động và cần gạt nước hoạt động tùy hứng một cách hài hước”. 

Clip cho thấy khi ở chế độ tự động, cần gạt nước trên chiếc xe Tesla này đã hoạt động giữa lúc trời nắng to (Video: X).

Bực mình hơn, trước đây, cần gạt nước trên xe Tesla buộc phải ở chế độ tự động khi xe kích hoạt tính năng lái tự động Autopilot.

Có vẻ như Tesla đã lặng lẽ thay đổi cài đặt này trong lần cập nhật phần mềm gần đây, và giờ đây cho phép tài xế chủ động tắt chế độ gạt nước tự động khi xe hoạt động ở chế độ Autopilot. Tuy nhiên, tính năng gạt nước tự động của xe hoạt động vẫn rất khó hiểu. 

Vấn đề là cần gạt nước cảm biến mưa đã ra đời từ nhiều thập kỷ nay và hoạt động rất tốt trên xe của các hãng khác. Có vẻ như vấn đề của Tesla mang tính đặc thù thương hiệu. Chắc chắn đây là nhà sản xuất ô tô duy nhất coi gạt nước cảm biến mưa là tính năng “thử nghiệm” (beta). 

Ô tô nói chung thường sử dụng cảm biến riêng để theo dõi hạt nước rơi trên kính chắn gió, còn xe Tesla dựa vào các camera trên xe và AI. Đó là do yêu cầu cắt giảm chi phí của ông Musk và mong muốn thay thế tất cả các loại linh kiện, phụ tùng ô tô truyền thống, như radar và cảm biến siêu âm, bằng cái được gọi là “Tesla Vision” (tầm nhìn Tesla). 

Ông Chris Fox, kỹ sư trưởng của công ty kỹ thuật Munro & Associates, phỏng đoán đây là vấn đề định cỡ. Vì ban đầu, các camera của Tesla được thiết kế nhằm phục vụ tính năng lái tự động – phát hiện vạch kẻ đường, các xe khác… – nên có thể bị hạn chế khả năng quan sát các vật thể khác. 

“Hoàn toàn có thể phát hiện được mưa, nhưng dựa vào những gì camera của hãng làm được, độ sâu của tầm quan sát, trường quan sát, nó có thể không có khả năng phát hiện hạt mưa”, ông nói. 

Theo tính toán của ông Fox một cảm biến mưa bình thường sẽ khiến Tesla tốn thêm 10 USD trong giá thành sản phẩm. Vốn nổi tiếng trong việc tìm mọi cách để cắt giảm chi phí, nên Tesla được cho là đã quan niệm nếu mắt thường nhìn thấy hạt mưa thì hệ thống quan sát của xe cũng thấy được. 

Theo InsideEVs / Dantri

“Thùng tôn di động” Tesla Cybertruck của Elon Musk lại gây thất vọng khi quãng đường di chuyển thực tế thấp hơn nhiều so với hãng công bố

Cuộc thử nghiệm độc lập do bên thứ 3 tiến hành cho thấy quãng đường di chuyển thực tế của “thùng tôn di động” Tesla Cybertruck chỉ đạt 409km, thấp hơn nhiều so với con số công bố của hãng là 511km.

Theo công bố của nhà sản xuất, Tesla Cybertruck có phạm vi di chuyển khoảng 511 km với một lần sạc đầy (theo ước tính của EPA). Đây là một con số khá vừa vặn đối với một mẫu xe điện có kích thước quá khổ và khả năng khí động học thấp.

Tuy nhiên, một cuộc thử nghiệm của bên thứ ba cho thấy tầm vận hành thực tế của Cybertruck chỉ đạt 409 km, thấp hơn nhiều so với công bố của hãng. Tuy nhiên, cần phải lưu ý sự khác biệt về điều kiện thử nghiệm có thể cho ra sự chênh lệch lớn về tầm vận hành của xe điện.

Chiếc Cybertruck được đưa ra thử nghiệm thuộc phiên bản Dual Motor Founders Series với mâm 20 inch và lốp địa hình 35 inch. Thử nghiệm được tiến hành vào sáng sớm trên đường cao tốc để giảm thiểu tác động của giao thông đến kết quả.

Người lái xe bắt đầu với một cục pin được sạc đầy và họ lái chiếc Cybertruck cho đến khi nó đạt mức sạc 0% và không thể di chuyển thêm nữa. Khi xe đã cạn sạch điện, những người thử nghiệm phải kéo chiếc xe tải đến trạm sạc gần nhất để nạp điện trước khi về nhà.

Điều đáng chú ý là thử nghiệm này không ở điều kiện tối ưu cho Cybertruck. Thứ nhất, nhiệt độ trong quá trình thử nghiệm chỉ là 7°C. Thứ hai, hầu hết cuộc thử nghiệm được thực hiện ở tốc độ khoảng 112 km/h.

Cuối cùng, cuộc thử nghiệm diễn ra ở Texas ở độ cao tương đối thấp. Tốc độ trung bình khác nhau, độ cao khác nhau và nhiệt độ khác nhau có thể tạo ra những kết quả rất khác nhau.

Ngoài ra, việc trang bị lốp bốn mùa cũng sẽ giúp Cybertruck cải thiện phạm vi hoạt động. Tuy nhiên, phiên bản đó được cho là có thể đi được tới 547 km. Nhìn chung, đây là một điều hơi thất vọng đối với một một mẫu bán tải vốn đã mắc một số lỗi khi đưa vào sản xuất.

Chi tiết Bugatti Bolide – Siêu phẩm “điên rồ” 1825 mã lực, trên 500 km/h | Tạp Chí Siêu Xe

Tham khảo: Carscoops  / Tuoitrethudo

Báo Tây: Xe điện “Made in Vietnam” VinFast VF8 xếp trên cả những “ông lớn” như Mercedes-Benz và BMW ở bài kiểm tra hiệu suất

Theo một nghiên cứu tại Mỹ, xe điện “Made in Vietnam” VinFast VF8 là một trong số ít những model xe điện có hiệu suất di chuyển tốt nhất, thậm chí vượt cả con số được nhà sản xuất công bố.

Mới đây, chuyên trang xe hơi Car and Driver thực hiện một nghiên cứu đo lường tầm vận hành của một số mẫu xe điện tại thị trường Mỹ. Kết quả chỉ ra rằng, chỉ có 25% số xe trải qua bài test có thông số bằng hoặc lớn hơn những gì được nhà sản xuất công bố theo tiêu chuẩn EPA của nước này.

Cụ thể, Car and Driver đã thử nghiệm tổng cộng 24 mẫu xe điện trên cao tốc và chỉ có 6 chiếc trong đó vượt qua được tầm vận hành ước tính của EPA. Trong đó, bao gồm cả chiếc VinFast VF 8 phiên bản Puls đến từ Việt Nam.

5 chiếc xe còn lại trong danh sách này đều đến từ Đức, cụ thể là của hai ông lớn Mercedes-Benz và BMW. Bao gồm Mercedes-AMG EQE, EQS 450, EQS 580 và EQE 350 cùng với BMW i7 xDrive60.

Tuy nhiên so với những mẫu xe Đức này, VinFast VF8 Plus mới là phương tiện đứng số 1 về phạm vi di chuyển xa hơn hãng công bố. Theo thông số của VinFast công bố, VF 8 Plus tại thị trường Mỹ có tầm vận hành tối đa theo EPA là 307 km.

Nhưng kết quả test của Car And Driver ghi nhận con số thực tế lên tới 338 km. Chênh lệch giữa hai thông số là 31 km nhưng nó tương đương 10% hiệu suất. Trong khi đó, con số này ở 5 mẫu xe Đức nói trên chỉ là 1-3%.

VinFast VF8 là mẫu xe điện đầu tiên được hãng xe Việt Nam xuất khẩu sang thị trường quốc tế từ cuối năm 2022.

Tại Việt Nam, VinFast VF 8 được phân phối chính hãng 2 phiên bản Eco và Plus cùng tùy chọn pin SDI hoặc CATL. Giá niêm yết các mẫu dao động từ 1,090-1,333 tỷ đồng với xe thuê pin và 1,290-1,543 tỷ đồng cho xe mua đứt pin.

Theo: Tiền Phong

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Scroll to Top