“Đại gia dầu khí” lớn thứ hai thế giới lên kế hoạch bỏ 1.000 điểm bán xăng dầu để mở trạm sạc công cộng đáp ứng xu hướng điện hóa

“Đại gia dầu khí” lớn thứ hai thế giới lên kế hoạch bỏ 1.000 điểm bán xăng dầu để mở trạm sạc công cộng đáp ứng xu hướng điện hóa

Mới đây, Shell – công ty dầu khí lớn thứ hai thế giới đã lên kế hoạch bỏ 1.000 điểm bán xăng dầu để xây dựng trạm sạc công cộng đáp ứng xu hướng điện hóa.

Theo đó, công ty này hiện vận hành hơn 46.000 điểm bán lẻ trên toàn cầu, chủ yếu là các trạm xăng. 

Công ty đang dự định từ nay đến năm 2025 sẽ đóng cửa 1.000 cơ sở trong số đó, tương đương gần 3% để nhường chỗ cho việc xây dựng trạm sạc xe điện.

Dự kiến, Shell sẻ mở thêm khoảng 16.000 điểm sạc, giúp số lượng trạm sạc xe điện tăng từ 54.000 điểm sạc năm 2023 lên 70.000 điểm vào năm 2025. Đến năm 2030, con số có thể sẽ lên đến 200.000 điểm trên toàn cầu.

Với lợi thế có mạng lưới trạm xăng sẵn có, Shell có thể sẽ trở thành công ty có hệ thống trạm sạc hàng đầu thế giới.

Khi ngành kinh doanh sạc điện tăng trưởng, Shell ước tính tỷ lệ hoàn vốn nội bộ là 12% hoặc cao hơn. Hiện Shell không thông báo chính thức về việc mở những trạm sạc ở đâu. Hiện tại, phần lớn trạm sạc của Shell nằm ở Trung Quốc, sau đó là Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Á (ngoài Trung Quốc).

Gần đây, Shell cũng tuyên bố sẽ hạ chỉ tiêu giảm lượng khí thải carbon so với dự định trước đó, dù vẫn giữ cột mốc quan trọng là trở thành công ty có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025.

Theo: Tuoitrethudo

Phát triển quá nhanh và mạnh mẽ, Xanh SM của bác Vượng đứng thứ 2 thị trường gọi xe Việt Nam chỉ sau 7 tháng ra mắt

Hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence vừa công bố báo cáo nghiên cứu về thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam năm 2023, trong đó ghi nhận những con số tăng trưởng hết sức ấn tượng về Xanh SM – thương hiệu taxi và giao vận thuần điện đầu tiên tại Việt Nam.

Cụ thể, theo nghiên cứu của Mordor Intelligence, thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam năm 2023 có quy mô 727,73 triệu USD, ước tính đạt 0,88 tỷ USD năm 2024 và dự kiến tăng lên 2,16 tỷ USD vào năm 2029, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trong giai đoạn 2024 – 2029 ở mức 19,5%, tức là sau khoảng 4-5 năm, quy mô thị trường sẽ tăng gấp đôi. Điều này cho thấy dư địa và tiềm năng tăng trưởng rất tốt của thị trường.

Theo Mordor Intelligence, sự xuất hiện của Xanh SM trong năm 2023 đã tạo ra cuộc cách mạng trong ngành gọi xe công nghệ Việt Nam, làm xáo trộn thứ hạng, thị phần của các đơn vị cung cấp dịch vụ trong ngành.

Cụ thể, Xanh SM đã vươn lên chiếm thị phần lớn thứ 2 thị trường vào Quý IV/2023, chỉ sau hơn 7 tháng chính thức gia nhập thị trường. Đặc biệt, thị phần của Xanh SM hiện đã gấp 2 lần so với đối thủ từng nắm giữ vị trí thứ 2 thị trường trước đó là be Group (18,17% so với 9,21%).

Mordor Intelligence cũng ghi nhận Xanh SM hiện đang dẫn đầu về số lượng xe sở hữu và số lượng chuyến xe mỗi ngày trong lĩnh vực taxi truyền thống (so với các đơn vị sở hữu đội xe tự doanh).

So sánh với các đơn vị khác trong cả lĩnh vực taxi truyền thống và lĩnh vực gọi xe công nghệ, Xanh SM được đánh giá cao nhất về chất lượng dịch vụ, độ phủ, quy mô đội xe và sự hài lòng của khách hàng.

Với tốc độ phát triển ấn tượng như trên, Xanh SM đang được nhìn nhận như một hiện tượng “TikTok Shop trong lĩnh vực gọi xe công nghệ”.

Tham khảo Xanh SM

Chuyên gia từ Singapore: Những lý do Xanh SM của bác Vượng có thể sẽ soán ngôi “gã khổng lồ” Grab tại thị trường Việt Nam?

Gã khổng lồ về dịch vụ gọi xe của Đông Nam Á Grab đã có đối thủ nặng ký mới tại Việt Nam. Xanh SM (Tên quốc tế: GreenSM) đã nhanh chóng mở rộng tại Việt Nam nhờ cung cấp việc làm ổn định hơn, chi phí thấp hơn cho tài xế và đạt được sự hài lòng cao từ phía khách hàng. Tuy nhiên, việc tìm kiếm lợi nhuận là một thách thức mà Xanh SM có thể sẽ phải đối mặt.

* Bài được dịch từ bài viết của TS Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore và đăng lần đầu trên tạp chí Fulcrum (Singapore).

Sau khi mua lại hoạt động của Uber tại Đông Nam Á vào năm 2018, Grab đã khẳng định doanh nghiệp này là công ty hàng đầu trong ngành gọi xe trong khu vực. Tại Việt Nam, tính đến tháng 3/2023, gã khổng lồ có trụ sở tại Singapore lần lượt nắm giữ 66% và 60% thị phần trong lĩnh vực gọi xe ô tô và xe máy.

Tuy nhiên, vị trí thống lĩnh của Grab tại Việt Nam có thể sớm gặp thách thức với sự xuất hiện của XanhSM, nền tảng gọi xe mới được hỗ trợ bởi VinFast, thuộc Tập đoàn VinGroup – một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam.

XanhSM là thương hiệu của Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) được thành lập vào tháng 3/ 2023, thuộc sở hữu của ông Phạm Nhật Vượng, người sáng lập Tập đoàn Vingroup, với 95% cổ phần.

GSM hiện cung cấp các dịch vụ taxi, gọi xe, giao hàng và cho thuê ô tô. Công ty tự hào với cam kết “di chuyển xanh và thông minh” vì toàn bộ đội xe của hãng đều là xe điện (EV) được mua từ VinFast.

Đến cuối năm 2023, công ty đã cung cấp dịch vụ thành công tại 29/63 tỉnh, thành trên khắp Việt Nam, với hơn 20.000 ô tô điện và khoảng 22.000 xe máy điện. Vào tháng 11/2023, công ty đã triển khai dịch vụ tại hai thành phố ở Lào, đánh dấu bước đầu tiên vươn ra thị trường quốc tế.

GSM cũng có kế hoạch mở rộng sang các thị trường khu vực khác, bao gồm Philippines và Indonesia. Đây là một thành tích đáng ghi nhận khi công ty mới đi vào hoạt động chưa đầy một năm.

Các cuộc phỏng vấn của tác giả với hơn chục tài xế XanhSM đã tiết lộ một số yếu tố giải thích cho sự mở rộng nhanh chóng của GSM tại Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên cao cấp và Điều phối viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á. Ảnh: NVCC.

Đầu tiên, GSM đối xử với các tài xế như nhân viên chứ không phải là nhà thầu hoặc đối tác như các nền tảng gọi xe khác chẳng hạn như Grab.

Với tư cách là nhân viên, tài xế được hưởng mức lương cố định hàng tháng, tiền thưởng hiệu suất và các lợi ích khác như 4 ngày nghỉ hưởng lương mỗi tháng, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Điều này không chỉ mang lại cho các tài xế cảm giác an toàn mà còn nuôi dưỡng lòng trung thành đối với công ty.

Thứ hai, trong khi các tài xế Grab phải bỏ ra khoản đầu tư ban đầu để mua xe riêng mới có thể tham gia nền tảng, thì các tài xế của XanhSM không phải chịu gánh nặng chi phí này vì phương tiện họ lái đều thuộc sở hữu của công ty. Vì vậy, nhiều tài xế Grab đã chọn cách cho thuê hoặc bán xe và chuyển sang lái xe cho XanhSM.

Thứ ba, về chi phí vận hành, tài xế Grab không những phải tự trang trải chi phí khấu hao cho phương tiện của mình mà còn phải đối mặt với chi phí xăng dầu, bảo dưỡng cao. Trong khi đó, chi phí chính mà tài xế XanhSM phải chịu là phí sạc pin cho xe, mà theo những người được tác giả phỏng vấn, chi phí này có thể chỉ bằng 1/3 chi phí xăng dầu của ô tô truyền thống.

Nhiều tài xế đã chuyển từ Grab sang XanhSM cũng tiết lộ rằng, ngoài chi phí hoạt động tốn kém, Grab còn quy định phí hoa hồng cao, chiếm lên tới 25% thu nhập hàng ngày của tài xế. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến những người này chuyển sang XanhSM.

Với hơn 60 triệu chuyến đi kể từ khi ra mắt vào tháng 4 /2023, sự mở rộng nhanh chóng của XanhSM cũng là một minh chứng rõ ràng cho thấy mức độ hài lòng cao của khách hàng.

Sự phổ biến ngày càng tăng của XanhSM một phần là do giá vé cho các chuyến đi đặt qua ứng dụng đã được cố định, trái ngược với giá vé dao động theo nhu cầu của Grab. Với nhiều khuyến mại khác nhau, giá vé của hãng cũng có thể thấp hơn của Grab.

Đồng thời, tài xế của XanhSM được đánh giá là người lịch sự, thân thiện do được công ty đào tạo kỹ lưỡng và chú trọng đến chất lượng dịch vụ.

Không chỉ vậy, xe của hãng đều to, mới, sạch sẽ và “thông minh”, giúp cho những chuyến đi của khách hàng trở nên thoải mái và thú vị. Khách hàng cũng đánh giá cao XanhSM là giải pháp giao thông xanh giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM.

Như vậy, dù còn khá “trẻ” nhưng Xanh SM đang cho thấy tiềm năng đầy hứa hẹn bằng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Nếu công ty tiếp tục đi theo quỹ đạo hiện tại thì XanhSM có thể sẽ truất ngôi Grab tại thị trường Việt Nam.

Đây sẽ là một thành tựu lớn của VinFast cũng như Vingroup. Dù bán được gần 35.000 ô tô trên toàn cầu trong năm 2023, VinFast vẫn đang hoạt động với một khoản lỗ khổng lồ.

Do vậy, thành công của XanhSM không chỉ mang lại nguồn doanh thu đáng kể cho VinFast mà còn giúp hang giới thiệu về sản phẩm của mình, từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng trong tương lai.

Ngoài ra, nếu XanhSM có thể mở rộng và tiến tới IPO, Vingroup có thể huy động thêm nguồn vốn cho các mảng kinh doanh khác của mình, đặc biệt là VinFast.

Tuy nhiên, bất chấp thành công ban đầu, GSM cũng đang phải đối mặt với một số thách thức đáng kể. Một số tài xế đã bày tỏ lo ngại về áp lực ngày càng tăng của công ty đối với các tài xế của mình trong việc tạo ra nhiều doanh thu hơn và áp đặt các tiêu chuẩn cao hơn cho tiền thưởng hiệu suất.

Hơn nữa, việc lái xe cho GSM không linh hoạt như lái xe cho Grab, vì tài xế không có quyền tự do lựa chọn thời điểm mình muốn lái xe. Sự thiếu linh hoạt này có thể là trở ngại đối với một số tài xế.

Để mở rộng kinh doanh nhanh hơn, GSM vừa công bố sẽ sớm ra mắt Nền tảng XanhSM, theo đó chủ sở hữu xe điện VinFast EV có thể cùng công ty làm đối tác cung cấp dịch vụ gọi xe. Hiện vẫn chưa rõ công ty sẽ đưa ra chính sách với những tài xế này như thế nào, nhưng rất có thể họ sẽ được phân loại là đối tác hơn là nhân viên.

Do đó, mặc dù giúp công ty mở rộng nhanh hơn nhưng cách tiếp cận này có thể khiến các tài xế đối tác gặp phải những vấn đề tương tự mà họ gặp phải khi lái xe cho các nền tảng khác như Grab.

Sự mở rộng nhanh chóng của GSM và những nỗ lực không ngừng để thu hút tài xế và khách hàng thông qua các khuyến mại khác nhau có nghĩa là công ty có thể không thể sớm tạo ra lợi nhuận.

Nếu doanh số bán hàng của VinFast không cải thiện và hoạt động kinh doanh bất động sản của Vingroup gặp khó khăn, điều này có khả năng gây bất lợi cho triển vọng tăng trưởng và tình hình hoạt động của tập đoàn nói chung.

Việc mở rộng GSM sang thị trường quốc tế cũng có thể gặp nhiều thách thức vì có thể sẽ phải đối mặt với môi trường pháp lý bất lợi hơn ở các quốc gia khác. Điều này được chứng minh bằng sự chậm trễ trong việc triển khai dịch vụ tại Campuchia.

Như vậy, mặc dù GSM có thể khiến vị trí thống trị của Grab tại Việt Nam gặp lung lay nhưng không có gì đảm bảo rằng hãng sẽ lặp lại thành công ở các thị trường khác.

TS Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore

Theo: TS Lê Hồng Hiệp

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Scroll to Top