Cổ phiếu VFS liên tục khuấy động sàn chứng khoán Mỹ mở ra cơ hội gọi vốn của VinFast – Thời cơ vàng cho thương hiệu Việt

Cổ phiếu VFS liên tục khuấy động sàn chứng khoán Mỹ mở ra cơ hội gọi vốn của VinFast - Thời cơ vàng cho thương hiệu Việt

Ngày 15/08/2023, cổ phiếu VFS của công ty xe điện VinFast chính thức niêm yết lần đầu tiên trên sàn Nasdaq với giá 22 USD/cp và kể từ đó, VFS liên tục đạt những mức giá rất cao, vượt qua sự dự đoán của hầu hết nhà đầu tư.

Kết thúc phiên giao dịch 28/8 trên sàn Nasdaq, cổ phiếu VFS của VinFast đóng cửa với mức giá 82,35 USD/cp, tăng 13,58 USD/cp (19,75%) so với phiên giao dịch trước. Gía trị vốn hóa vượt 191 tỷ USD, ông Phạm Nhật Vượng giàu thứ 16 thế giới.

Nếu so với mức 10 USD/cp là giá thỏa thuận mà VinFast phát hành riêng lẻ 15 triệu cổ phiếu cho công ty Gotion, đối tác của VinFast trong nhà máy liên doanh sản xuất pin Lithium VINES – GOTION, thì thị giá VFS đang cao hơn rất rất nhiều.

Mức 82,35 USD/cp này đã đưa giá trị vốn hóa của VinFast lên xấp xỉ 191 tỷ USD, tạm xếp vị trí thứ ba trong danh sách các nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới chỉ sau Tesla (757 tỷ USD), và Toyota (225 tỷ USD).

Mức vốn hoá này của VinFast cũng vượt xa các công ty ô tô điện khác như: Li Auto (39 tỷ USD), NIO (19.4 tỷ USD), Rivian (19.02 tỷ USD), Lucid Motors (13.4 tỷ USD).

VinFast tạo ra ấn tượng đặc biệt

Với hình ảnh là doanh nghiệp xe điện do tập đoàn lớn nhất Việt Nam là Vingroup và tỷ phú giàu nhất Việt Nam hậu thuẫn, cùng với khát vọng xuất khẩu ô tô Việt ra thế giới, VinFast đã tạo một ấn tượng khá đặc biệt đối với thị trường.

Ngay sau khi niêm yết thành công và được giao dịch ở mức giá cao đó, bà Lê Thị Thu Thủy – CEO của VinFast đã xuất hiện hoành tráng trong “First Move with Julia Chatterley”, một chương trình về kinh tế tài chính nổi tiếng của đài CNN, để chia sẻ về kế hoạch hậu niêm yết của VinFast.

VinFast cũng liên tục truyền tải những thông tin tích cực.

VinFast công bố xếp hạng của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) với dòng SUV 7 chỗ có tên VF9 – vượt qua cả kỳ vọng của hãng. Mẫu VinFast VF9 được EPA chứng nhận bản Eco có thể di chuyển 330 dặm (532 km) mỗi lần sạc, bản Plus là 291 dặm (468 km). Các mẫu xe này có giá lần lượt là 83,000 USD và 91,000 USD với hệ thống hỗ trợ lái tiên tiến.

VinFast cho biết đã giao 11,300 xe điện trong nửa đầu năm 2023 và có 26,000 xe đặt trước tính đến ngày 30/06, trong đó 10,000 xe là của thị trường Mỹ. Hiện VinFast có 122 showroom ô tô điện trên thế giới.

Ngoài ra, công suất sản xuất của VinFast hàng năm là 300,000 xe và dự kiến tăng thêm 150,000 xe nếu nhà máy đầu tiên ở North Carolina, Mỹ đi vào hoạt động năm 2025 theo kế hoạch.

Những thông tin này chắc hẳn đã góp thêm lý do cho mức giá cao của cổ phiếu VinFast.

Thế nhưng nguyên nhân quan trọng nhất của việc leo đỉnh của cổ phiếu VFS, theo đa số chuyên gia, nhà nghiên cứu là số lượng cổ phiếu được giao dịch của VFS quá thấp. Ông Phạm Nhật Vượng và Vingroup nắm giữ đến 2.3 tỷ cổ phần, chiếm hơn 99% tổng số cổ phiếu VFS.

Hiện nay số cổ phẩn này chưa được giao dịch. Vì số cổ phần được mua bán trên sàn (gọi là float) quá nhỏ nên giá VFS dễ bị ảnh hưởng bởi những hành vi giao dịch phi lý trí của nhà đầu tư, bởi các chiến thuật trading của nhà đầu tư sành sỏi, và có xu hướng tăng lên giảm xuống với độ biến động rất lớn.

Các chuyên gia liên tục đưa ra những lý giải về mức vốn hóa đáng ngạc nhiên của VinFast

Ngoài những tin tức ghi nhận mức giá cao, vốn hóa khủng của VinFast, còn có nhiều bài phân tích từ các chuyên gia tài chính quốc tế nhận định rằng giá cổ phiếu VFS là quá cao.

Ngày 17/06, chuyên gia Peter Cohan viết trên Forbes bài “Tại sao giá cổ phiếu VinFast được cho là cao hơn giá trị thực 98%”. Ông đưa ra 4 ý chính: (1) Sản phẩm VFS không có gì đặc biệt, và bị nhận những nhận xét không tích cực, (2) VinFast không đủ năng lực để cạnh trang trên thị trường ô tô điện tại Mỹ, (3) Định giá quá cao, (4) Cổ đông nội bộ nắm giữ hầu hết số cổ phiếu.

Theo ông Peter Cohan, mức vốn hóa của VFS nên định theo hệ số P/S (giá trên doanh số) trung bình của xe ô tô điện là 2. Tức là lấy doanh số bán hàng của VinFast nhân cho 2 sẽ ra mức vốn hóa phù hợp cho VFS.

Ngày 25/08, chuyên gia Al Root, viết trên Barrons: “VinFast bất ngờ tăng vọt, trở thành startup xe điện có giá trị cao nhất từ trước đến nay. Công ty nên thực hiện điều này”. Ký giả Neha Chamaria viết trên The Motley Fool: “VinFast Auto là gì và tại sao cổ phiếu tăng hơn 240% trong vòng 5 ngày?”.

Cùng ngày, nhà báo tài chính Esha Dey, viết trên Bloomberg bài: “Cổ phiếu đang tăng mạnh VinFast là một trò chơi may rủi của các nhà đầu tư”.

Các tác giả này đều cho rằng giá của VinFast đang rất cao so với giá trị thực. Cụ thể hơn, giá VinFast quá cao nếu định giá theo phương pháp so sánh tương quan với các doanh nghiệp tương tự. Họ đều cho rằng, giá VFS sẽ giảm về mức hợp lý khi cổ đông lớn bán ra cổ phiếu, hay phát hành thêm cổ phiếu làm tăng số cổ phiếu được giao dịch trên thị trường lên.

Vấn đề quan trọng là VinFast có tận dụng được cơ hội vàng này để gọi vốn?

Mục tiêu chính yếu nhất của việc niêm yết cổ phiếu VFS trên thị trường Mỹ là gọi vốn cho VinFast. Mục tiêu thứ hai là tạo uy tín cho thương hiệu, cho sản phẩm xe điện VinFast để công ty có thể bán xe dễ hơn. Còn những điểm khác như giá trị vốn hóa, thứ hạng tỷ phú, tự hào sản phẩm Việt Nam… sẽ là kết quả tự đến.

Sản xuất ô tô điện là một ngành cần nhiều, rất nhiều vốn để doanh nghiệp có thể đạt mức hòa vốn (break even), tức là không còn bị lỗ ròng trong năm. Hãy cùng điểm qua tình hình xe lượng xe bán, số năm để cần hòa vốn của các công ty xe điện.

Tesla bắt đầu bán xe điện từ 2009. Trong năm đầu này, Tesla đã có mức giá bán cao hơn giá thành, tức là đã có lời gộp ngay từ năm đầu. 10 năm sau, vào năm 2019, Tesla bán được 367,656 chiếc xe, nhưng vẫn bị vẫn lỗ ròng 783 triệu USD. Năm 2020, tức là sau 11 năm, với số xe bán được là 499,535 chiếc, Tesla đạt điểm hoà vốn, và bắt đầu có lãi 690 triệu USD.

Công ty Li Auto của Trung Quốc bắt đầu bán xe điện năm 2019, đạt mức giá bán cao hơn giá thành, có lời gộp ngay trong năm. Nhưng hiện tại vẫn chưa đạt điểm hòa vốn. Năm 2022, Li Auto bán 133,246 chiếc và lỗ 3.6 tỷ USD.

Công ty Rivian bắt đầu bán xe điện năm 2021. Vào năm 2022, Rivian bán được 20,332 chiếc xe, và có mức lỗ gộp 3.1 tỷ USD, lỗ ròng 6.8 tỷ USD.

Công ty Lucid Air bắt đầu bán xe điện năm 2021. Vào năm 2022, Lucid bán được 4,369 chiếc xe, lỗ gộp 1 tỷ USD và lỗ ròng 2.6 tỷ USD.

Công ty NIO bắt đầu bán xe điện năm 2017. Năm 2020, NIO bán 43,728 chiếc xe và không còn lỗ gộp. Năm 2022, bán 122,000 xe, và vẫn lỗ ròng 4.6 tỷ USD.

VinFast được thành lập năm 2017, và bắt đầu sản suất xe điện năm 2021. Năm 2022, Vinfast bán 7,080 chiếc xe điện, lỗ gộp 519 triệu, lỗ ròng 2.1 tỷ USD. 5 tháng đầu năm 2022 bán 8,483 chiếc, vượt qua số xe điện bán trong năm 2022. Quý 1/2023 lỗ gộp 161 triệu USD và lỗ ròng 598 triệu USD. Tổng lỗ lũy kế tính đến 31/03/2023 khoảng 6 tỷ USD.

So sánh tình hình kinh doanh, tài chính của VinFast và các doanh nghiệp xe điện nói trên, người viết dự đoán một cách lạc quan nhưng thực tế rằng, VinFast cần bán ra 200,000 – 250,000 xe điện một năm để có thể đạt mức hòa vốn, có lãi ròng trong năm. Và để đạt được con số đó, VinFast cần ít nhất 3 – 6 năm.

Điều đó có nghĩa là VinFast sẽ còn phải lỗ thêm 6 – 12 tỷ USD nữa thì mới có thể đạt điểm hòa vốn. Ngoài ra VinFast cần thêm vốn để đầu tư vào tài sản, dự án. Tổng vốn gồm cả vốn cổ phần và vốn vay, từ nay cho đến khi đạt điểm hoa vốn, ước tính khoảng 10 – 20 tỷ USD.

Trong kịch bản lạc quan, VinFast có thể phát hành cổ phiếu thêm, hoặc chuyển nhượng lại số cổ phiếu mà giá cổ phiếu vẫn nằm ở mức 10 – 22 USD/cp. Khi đó VinFast sẽ đủ vốn để phát triển doanh nghiệp và trở thành một công ty xe điện lớn của toàn cầu.

Ở kịch bản bi quan, giá cổ phiếu VFS giảm xuống mức thấp hơn 10 USD/cp, việc gọi thêm vốn của VinFast sẽ trở nên khó khăn hơn, thậm chí sẽ càng trắc trở hơn nếu giá cổ phiếu bị rớt sâu.

Tất cả sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của xe điện VinFast, phụ thuộc vào kỹ năng marketing, và đặc biệt là tài năng phát hành, chuyển nhượng cổ phiếu của đội ngũ VinFast. Chúng ta hãy cùng chờ bản lãnh của tập đoàn số 1 Việt Nam.

So sánh chi tiết xe điện Việt VinFast VF8 và xe Mỹ Tesla Model Y | Tạp Chí Siêu Xe

Theo: vietstock / Lâm Minh Chánh – Chủ tịch Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Scroll to Top