Xem trước xe đua thuần điện Lotus E-R9 concept với khả năng ‘biến hình’ của năm 2030

Xem trước xe đua thuần điện Lotus E-R9 concept với khả năng 'biến hình' của năm 2030

Một mẫu xe concept với tầm nhìn đến năm 2030 của Lotus được nhá hàng mang tên Lotus E-R9, một mẫu xe đua thuần điện và có khả năng ‘biến hình’.

Không chỉ nổi tiếng với những chiếc xe thể thao thuần đường đua như Elise, Exige hay Evora, Lotus còn rất nổi tiếng trong các giải đua trên khắp thế giới. Trong quá khứ, đã có lúc đội đua Anh Quốc đã “chinh chiến” và giành nhiều thành công ở khắp các giải đua, từ Công thức 1 đến Le Mans 24h và cả những giải đua GT quy mô nhỏ hơn.

Chiếc xe đua đặc biệt này được Lotus gọi là E-R9 và nó là “bản xem trước” của những chiếc xe đua đường trường mà hãng sẽ sử dụng trong các cuộc đua thuộc WEC (World Endurance Championship) ở thập kỷ sau.

Bản concept E-R9 của Lotus được phát triển bởi Giám đốc bộ phận khí động học của hãng, Richard Hill cùng đội ngũ của ông và Louis Kerr, kỹ sư trưởng bộ phận nền tảng của hypercar điện Evija. Ngoại thất của chiếc xe đua này được phát triển bởi đội ngũ thiết kết của Lotus, dẫn đầu bởi Russell Carr, Giám đốc thiết kế.

Kết quả là mẫu concept Lotus E-R9 tuyệt đẹp được ra đời, xe sở hữu buồng lái lấy cảm hứng từ máy bay chiến đấu và được trang bị hệ thống truyền lực điện. Chiếc xe đua tương lai sử dụng bốn mô-tơ cung cấp năng lượng cho mỗi bánh xe, nó cũng có tính năng kiểm soát hướng lực kéo, dựa trêncông nghệ mà Lotus đang sử dụng trong mẫu Evija mới. Lotus nói thêm rằng hệ thống truyền động của E-R9 sẽ “hoàn toàn có thể tùy biến khi đang di chuyển”.

Cấu trúc của xe cũng được thiết kế cho phép việc hoán đổi pin trở nên nhanh chóng. Hiện tại, những chiếc xe đua thuần điện đang được sử dụng trong giải đua Formula E có phạm vi hạn chế và thời gian sạc lâu, do đó việc các mẫu xe điện tham gia vào giải đua đường dài là điều không tưởng. Với cấu trúc mới của Lotus, đội đua có thể nhanh chóng tháo pin đã cạn kiệt và thay pin đầy mỗi khi chiếc xe đua dừng lại tại đường pit và tối ưu hóa thời gian đua.

Kĩ sư khung gầm của Lotus – Louis Kerr, người cũng phụ trách phát triển chiếc Evija cho biết: “Mật độ và năng lượng của pin đang phát triển đáng kể qua từng năm.
Trước năm 2030, chúng tôi sẽ có pin hóa học hỗn hợp nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất”.

Điểm đặc biệt nhất trên mẫu concept này đó chính là xe được trang bị tính năng khí động học chủ động, với các tấm ốp thân vỏ có khả năng thay đổi hiệu quả hình dạng của xe để phù hợp với tình huống lái. Chức năng này có thể được kích hoạt “chỉ bằng một nút bấm” hoặc được triển khai tự động theo dữ liệu từ các cảm biến luồng không khí được tích hợp sẵn.

Giám đốc khí động học Richard Hill, người chịu trách nhiệm thiết kế mẫu concept E-R9, chia sẻ: “khả năng thay đổi hình dạng của chiếc xe cho phép tạo ra lực cản tối thiểu trên đường thẳng và lực ép tối đa khi vào cua”. “Những gì chúng tôi đã cố gắng làm là để vượt qua ranh giới về mặt kỹ thuật hiện tại và cung cấp một cái nhìn thoáng qua về tương lai. Lotus E-R9 kết hợp các công nghệ mà chúng tôi hoàn toàn mong đợi sẽ phát triển và mang tính ứng dụng cao”.

Mẫu concept ER-9 ra đời nhằm tưởng nhớ tới quá khứ lừng lẫy trong lĩnh vực đua xe thể thao của Lotus. ER là viết tắt của ‘Endurance Racer’ có nghĩa là ‘tay đua sức bền’ trong khi số 9 ám chỉ chiếc Lotus Mark IX – chiếc xe đua đầu tiên của Lotus tham dự giải đua 24 giờ Le Mans năm 1955. Người sáng lập công ty Colin Chapman và Ron Flockhart đã lái chiếc Mark IX nguyên bản.

Ảnh: Autoexpress

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Scroll to Top