Chiến lược bán hàng của VinFast tại thị trường Mỹ bất ngờ thay đổi đã thu hút nhiều sự quan tâm từ các đơn vị phân phối, đặc biệt là sau khi VinFast đã niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Mỹ.
Hãng xe điện Việt – VinFast – mới đây đã có một thay đổi trong chiến lược bán hàng tại Mỹ. Thay đổi này đã khiến nhiều đơn vị tham gia trong thị trường xe Mỹ quan tâm và cũng cảnh giác. Thay đổi của VinFast nằm ở cách hãng xe này phân phối xe tại thị trường Mỹ.
Tới nay, VinFast đã chuyển gần 3000 chiếc xe điện tới khu vực Bắc Mỹ, và thay vì chỉ đi theo cách phân phối xe trực tiếp cho khách hàng giống kiểu Tesla, VinFast muốn có thêm đại lý.
Bên trong một showroom của VinFast tại Mỹ.
Hãng thông tấn Reuters cho rằng nhiều đơn vị phân phối xe tại Mỹ đã liên hệ với họ để hỏi về thay đổi mới đây của VinFast. Các đơn vị đó muốn biết rõ hơn về kế hoạch này, bao gồm chiến lược bán hàng, yêu cầu với các đại lý, kế hoạch phân phối linh kiện và chế độ bảo hành xe.
Chủ tịch của Glassman Automotive Group, ông George Glassman, nhận định: “Liệu có chỗ để phân phối thêm cho hãng khác không? Có, có thể chứ. Nhưng vấn đề là vẫn còn quá sớm để khẳng định. Tôi cần biết nhiều hơn trước khi đưa ra được quyết định khôn ngoan”. Glassman Automotive Group hiện đang phân phối xe cho 5 thương hiệu tại Mỹ.
DOANH SỐ VINFAST SẼ TĂNG MẠNH?
VinFast đã chính thức niêm yết trên sàn NASDAQ vào tuần trước, cao điểm đã có mức vốn hóa đạt khoảng 85 tỷ USD – con số lớn hơn cả những ông lớn như Ford hay General Motors. Song, sau đó thì giá cổ phiếu của VinFast đã giảm khoảng 17,2% còn 24,92 USD vào giữa phiên giao dịch hôm thứ 5 tuần trước.
Hiện tại, khi VinFast đang cố gắng nhiều hơn để chinh phục thị trường Mỹ, Reuters cho rằng hãng xe Việt đang đối mặt với nhiều khó khăn. Kế hoạch bán hàng mà trong đó tận dụng cả các đại lý ngoài lẫn các showroom chính hãng được cho là một khó khăn mới mà VinFast sẽ cần vượt qua. VinFast hiện đã bắt đầu trao đổi với các đơn vị phân phối.
CEO VinFast, bà Lê Thị Thu Thủy, trao đổi với Reuters: “Tự mở showroom là ý tưởng hay nhưng tốn rất nhiều thời gian. Hợp lực với các đối tác để tiến nhanh hơn vẫn luôn là điều chúng tôi làm”.
Theo Reuters, tính tới tháng 6 thì VinFast có khoảng 122 showroom trên khắp thế giới. Các nhân sự cấp cao tại VinFast không bình luận gì với Reuters về kế hoạch có thêm nhà phân phối. Nếu như VinFast có thêm nhiều nhà phân phối mới, điều đó đồng nghĩa xe của VinFast sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, khách hàng cũng sẽ cảm thấy thuận tiện hơn trong bảo dưỡng xe, từ đó sẽ tăng khả năng bán và giúp doanh số của VinFast tăng lên.
Hiện tại, các nhà phân phối tại Mỹ cho rằng họ đang có nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, trong đó có về vấn đề VinFast sẽ phân phối linh kiện ra sao để sửa chữa xe.
VinFast mới chỉ phân phối mẫu VF 8 tại Mỹ.
Ông Scott Fink, CEO của đơn vị sở hữu các đại lý Volkswagen và Subaru ở bang Florida – Fink Automotive Group, cho biết: “Các đại lý cũng cần quan tâm đến danh tiếng của họ. Nếu tôi bán cho bạn một chiếc xe mà lại thiếu mất cái cản trước, chắc chắn bạn sẽ rất cáu chúng tôi”. Ông cũng cho rằng các đại lý cũng phải đối mặt với khó khăn.
Các đại lý cho rằng Tesla có một hệ thống phân phối của riêng mình, nhưng Tesla là hãng xe điện hàng đầu thế giới, còn các thương hiệu start-up khác phải rất vất vả để vươn lên. Thêm vào đó, VinFast cũng sẽ cạnh tranh với xe đến từ các thương hiệu lâu đời như General Motors, Ford hay Hyundai.
Phụ trách một đại lý Hyundai tại bang Florida, Mỹ, ông Andrew DiFeo cho biết: “Điều đầu tiên bạn cần tính tới là liệu bạn có thể tồn tại trong 5 năm hay không? Đấy là một câu hỏi lớn”.
Nhiều đại lý cho rằng VinFast cần có chính sách ưu đãi về lợi nhuận thật tốt để bù trừ cho những khó khăn họ có thể gặp phải. Bên cạnh đó, VinFast cũng sẽ cần cung cấp chế độ bảo hành hàng đầu để khiến khách hàng yên tâm về sản phẩm.
Bên cạnh các mẫu SUV, VinFast cũng đang phát triển xe bán tải điện, nhiều khả năng là quân bài chiến lược tại Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, cựu giám đốc điều hành của General Motors, ông Warren Browne, lại cho rằng kế hoạch này không ổn: “Có quá nhiều giá trị phải đem ra để phục vụ đại lý. Đó là kế hoạch mà phố Wall [không thích].”
Trái ngược, CEO của Ricart Automotive Group ở bang Ohio, ông Rhett Ricart, cho rằng với một mức giá ưu đãi tốt, vẫn sẽ có đủ đại lý tham gia. Ricart Automotive Group hiện đang phân phối xe cho 10 thương hiệu. Thêm vào đó, kế hoạch xây dựng nhà máy tại Mỹ của VinFast cũng là một kế hoạch được đánh giá rất cao.
Các đại lý cũng đồng tình rằng một cái tên mới lạ không phải vấn đề to lớn, bởi Honda hay Hyundai cũng từng là một thương hiệu nhỏ và dần lớn mạnh: “Nếu đó là một sản phẩm tốt và được bảo hành tốt, người Mỹ sẽ mua” – ông Rhett Ricart khẳng định.
Ông Beau Boeckmann, chủ tịch Galpin Motors (đơn vị phân phối cho 12 hãng xe tại Los Angeles, Mỹ, trong đó có cả xe điện của Polestar – thương hiệu xe điện mới nổi thuộc Volvo), cho rằng các đại lý vẫn sẽ tìm các cơ hội làm ăn tốt.
Ông Beau Boeckmann đã từng tới thăm nhà máy VinFast tại Hải Phòng, cũng đã gặp CEO Lê Thị Thu Thủy. Ông cũng rất cởi mở với cơ hội hợp tác với VinFast: “Các đơn vị phân phối cũng làm kinh doanh và chấp nhận rủi ro”.
Theo: Soha
Sau màn “rung chuông” lên đỉnh Nasdaq, cổ phiếu VinFast tiếp tục giảm sâu, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chỉ còn 21,2 tỷ USD
Sau ngày mở màn hoành tráng trên sàn chứng khoán Mỹ, cổ phiếu VinFast tiếp tục giảm mạnh phiên thứ 3 liên tiếp trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ. Vốn hóa còn 35 tỷ USD. Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm.
Giảm 58%, vốn hóa vẫn thứ 4 khối xe điện
Mở cửa phiên giao dịch ngày 18/8 trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ (đêm 18/8 giờ Việt Nam) cổ phiếu VFS của hãng xe điện VinFast xác lập giá mở cửa là 19,64 USD (mức giá tham chiếu 20 USD/cp), rồi nhanh chóng giảm tiếp. Có lúc, cổ phiếu VFS giảm hơn 30% xuống gần 13 USD.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/8 (rạng sáng ngày 19/8 giờ Việt Nam), VFS giảm 23% so với phiên liền trước, xuống còn 15,4 USD.
Như vậy, so với mức giá đóng cửa phiên đầu tiên 15/8 (hơn 37 USD), cổ phiếu VinFast giảm 58,4%. Vốn hóa của VinFast còn 35,4 tỷ USD.
Với mức vốn hóa này, VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng , đứng thứ 4 trong số các hãng xe ô tô điện trên thế giới, xếp trên Rivian (19,5 tỷ USD)., sau BYD (84 tỷ USD) và Li Auto (38,4 tỷ USD) của Trung Quốc.
Tesla vẫn ở vị trí đầu tiên với gần 683 tỷ USD tính tới ngày 18/8.
Còn so với các hãng xe ô tô thế giới nói chung, VinFast Auto đứng thứ 14.
Trước đó, trong phiên chào sàn 15/8, với vốn hóa 85 tỷ USD, VinFast Auto của tỷ phú Phạm Nhật Vượng xếp trên cả Mercedes-Benz (80 tỷ USD), BMW (71 tỷ USD), Volkswagen (70,8 tỷ USD), Ferrari (56 tỷ USD), Honda (48 tỷ USD), Ford (47,8 tỷ USD), GM (46 tỷ USD)…
Với hơn 35 tỷ USD như hiện tại, VinFast Auto vẫn đứng trên Hyundai (33 tỷ USD), Kia (23,6 tỷ USD), Nissan (16,4 tỷ USD)… Tuy nhiên, vị trí này dự kiến còn biến động nhiều.
Khó khăn còn nhiều
Trong cuộc họp báo trực tuyến ngay sau phiên đầu tiên, CEO VinFast bà Lê Thị Thu Thủy thừa nhận “bất ngờ” khi cổ phiếu lên 37 USD trong phiên chào sàn và không chuẩn bị cho kịch bản cổ phiếu VFS lên mức giá này.
Trước đó, theo bà Thủy, khi đi hỏi các ngân hàng đầu tư, hầu hết đều nói là cổ phiếu sẽ đỏ, tức là VFS sẽ giảm xuống dưới 10 USD/cp trong phiên đầu tiên. Lãnh đạo VinFast và các cộng sự ban đầu chỉ tin đạt vốn hóa trên 23 tỷ USD, “nhưng không ngờ tới 85 tỷ USD”.
Tới hết ngày 18/8, theo Forbes, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn 21,2 tỷ USD, xếp thứ 78 trên thế giới.
Hôm 17/8, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng còn ở mức 37,5 tỷ USD, xếp thứ 33 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh, đứng trên vợ cũ của tỷ phú Jeff Bezos, bà MacKenzie Scott (xếp thứ 36).
Trong phiên ngày 16/8, Forbes có thời điểm đánh giá tỷ phú Vượng có 84 tỷ USD và xếp thứ hạng 16 trên thế giới. Tuy nhiên, tạp chí này sau đó vài giờ điều chỉnh xuống mức khá tương đồng với đánh giá của Bloomberg ở mức hơn 44 tỷ USD.
Tham khảo: Vietnamnet