Sau khi tháo dỡ một chiếc SUV điện Tesla Model Y, sếp lớn Toyota phải thừa nhận rằng Tesla Model Y là một “tác phẩm nghệ thuật”.
Khi ông Akio Toyoda tuyên bố từ chức CEO vào tháng 1-2023, có vẻ ông đã ngầm thừa nhận sự thất bại từ chính sách không điện khí hóa hoàn toàn đội hình xe Toyota. Các nhà phân tích và báo chí đã chỉ trích Toyota chậm chạp trong việc phát triển xe điện, và người lên thay là ông Koji Sato có vẻ đang ưu tiên xe điện.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Toyota sẽ sử dụng quy trình sản xuất nổi tiếng của mình để đẩy nhanh xuất xưởng xe điện. Thậm chí trong ngắn hạn có thể là ngược lại, “lùi để tiến”, theo Autoblog.
Nhận định này dựa trên việc Automotive News đăng bài viết rằng Toyota có chiến lược xe điện “trống rỗng”. Bài báo dẫn lại lời một số nhân vật cấp cao trong công ty tiết lộ Toyota không hài lòng với nền tảng e-TNGA đang được sử dụng trên những mẫu xe điện đầu tiên, Toyota bZ4X, Lexus RZ, cũng như bZ3 dành cho thị trường Trung Quốc.
Do đó, gần đây, các kỹ sư của Toyota đã tháo rời một chiếc Tesla Model Y để nghiên cứu – một thông lệ phổ biến trong ngành. Lý do hãng chọn Model Y có thể đến từ việc mẫu xe này bán chạy hơn cả RAV4, còn Model 3 bán chạy hơn Camry vào năm ngoái.
Những gì các kỹ sư tìm thấy là các kỹ thuật sản xuất sáng tạo khiến người trong cuộc phải trầm trồ gọi Model Y là “tác phẩm nghệ thuật” và cảm thán “thật không thể tin được”.
Kỹ thuật sản xuất đỉnh cao ẩn chứa trong Model Y về cơ bản chia thân chính thành hai phần và bộ pin cũng đóng vai trò là một phần trong cấu trúc xe. Trong khi đó, nền tảng e-TNGA của Toyota yêu cầu nhiều mảnh ghép hơn.
Cách làm của Tesla khiến chiếc xe giảm gần 100kg, và bớt hàng trăm bộ phận. Chưa hết, bộ pin của Toyota được lắp đặt riêng biệt, do đó bị giới hạn về kích thước và hiệu suất.
Sự so sánh đó có thể nói gọn lại thành xe điện Toyota có tầm hoạt động kém hơn và ít tính năng hơn.
Điều này là không tránh khỏi, khi nền tảng e-TNGA vốn được phát triển cho xe xăng và hybrid. Thậm chí, dù đã ra mắt từ năm 2015, đến nay nhiều nhà máy của Toyota vẫn còn đang trong quá trình thích ứng với nền tảng này.
Nguồn tin của Automotive News khẳng định, Sato và các lãnh đạo khác trong Toyota quyết định tạm dừng phát triển một số mẫu xe sử dụng nền tảng e-TNGA để tập trung vào nền tảng hoàn toàn mới được thiết kế riêng cho xe điện.
Người này cũng cho biết kế hoạch này đã được khởi động trước khi ông Akio Toyoda tuyên bố nghỉ hưu. Nhưng sức ảnh hưởng của người lãnh đạo cầm quân lâu nhất lịch sử Toyota này vẫn còn rất rõ. Toyota vẫn thể hiện sẽ duy trì chiến lược đa hướng, tức là phát triển cả xe hybrid, PHEV và xe hydro cho các thị trường khác nhau.
Dường như sự phát triển của nền tảng này được Toyota đúc kết thêm trong quá trình liên doanh với BYD của Trung Quốc, công ty đã giúp phát triển bZ3. Toyota cũng có một trung tâm nghiên cứu và phát triển xe không phát thải chuyên dụng và đã công bố kế hoạch nâng cấp nhà máy ở Kentucky, Mỹ, làm nơi chế tạo xe điện từ năm 2025.
Tuy nhiên, Toyota không hoàn toàn chắc chắn rằng xe điện do Tesla hoặc BYD sản xuất sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng nội bộ nghiêm ngặt của công ty. “Nếu BYD kiểm tra pin của họ với tuổi thọ 100.000km, thì chúng tôi kiểm tra tuổi thọ pin tới 200.000km”, nguồn tin của Automotive News nói.
Loại kiểm tra kỹ lưỡng đó tốn thời gian và tiền bạc, nhưng đã giúp củng cố danh tiếng về độ bền và chất lượng xe Toyota. Các nguồn tin cũng chỉ ra rằng Toyota muốn đảm bảo họ có đủ vật liệu sản xuất pin để tránh tắc nghẽn trong sản xuất trước khi tung xe ra thị trường.
“Chúng tôi phải lập kế hoạch cho 20 năm tới, không chỉ kế hoạch 5 năm thôi đâu”, một lãnh đạo Toyota nói với Automotive News.
Cuối cùng Toyota phải thừa nhận ‘đã đến lúc làm xe điện’, Lexus sẽ là ‘phát sú.ng tiên phong’
Toyota tuyên bố không từ bỏ xe hybrid và hydro, nhưng cho biết một nền tảng chạy hoàn toàn bằng điện mới sẽ ra mắt vào khoảng năm 2026.
Sau tuyên bố từ chức CEO Toyota, ông Akio Toyoda cho biết người kế nhiệm sẽ đưa công ty bước vào kỷ nguyên mới. Đó là ông Koji Sato, trước đây là lãnh đạo của Lexus, sẽ lên nắm quyền từ ngày 1-4-2023.
Khác với ông Toyoda, trong thông cáo mới phát đi hôm 13-2, ông Sato cho biết Toyota sẽ chứng minh lời hứa đưa ô tô trở nên tốt đẹp hơn bằng “các hành động và sản phẩm cụ thể, chẳng hạn đẩy nhanh quá trình điện khí hóa”.
Ông cũng nói thêm rằng đây là thời điểm thích hợp để đẩy nhanh quá trình phát triển xe điện với một cách tiếp cận mới. “Toyota phải tạo ra những chiếc xe có tính đến an ninh năng lượng và góp phần đạt được một xã hội trung hòa carbon”, (cựu) CEO Lexus nói.
Toyota có kế hoạch sử dụng thương hiệu xe sang Lexus làm quân tiên phong cho chiến lược này khi sẽ trình làng nền tảng chạy điện hoàn toàn đến năm 2030.
Đặc biệt, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có kế hoạch phát triển cả pin và nền tảng chuyên dụng để tối ưu hóa, hợp lý hóa sản xuất – vốn là thế mạnh bấy lâu của Toyota.
Qua tuyên bố trên, có thể thấy Toyota đang cố gắng bước vào kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, dường như vẫn có sự thừa kế nhất định, khi ông Sato vẫn nhắc lại “các lựa chọn đa dạng” và ủng hộ chiến lược “đa lộ trình” mà không nói gì cụ thể hơn.
Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Không thể rẽ sang xe điện quá nhanh. Còn về vấn đề chúng tôi chậm trễ với các dự án làm xe điện, tôi cho rằng chiếm một nửa nguyên nhân là vấn đề giao tiếp”.
Ông nói rằng việc đưa Toyota bước vào thời đại xe điện sẽ yêu cầu một hệ thống sản xuất chi phí rẻ và hiệu quả: “Khả năng cạnh tranh và chi phí sản xuất xe điện là một thách thức rất lớn”.
Đó có thể cũng là lý do Toyota đã lựa chọn thương hiệu hạng sang Lexus làm “quân tiên phong”.
Ông không nói nhiều về nền tảng chỉ dành cho xe điện mới của hãng, có thể ra mắt vào khoảng năm 2026. Nhưng Toyota đã sử dụng một nền tảng linh hoạt duy nhất cho các loại xe từ Prius đến Camry và Highlander, Sienna và Tundra.
Nhìn chung, Toyota và Lexus đang rất lép vế trên thị trường xe điện. Năm ngoái, Toyota chỉ bán được khoảng 24.000 chiếc xe điện trên tổng cộng 10,5 triệu EV được bán trên thế giới trong năm 2022.
Trong khi đó, họ lại bán được tới 2,6 triệu chiếc xe hybrid trong cùng khoảng thời gian.
Theo: Tuoitre