Ngày này 4 năm trước tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk đã đưa một chiếc Tesla vào vũ trụ thông qua tên lửa Falcon Heavy của SpaceX trong vụ phóng thử nghiệm đầu tiên tại Florida.
Chiếc ô tô thể thao màu đỏ yêu thích của Elon Musk, được điều khiển bởi một hình nộm mặc đồ du hành không gian có tên Starman, vẫn ở ngoài đó, đi theo một quỹ đạo cô độc xung quanh mặt trời. Lúc xa nhất, nó cách vầng thái dương khoảng cách tương đương với quỹ đạo sao Hỏa và lúc khác lại có khoảng cách như quỹ đạo trái đất.
Đây là vụ phóng thử nghiệm và SpaceX cần một thiết bị để thử khả năng của tên lửa Falcon Heavy. Chiếc xe Tesla của Musk đã được chọn. Tính đến đầu tuần, chiếc xe cách trái đất khoảng 234 triệu dặm và cách sao Hỏa khoảng 20 triệu dặm.
Jonathan McDowell, một nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard Smithsonian, nói rằng chiếc xe có thể vẫn còn nguyên vẹn dù nó có khả năng đã va chạm với những thiên thạch nhỏ. Trong 4 năm qua, chiếc xe đã đi được quãng đường gần 2 tỷ dặm và hoàn thành 2,6 vòng xung quanh mặt trời.
Hành trình của chiếc xe hầu hết là cô độc. Tuy nhiên, đôi lúc nó cũng ở gần những thiên thể khác. Vào năm 2020, chiếc xe lần đầu tiếp cận gần sao Hỏa ở khoảng cách 5 triệu dặm, tức là khoảng 20 lần so với khoảng cách từ trái đất tới Mặt Trăng.
Theo NASA, chiếc xe không có khả năng tái ngộ với sao Hỏa cho tới năm 2035, khi quỹ đạo của nó và hành tinh đỏ một lần nữa tiến gần tới nhau. Trong năm 2047 và 2050, chiếc xe có thể ở gần trái đất với khoảng cách tính bằng triệu dặm khi quỹ đạo của nó và chúng ta giao với nhau.
Trong một bài báo khoa học, người ta ước tính cơ hội mà chiếc xe va chạm với trái đất trong khoảng 15 triệu năm tới là 22%. Tỷ lệ nó đâm vào sao Kim hay mặt trời trong khoảng thời gian này cũng ở mức 12%. Tuy nhiên, nhà thiên văn Hanno Rein, tác giả của bài báo, nói rằng xác suất này là khá thấp.
Trên thực thế, du hành không gian là quá trình phức tạp và khó đoán nên người ta khó lòng biết chính xác đường đi của chiếc xe. Ngoài ra, việc nghiên cứu quỹ đạo của nó cũng chẳng có mấy giá trị khoa học nên người ta sẽ không hướng các loại kính thiên văn công suất lớn tới nó để thu thập thêm dữ liệu. Theo ông Rein, lần cuối cùng chiếc xe được quan sát là vào tháng 3/2018, khoảng 1 tháng sau khi nó được phóng lên.
Ngay cả trong trường hợp chiếc xe gặp sự cố nào đó và lao vào trái đất, người ta cũng tin rằng nó sẽ bị phá hủy thành nhiều mảnh trong quá trình ma sát với bầu khí quyển dày đặc. Trong trường hợp đó, nó sẽ chẳng khác gì so với những thiên thạch, bị thiêu rụi khi lao vào trái đất. Nguy cơ gây ảnh hưởng tới con người dưới mặt đất là vô cùng hiếm.
Số phận của chiếc xe Tesla có lẽ sẽ sớm chìm vào quên lãng. Tuy nhiên, với việc thử nghiệm tên lửa của SpaceX, Elon Musk hy vọng rằng con người có thể chinh phục vũ trụ vào xây dựng các khu định cư trên các hành tinh khác trong hệ mặt trời. Elon Musk cũng mong đợi hậu duệ của ông có thể bắt lấy chiếc xe và đưa nó trở lại để yên nghỉ trong một viện bảo tàng. Tuy nhiên, hiện nó vẫn chỉ chỉ dừng lại ở mức độ mong muốn.
Theo: Doanhnghiepvatiepthi