Kỹ sư “chân đất” chi 300 triệu biến sắt thép thành “thiên nga trắng” mui trần nặng gần 2 tấn: Đơn giản vì đó là đam mê!

Kỹ sư "chân đất" chi 300 triệu biến sắt thép thành "thiên nga trắng" mui trần nặng gần 2 tấn: Đơn giản vì đó là đam mê!

Sau gần 6 tháng, một người thợ cơ khí tại Hà Nội đã chế tạo thành công chiếc xe cổ mui trần dài 5,1m; trọng lượng gần 2 tấn, tổng chi phí khoảng 300 triệu đồng.

Hơn 20 năm trước, anh Tạ Đình Huy (40 tuổi) xã Thượng Vực (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) tạm gác giấc mơ Đại học, quyết tâm theo đuổi đam mê cơ khí, sáng chế những chiếc xe “không giống ai”.

Anh Tạ Đình Huy bên “thiên nga trắng”, kiểu dáng Pháp cổ, nặng gần 2 tấn.

Sau khi chế tạo một chiếc xe máy độc lạ, anh Huy nhận ra sản phẩm này không mang lại hiệu quả kinh tế cho xã hội, mà chỉ đơn giản thỏa mãn đam mê cá nhân.

Cùng lúc đó, chứng kiến cảnh người thân cùng bà con vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chàng thanh niên ấp ủ ý định tạo ra chiếc máy thay thế sức lao động, tăng năng suất.

Với kiến thức, kinh nghiệm thực tế và lòng quyết tâm, anh Huy chế tạo thành công chiếc máy nông nghiệp có tới 15 chức năng, được nâng cấp theo từng năm, đến đầu 2016. Từ đó, mỗi năm xưởng của anh cung cấp hàng nghìn chiếc ra thị trường. 

“Dù chuyên sáng chế máy nông nghiệp, nhưng tôi vẫn luôn đau đáu với đam mê chế tạo ‘siêu xe’ độc nhất”, anh Huy kể.

Chiếc xe mui trần phiên bản “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam.

Người đàn ông từng nghĩ không bao giờ quay lại với đam mê này, cho đến tháng 4/2021, Hà Nội giãn cách xã hội do dịch C.o.v.id-19. Tận dụng thời gian rảnh rỗi khi xưởng buộc đóng cửa, anh nảy ý tưởng chế tạo ô tô từ những vật liệu vốn sẵn làm máy nông nghiệp.

Nghĩ là làm, hôm sau, người thợ cơ khí bắt tay nghiên cứu. Mọi thiết kế được anh “vẽ ra” trong đầu, thay vì phác thảo lên giấy. Đó là một chiếc xe mui trần cổ kiểu Pháp, dáng dài, với đường cong mềm mại bo tròn quanh thân.

Người thợ cơ khí bỏ ra 300 triệu đồng để hoàn thành “tác phẩm” để đời.

Theo nhà sáng chế, công đoạn khó nhất là tạo khung, sườn được làm hoàn toàn bằng sắt, thép, độ dày như “xe bọc thép”. Từng miếng kim loại được anh uốn cong, khoét và định hình vị trí hộc đèn, nắp capo, sau tạo thành đường gân thuôn dài xuống đuôi xe. 

“Liên tục gò, hàn xì trong nhiều tháng khiến bàn tay tôi phồng rộp, đau nhức”, anh nhớ lại.

ảnh: Phụ nữ Việt Nam

Sau khi hoàn thành bước khó nhất, mọi công đoạn về sau đều trở nên dễ dàng, như lắp đặt hệ thống lái, động cơ 1.6, phanh thủy lực, đèn led,… Người thợ cố gắng cân chỉnh bộ phận lái và đầu xe ăn khớp với nhau, đảm bảo phương tiện dễ điều khiển và an toàn nhất.

Sau gần 6 tháng, chiếc xe thành hình, với chiều dài 5,1m; trọng lượng gần 2 tấn, tổng chi phí khoảng 300 triệu đồng.

Anh Huy đánh giá chiếc ô tô tự chế của mình có chất lượng tương đương những dòng xe thông thường. Tuy nhiên, do phương tiện chưa được đăng kiểm, anh chỉ mang ra chạy quanh làng, nơi vắng người.

“Tôi không cho ai mượn chiếc xe này, kể cả người thân“, anh Huy khẳng định chỉ người sáng chế mới hiểu rõ sản phẩm của mình ra sao, vận hành thế nào, tránh rủi ro và nguy hiểm đối với những người xung quanh.

ảnh: Phụ nữ Việt Nam

Từ ngày chiếc xe mui trần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, một số người ngỏ ý mua về trưng bày với giá 450 – 650 triệu đồng, nhưng anh Huy không bán. Anh nói chiếc xe vừa là đam mê, vừa là kỷ niệm của cuộc đời sáng chế, nên sau này sẽ dành trưng bày trong nhà.

Tròn hai năm chế tạo, anh Huy bày tỏ mong muốn lớn nhất là Nhà nước có chính sách mở, tạo điều kiện cho những nhà sáng chế đăng kiểm, đưa chiếc xe vào lưu hành. Biết điều này khó thực hiện, song anh vẫn luôn tự hào và hãnh diện khi tự tạo ra chiếc xe thỏa mãn đam mê.

Người đàn ông cho biết trong tương lai sẽ không sáng chế ô tô nữa, bởi không mang tính chất kinh doanh và cũng để chiếc xe trở thành sản phẩm “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam, đánh dấu giai đoạn Covid-19 khó khăn.

“Tôi sẽ quay lại chế tạo các loại máy nông nghiệp, phục vụ đời sống và công việc của bà con nông dân”, anh Huy nói.

Năm 2016, anh Tạ Đình Huy là một trong những nông dân tiêu biểu được Bộ Nông nghiệp tôn vinh nhờ có sáng kiến cải tiến công nghệ, kỹ thuật, máy móc ứng dụng rộng rãi vào sản xuất, thay thế sức lao động. 

Năm 2017, anh nhận bằng khen và tuyên dương của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ.

Soi BMW M5 CS 2022 – xe thương mại nhanh, mạnh nhất lịch sử BMW | Tạp Chí Siêu Xe

Theo: Danviet / ảnh: Phụ nữ Việt Nam

Thanh Hóa: “Kỹ sư chân đất” lấy cả tiền sinh hoạt của vợ để mua sắt vụn tự chế “siêu xe” Lamborghini Aventador giống y hàng thật

Một anh chồng ở Thọ Xuân, Thanh Hóa đã thu hút sự chú ý từ CĐM khi tự chế siêu xe Lamborghini Aventador giống y như thật.

Siêu xe tự chế của dân chơi “Hoa Thanh Quế”

“Biển thủ” tiền của vợ để đầu tư làm “siêu xe”

Về thôn Cốc Thôn, xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa hỏi nhà anh Ngô Đình Hải (43 tuổi), hầu như ai cũng biết. Nhiều người trong vùng gọi anh là chàng “kỹ sư chân đất”. Lại có người cho anh là gã “khùng” với sở thích kỳ lạ: chuyên mua sắt vụn về chế tạo ô tô.

Thanh Hóa: Chồng lấy cả tiền sinh hoạt của vợ để mua sắt vụn chế siêu xe - 1
Anh Ngô Đình Hải bên chiếc “siêu xe Lamborghini Aventador” do mình chế tạo (Ảnh: Hạnh Linh).

Dừng tay sau khi đánh bóng xong cho chiếc “siêu xe Lamborghini Aventador” mới chế tạo, anh Hải cho biết, con đường đến với đam mê chế tạo xe ô tô của mình không đơn giản.

Tốt nghiệp THPT, anh Hải không lựa chọn con đường vào đại học mà đi nghĩa vụ quân sự. Năm 2003, sau khi rời quân ngũ, anh đi xuất khẩu lao động ở Malaysia.

3 năm sau, chàng trai trẻ về nước, anh học nghề trang trí sân khấu, chụp ảnh, mở cửa hàng chụp ảnh cưới, rồi lập gia đình.

Thanh Hóa: Chồng lấy cả tiền sinh hoạt của vợ để mua sắt vụn chế siêu xe - 2
Chiếc “siêu xe” do anh Hải chế tạo gây sự chú ý, tò mò với mọi người, nhiều người đã đến tận nhà chụp ảnh (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo anh Hải, dù làm nghề gì, đi đâu anh cũng luôn mày mò tìm hiểu về ô tô. Đây là niềm đam mê và là mạch nguồn sống hàng ngày. Anh cho biết, niềm đam mê này bắt đầu từ khi anh chế tạo chiếc ô tô đầu tay vào năm 2019.

Sản phẩm đầu tiên được anh chế tạo trong nửa năm, có động cơ điện, 4 bánh, 2 ghế và một thùng phía sau. Xe cao 1,2m, dài 2,5m, chạy được khoảng 40km sau mỗi lần sạc đầy.

Theo anh Hải, do không được đào tạo bài bản nên để ra đời chiếc xe đầu tiên, anh phải đóng “học phí” vài chục triệu đồng. Nhiều lúc không có tiền, anh đánh liều lấy cả tiền sinh hoạt của vợ để phục vụ cho đam mê của mình.

“Nhiều lần đi làm về, tôi giấu vợ tiền lương. Để có thể thỏa đam mê, tôi đưa ra các lý do như lấy tiền sửa máy móc, thiết bị âm thanh nhưng thực ra chúng không hư hỏng gì. Thậm chí, tôi từng “trộm” cả tiền sinh hoạt của vợ để mua linh kiện”, anh Hải vui vẻ nói.

Sau khi chế tạo thành công chiếc xe, vợ chồng anh Hải sử dụng để chở đồ đi làm đám cưới quanh xã. Ban đầu, khi thấy chồng suốt ngày mày mò, lấm lem dầu mỡ với những cỗ máy sắt vụn, vợ anh Hải thấy khó chịu và không ủng hộ niềm đam mê của chồng.

Thanh Hóa: Chồng lấy cả tiền sinh hoạt của vợ để mua sắt vụn chế siêu xe - 3
Nhiều người thích thú khi ngồi lên “siêu xe” lái thử (Ảnh: Hạnh Linh).

Nhưng sau nhiều lần được anh Hải chở đi đám cưới trên con “siêu xe” độc lạ, thấy có nhiều khách đến đám cưới chụp ảnh, vợ anh cũng xuôi lòng ủng hộ.

Giật mình giá bán “siêu xe”

Anh Hải cho biết bản thân chưa từng nghĩ đến việc sẽ kinh doanh các mẫu xe do mình chế tạo. Cho đến khi một vị khách ở huyện Yên Định (Thanh Hóa) có chung niềm đam mê hỏi mua lại chiếc xe của anh về trưng bày, với giá 12 triệu đồng.

Thanh Hóa: Chồng lấy cả tiền sinh hoạt của vợ để mua sắt vụn chế siêu xe - 4
“Siêu xe Lamborghini Aventador” do anh Hải sáng chế có sự cải tiến về khoang nội thất, ghế và kích thước của xe (Ảnh: Hạnh Linh).

“Lúc đó tôi nảy sinh ý tưởng sẽ sản xuất nhiều hơn để bán cho những người yêu thích. Vì vậy, khi bán được chiếc xe đầu tiên, tôi đã quyết định không đưa cho vợ mà dùng toàn bộ số tiền này để mua xe cũ bỏ đi, rồi chế tạo thành những chiếc khác”, anh Hải chia sẻ.  

Về sau, mỗi chiếc xe làm xong, anh Hải nhờ người cháu chụp hình rồi đưa lên các nền tảng mạng xã hội để mọi người cùng xem, đánh giá. Nhờ đó, nhiều người yêu thích và liên tục đặt hàng. Năm 2021, anh chuyển nhượng thành công 30 chiếc xe.

Thanh Hóa: Chồng lấy cả tiền sinh hoạt của vợ để mua sắt vụn chế siêu xe - 5
Một chiếc xe điện có khoang rộng do anh Hải chế tạo (Ảnh: Phạm Văn Thế).

“Nhờ mạng xã hội mà các sản phẩm làm ra được nhiều người yêu thích và đặt hàng. Tôi bán đủ các loại, xe rẻ nhất là 25 triệu đồng. Cũng có những sản phẩm đắt nhất là 50 triệu đồng. Thậm chí có người đặt hàng xe khách chạy bằng điện với giá 120 triệu đồng”, anh Hải chia sẻ.

Khi biết tin anh Hải bán được 30 chiếc xe, bạn bè và hàng xóm ai cũng “choáng”. Đặc biệt, sau 3 năm chế tạo xe, anh Hải cũng đã có thu nhập, mang tiền về cho vợ.

Theo anh Hải, những chiếc xe anh chế tạo ra thường được người chơi dùng để trưng bày ở quán cà phê, studio chụp ảnh.

Thanh Hóa: Chồng lấy cả tiền sinh hoạt của vợ để mua sắt vụn chế siêu xe - 6
Một chiếc “xe Jeep” do anh Hải chế tạo thành công, được bạn bè, giới chơi xe kiểu này ưa chuộng (Ảnh: Phạm Văn Thế).

“Đầu năm 2023, tôi nhận được 3 đơn hàng, đặt chế tạo xe theo yêu cầu. Trong đó có một đơn hàng chế tạo “siêu xe Lamborghini Aventador”. Lần đầu nhận được yêu cầu có độ thử thách lớn, tôi đã thức cả đêm lên kế hoạch chi tiết, vào mạng tìm tòi để sản xuất chiếc siêu xe”, anh Hải chia sẻ.

Để có thể chế tạo ra chiếc “siêu xe”, anh nói rằng mình đã tự đi mua sắt, hàn khung, gầm, tạo bóng đèn, đánh sơn, tìm hiểu động cơ sao cho phù hợp với yêu cầu của khách hàng.

Thanh Hóa: Chồng lấy cả tiền sinh hoạt của vợ để mua sắt vụn chế siêu xe - 7
Anh Hải đang ấp ủ chế tạo “siêu xe Bugatti” (Ảnh: Hạnh Linh).

Sau 5 tháng mày mò nghiên cứu, anh đã hoàn thành chiếc “siêu xe” đầu tiên của đời mình. Để có sự khác biệt so với Lamborghini Aventador chính hãng, anh Hải thay đổi về kích thước, mẫu mã, logo, khoang nội thất.

Đặc biệt, anh Hải không dùng động cơ của ô tô mà sử dụng động cơ của xe ba gác.

Sau thành công chiếc “siêu xe Lamborghini”, anh Hải đang có dự định sáng chế ra một “siêu xe” khác dựa trên dòng Bugatti.

Theo Dân Trí

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Scroll to Top