Bộ Công an: “Hạn chế quyền người trúng đấu giá biển số để ngăn đầu cơ”

Bộ Công an chưa đề xuất phương án người trúng đấu giá có đủ 3 quyền, gồm quyền sử dụng, quyền chiếm hữu, quyền định đoạt. Theo lý giải, việc hạn chế để tránh tình trạng đầu cơ.

Quyền của người trúng đấu giá biển số ôtô là một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận trên hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá, sáng 7/11.

Theo dự thảo nghị quyết, người trúng đấu giá không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá (trừ trường hợp chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe).

Không khuyến khích được người dân đấu giá

“Sau 3 năm thí điểm, xe gắn biển trúng đấu giá hết khấu hao, không được lưu hành nhưng biển lại không được dùng đăng ký cho xe khác hay tiếp tục cho chuyển nhượng, thừa kế. Vậy biển số xe trúng đấu giá dùng vào việc gì, quản lý thế nào”, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đặt vấn đề.

Cho rằng quy định như vậy chưa phù hợp, ông Mạnh đề nghị cho phép người nhận chuyển nhượng, tặng, thừa kế được phép giữ lại biển để đăng ký cho xe khác của mình.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc). Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc). Ảnh: Quốc hội.

Chung quan điểm, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cũng băn khoăn khi dự thảo nghị quyết vừa coi biển số xe là tài sản nhưng lại coi đây là “tài sản đặc thù” nên hạn chế quyền của người trúng đấu giá.

Luật sư Thịnh cho rằng quy định như vậy là mâu thuẫn, vì khi là tài sản phải tuân theo Bộ luật dân sự về tài sản để thống nhất.

Vị đại biểu cũng nêu quan điểm nếu hạn chế quyền như dự thảo sẽ không khuyến khích được người dân tham gia đấu giá. Vì vậy, đề nghị mở rộng quyền của người trúng đấu giá.

Ông cũng đề nghị Quốc hội chỉ ban hành nghị quyết cho phép thực hiện đấu giá biển số ôtô mà không nên quy định quá cụ thể, rồi giao Chính phủ điều hành nhằm đảm bảo linh hoạt.

Trong báo cáo giải trình làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội sau phiên họp tổ về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long giải thích vì đây là nghị quyết thí điểm nên Bộ Công an đề xuất phương án người trúng đấu giá được sử dụng và khi bán xe được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá đăng ký cho xe khác.

Bộ Công an chưa đề xuất phương án người trúng đấu giá có đủ 3 quyền, gồm quyền sử dụng, quyền chiếm hữu, quyền định đoạt.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, khi hết thời gian thí điểm, nếu không thực hiện tiếp sẽ không tác động, ảnh hưởng nhiều đến các quyền của người trúng đấu giá. Trường hợp thực hiện tiếp, căn cứ tình hình thực tế, Bộ Công an sẽ nghiên cứu, đề xuất mở rộng quyền của người trúng đấu giá.

Việc hạn chế quyền như trên, theo ông Long, còn để tránh tình trạng đầu cơ biển số ôtô.

Lý do không quy định “biển đẹp”, “biển độc lạ”

Là người từng theo đuổi nội dung này qua rất nhiều kỳ họp Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm việc phân chia biển số “rất đẹp”, nhằm tăng tính khả thi, tăng thu ngân sách thông qua việc đấu giá biển số.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định). Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định). Ảnh: Quốc hội.

Theo ông, hiện nay người dân chia biển số đẹp thành 2 nhóm. Nhóm theo quan niệm dân gian có các số 29, 79, 68 và nhóm các số sắp xếp theo nguyên tắc khoa học như 12121; 88899… Trước đó, Bộ Công an đã cho đánh giá các biển số gồm 5 chữ số giống nhau, 4 chữ số giống nhau, 3 chữ số giống nhau và dãy số tăng dần, đây là nhóm biển số đẹp theo quy tắc khoa học.

Theo ông Cảnh, thực tế, nhóm số người dân yêu thích khi gắn vào ôtô sẽ giúp giá trị của xe tăng lên rất nhiều, có xe 800 triệu nhưng bấm được biển 99999 đã bán 1,7 tỷ đồng. Với quy định người trúng đấu giá được giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác cùng sở hữu thì người dân sẽ đấu giá cao hơn giá trị gia tăng trước đây.

Vì vậy, ông đề nghị bổ sung vào nghị quyết nhóm biển đẹp có số được bố trí theo nguyên tắc khoa học, có số hạn chế trong tổng kho số làm biển số được đấu giá. Và nhóm số này cũng có giá khởi điểm cao hơn.

Dẫn bài học từ một số quốc gia, ông Cảnh cho biết có những biển số được đấu giá với giá hàng triệu USD, số tiền được chi cho từ thiện hoặc tái đầu tư vào giao thông. Một số tỉnh có đầu số, khi kết hợp số trên biển tạo dãy số rất đặc biệt như Bắc Ninh có 7 số 9; Hải Dương có 34-56789, Kiên Giang có 68-68688…

“Nếu đấu giá vào những sự kiện đặc biệt, các biển số có thể đấu giá lên đến vài tỷ đồng. Đề nghị giao Bộ Công an quyền chọn biển số từ kho để đấu giá trực tiếp tại các sự kiện đặc biệt về an toàn giao thông, lấy tiền đầu tư cho các dự án giao thông”, vị đại biểu tỉnh Bình Định nêu quan điểm.

Giải trình về nội dung này trước đó, Bộ Công an cho biết cơ quan này không đưa ra khái niệm “biển số đẹp”, danh mục biển số độc lạ vì quan niệm, sở thích của mỗi người về “biển số đẹp” là khác nhau. Bộ Công an sẽ thông báo công khai tất cả biển số dự kiến cấp trong tháng (hoặc quý) để người dân lựa chọn theo nhu cầu, sở thích và đăng ký tham gia đấu giá.

Về giá khởi điểm, Bộ Công an cho rằng đó chỉ là mức giá ban đầu, trong quá trình đấu giá, tính cạnh tranh giữa những người tham gia đấu giá sẽ quyết định giá trúng đấu giá của biển số.

Bộ Công an dự kiến đề xuất một mức giá khởi điểm thống nhất trong phạm vi toàn quốc là 40 triệu đồng. Mức giá khởi điểm này tương đương 5% giá trị một chiếc ôtô phổ biến ở Việt Nam.

https://www.youtube.com/watch?v=n5yACL_FzIs
Tổng hợp các mẫu xe Ferrari đang có trên thị trường – Từ thấp đến cao ngất ngưởng | Tạp Chí Siêu Xe

Nguồn Zing: https://zingnews.vn/bo-cong-an-han-che-quyen-nguoi-trung-dau-gia-bien-so-de-ngan-dau-co-post1372738.html

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Scroll to Top