“Ông lớn” thế giới – Trung Quốc đánh dấu bước đột phá được chờ đợi từ lâu trong lĩnh vực vận tải bay bằng từ trường với tốc độ kỷ lục lên tới 1.000 km/h.
Tàu hyperloop-maglev (tàu điện từ) của Trung Quốc có tên là T-Flight, đã vượt quá tốc độ 1.000 km/h (623 mph) trong đường hầm thử nghiệm dài 2km ở Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây.
Đây được coi còn hơn cả một thành tựu kỹ thuật, cho thấy tiềm năng chuyển đổi vận tải đường bộ bằng một giải pháp thay thế nhanh và mang ý nghĩa sinh thái hơn. Nếu dự án này thành công, T-Flight sẽ trở thành phương tiện vận tải đường bộ nhanh nhất thế giới.
Phương tiện lập kỷ lục tốc độ này lấy cảm hứng từ Hyperloop nổi tiếng (do ông chủ SpaceX, Elon Musk đề xuất vào năm 2013), hứa hẹn sẽ thúc đẩy ngành vận tải lên những chân trời mới.
T-Flight do Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) thực hiện, nó nêu bật những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực hệ thống bay từ trường và vận chuyển bằng chân không.
Con tàu đã đạt tốc độ chưa từng có trong quá trình thử nghiệm trong đường hầm dài 2km ở Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, vượt qua các ranh giới kỹ thuật vận tải.
Đây là thành quả dựa trên nhiều năm nghiên cứu và đổi mới, sáng kiến này thể hiện tham vọng của Trung Quốc trong việc khẳng định vị trí dẫn đầu về công nghệ vận tải trong tương lai từ quốc gia tỷ dân.
Phát triển phương tiện nhanh nhất thế giới
T-Flight sử dụng lực nâng từ tính (hoặc lực bay lên) để đẩy phương tiện đi qua đường ray ở trạng thái gần như chân không (áp suất chân không thấp).
Kỹ thuật này gần như loại bỏ hoàn toàn lực ma sát và lực cản không khí, cho phép phương tiện di chuyển ở tốc độ rất cao. Không giống như máy bay và tàu hỏa hiện tại, T-Flight hứa hẹn tiết kiệm nhiên liệu và có tốc độ chưa từng có, mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực du lịch trên bộ.
Theo tờ South China Morning Post, cuộc thử nghiệm gần đây do CASIC thực hiện trong đường hầm Đại Đồng đã đánh dấu một bước ngoặt cho công nghệ này. Con tàu đã đạt tốc độ 1.000 km/h, nó không chỉ chứng tỏ tính khả thi về mặt kỹ thuật mà còn cả tiềm năng thương mại.
CASIC hiện xem xét áp dụng công nghệ này để thiết lập kết nối giữa các thành phố lớn của Trung Quốc, điều này có thể cắt giảm thời gian di chuyển từ vài giờ xuống chỉ còn vài phút.
Những thách thức và quan điểm
Dự án T-Flight vượt ra ngoài biên giới quốc gia, là một phần trong cách tiếp cận đổi mới và dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực vận tải.
Trung Quốc vốn sở hữu mạng lưới tàu cao tốc tiên tiến, quốc gia đang thể hiện tham vọng dẫn đầu cuộc đua hướng tới tương lai bằng du lịch đường bộ.
Sáng kiến T-Flight không chỉ là bằng chứng thể hiện năng lực đổi mới của đất nước mà còn là tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của nước này trong việc vượt qua các ranh giới công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển nhanh chóng và hiệu quả trên quy mô toàn cầu.
Hệ thống này như một phần quan trọng trong hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, quốc gia tỷ dân đang định vị mình để gây ảnh hưởng lớn đến xu hướng giao thông tổng thể toàn cầu.
Tuy nhiên, con đường hiện thực hóa và áp dụng rộng rãi loại tàu này vẫn còn nhiều thách thức về mặt kỹ thuật, kinh tế và quy định.
Đầu tiên là chi phí xây dựng. Việc tạo ra một mạng lưới đường ray gần như chân không trên khoảng cách xa đòi hỏi sự đầu tư khổng lồ về vật liệu, công nghệ và lao động chuyên môn.
Cơ sở hạ tầng này không chỉ có thể hỗ trợ phương tiện di chuyển ở tốc độ cực cao, nó còn phải đảm bảo an ninh và tính bền vững trong thời gian dài. Điều này càng làm tăng chi phí sản xuất và lắp đặt.
An toàn của hành khách là một thách thức quan trọng khác. Ở tốc độ đạt tới hoặc vượt quá 1.000 km/h, một sai sót hoặc sự cố kỹ thuật nhỏ nhất cũng có thể gây ra hậu quả thảm khốc.
Mối lo ngại khác liên quan đến môi trường mà hành khách sẽ tiếp xúc trực tiếp trong trường hợp phương tiện bị hỏng đột ngột, họ sẽ trực tiếp phải đối mặt với áp lực khủng khiếp đến từ sự thay đổi áp suất đột ngột và có khả năng bị thiếu oxy gây tử vong.
Điều này đặt ra các tiêu chuẩn an toàn cực kỳ cao, từ thiết kế toa hành khách và đường ray đến hệ thống điều khiển và cách xử lý trong trường hợp xảy ra khẩn cấp. Để kiểm soát được điều này đòi hỏi những đổi mới về công nghệ chưa từng có và quy định nghiêm ngặt.
Bất chấp những thách thức này, Trung Quốc thể hiện mong muốn mạnh mẽ vượt qua, với mục tiêu đầy tham vọng là đưa T-Flight hoạt động vào năm 2035.
Đặc biệt vì CASIC là nhà sản xuất tên lửa lớn nhất Trung Quốc đồng thời là cơ quan đóng góp chính cho các chương trình không gian quốc gia. Chính vì thế, đây là điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án đầy hứa hẹn này.
Theo: Dantri
VinFast chuẩn bị động thổ dự án nhà máy sản xuất xe điện tại Ấn Độ: Bước tiến mạnh mẽ của hãng xe Việt Nam
VinFast Auto công bố tổ chức Lễ Động thổ Dự án Cơ sở Sản xuất Xe điện Tích hợp tại Thành phố Thoothukudi, bang Tamil Nadu (Ấn Độ) vào ngày 25/02/2024. Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác chiến lược giữa VinFast và Chính quyền bang Tamil Nadu, hướng đến mục tiêu chung thúc đẩy phát triển giao thông xanh tại Ấn Độ và khu vực.
Hợp tác chiến lược giữa VinFast và Chính quyền bang Tamil Nadu đã được thiết lập từ Công bố ký kết Biên bản Ghi nhớ Hợp tác (MoU) vào ngày 06/01/2024. Theo đó, VinFast cam kết đầu tư 500 triệu USD cho giai đoạn 1 của dự án nhà máy sản xuất xe điện, triển khai trong 5 năm.
Đây là cột mốc quan trọng trong hành trình mở rộng toàn cầu của VinFast, đánh dấu bước tiến mạnh mẽ của công ty vào một trong những thị trường xe điện tiềm năng hàng đầu thế giới.
Việc chính thức động thổ cơ sở sản xuất xe điện chỉ sau hơn một tháng kể từ ngày công bố ký kết MoU với Chính quyền bang khẳng định quyết tâm mạnh mẽ và tốc độ triển khai của VinFast trong kế hoạch mở rộng toàn cầu.
Dự án Cơ sở Sản xuất Xe điện Tích hợp của VinFast tại Tamil Nadu dự kiến tạo ra khoảng 3.000 đến 3.500 việc làm cho thị trường lao động địa phương, thể hiện cam kết của VinFast trong việc đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Với tầm nhìn trở thành trung tâm sản xuất xe điện hàng đầu khu vực, dự án nhà máy có công suất lên đến 150.000 xe điện mỗi năm khi đi vào vận hành chính thức. Cơ sở sản xuất này không chỉ đáp ứng cho các mục tiêu phát triển tại thị trường Ấn Độ, mà còn phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu sang các nước Nam Á, Trung Đông và châu Phi.
Ngoài ra, dự án sẽ đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển giao thông xanh tại Ấn Độ, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 30% ô tô cá nhân đăng ký mới là xe điện của Chính phủ Ấn Độ. Đây là một kế hoạch mang tính chiến lược, góp phần giảm thiểu khí thải carbon trong lĩnh vực giao thông và bảo vệ môi trường.
Là nhà sản xuất xe điện tiên phong của Việt Nam với tầm nhìn toàn cầu, VinFast luôn nỗ lực không ngừng trong đổi mới và nghiên cứu, hướng đến mục tiêu trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu ngành công nghiệp xe điện và kiến tạo một tương lai xanh cho tất cả mọi người.
Theo: VinFast / An ninh Tiền tệ
Reviewer người Mỹ đánh giá công tâm VinFast VF8: Bộ pin CATL “chất lượng” hẳn, mạnh mẽ hơn Model Y, Ioniq 5, bZ4X, đáng mua trong tầm giá
Reviewer Sofyan Bey cho biết VinFast VF8 là chiếc xe điện đáng xem xét cho những người đang tìm kiếm một chiếc SUV điện cỡ trung, giá dưới 50.000 USD trong khi mang lại tầm hoạt động khoảng 400km
Sau quá trình thử nghiệm, reviewer Sofyan Bey cho biết VinFast VF8 là chiếc xe điện đáng xem xét cho những người đang tìm kiếm một chiếc SUV điện cỡ trung, giá dưới 50.000 USD trong khi mang lại tầm hoạt động khoảng 400km. Sofyan Bey là người sáng lập Redline Reviews, kênh YouTube chuyên về đánh giá ô tô có gần 1 triệu người theo dõi.
Chiếc xe Bey sử dụng để đánh giá là VinFast VF8 2024 phiên bản Plus. Với bản 2024, VinFast VF8 đã cải thiện rất nhiều so với lần đầu đến nước Mỹ. Bộ pin CATL mới với phạm vi hoạt động rộng hơn, hệ thống treo được cải tiến, và công nghệ màn hình được cải thiện.
VinFast VF8 Plus 2024 sử dụng bộ pin 87kWh của CATL (nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới), thay vì pin 82kWh của SDI như trước. Xe được trang bị hai động cơ điện, dẫn động bốn bánh cho công suất 402 mã lực và mô-men xoắn cực đại 620 Nm. Công suất này nhỉnh hơn một số ô tô điện khác có kích thước tương đương như Ford Mustang Mach-E, Hyundai Ioniq 5, Toyota bZ4X hay Tesla Model Y (bản dẫn động 4 bánh).
Nhờ bộ pin mới, phạm vi hoạt động của VinFast VF8 2024 đã được cải thiện, từ 307 km khi sạc đầy lên 391km. Thời gian sạc 10-70% mất 31 phút, tương đương mức trung bình của các đối thủ trong phân khúc.
Reviewer Mỹ cho biết VF8 có ngoại hình có cá tính riêng, không bị lẫn lộn với các sản phẩm khác của Pininfarina. Ảnh: Redline Reviews
Bey đánh giá thiết kế tổng thể của VinFast VF8 khá thu hút. Dải đèn LED ban ngày dạng chữ V đặc trưng. Đèn pha full LED tích hợp tự động điều chỉnh độ sáng. Thiết kế do Pininfarina chắp bút, nhưng VinFast VF 8 không bị lẫn sang nét của Ferrari mà công ty này từng thiết kế.
Nhìn từ bên hông, Bey cho biết có cảm giác hơi dốc về phía sau. Điều này có thể liên quan đến việc hệ thống treo được nâng cấp.
Đi vào bên trong, nội thất VinFast VF8 Plus gây ấn tượng với thiết kế tối giản nhưng hiện đại đi cùng chất liệu bọc da cao cấp. Một số chi tiết nút bấm, cần gạt trên xe gợi nhớ đến BMW. “Khi bước lên xe, vì VinFast là một công ty mới, tôi cho rằng sẽ có những chi tiết chưa được hoàn thiện tốt. Tuy nhiên, chiếc xe đã khiến tôi ngạc nhiên”, Bey nói trong video.
Chất lượng hoàn thiện nội thất được đánh giá cao. Ảnh: Redline Reviews
Một vài điểm khiến Bey ấn tượng như vô-lăng gật gù (telescoping steering wheel – cho phép tài xế di chuyển tay lái gần lại hoặc ra xa), hiển thị kính lái HUD, chất lượng hoàn thiện nâng lên đáng kể so với lần đầu chiếc xe xuất hiện ở Mỹ. “Có vẻ hãng đã lắng nghe người dùng, khi VinFast cải thiện đáng kể chất lượng xe”, reviewer nói.
Phần mềm được đánh giá khá mượt, trực quan và dễ sử dụng. Màn hình cảm ứng trung tâm kích thước 15,6inch có khả năng điều khiển hầu hết các hoạt động chính như đóng mở cửa sổ trời, điều chỉnh vô-lăng, gương chiếu hậu…
Khu vực ghế là nơi cần cải thiện thêm một chút. Hàng ghế trước được đánh giá hơi cứng một chút, nhưng không đến mức gây khó chịu. Không gian hàng ghế sau ổn, nhưng với người to con có thể vẫn cảm giác có chút chật.
Khả năng vận hành là điều khiến Bey ấn tượng. Chiếc VinFast VF8 Plus 2024 tăng tốc 0-100 km/h chỉ sau 4,68 giây, hơn Ford Mustang Mach-E và hơn cả thông số nhà sản xuất (dưới 5,5 giây).
Tuy nhiên, reviewer cho biết chân ga có độ trễ nhẹ. Anh cho rằng có thể do hãng muốn mang lại cảm giác lái tự nhiên hơn.
Mâm 20 inch đi cùng trọng lượng nặng (khó tránh với một chiếc xe điện), VinFast VF 8 vẫn chưa thực sự kiểm soát tốt độ xóc nảy so với đối thủ.
Dù vậy, nhìn tổng thể thì VinFast VF8 Plus 2024 vẫn đem lại cảm giác lái khá dễ chịu. Điểm trừ lớn nhất về mặt vận hành là vô-lăng. Bey cho rằng vô-lăng có phản hồi chưa thực sự tốt.
Tuy nhiên, đó là vấn đề với người đam mê tốc độ. Còn nếu chỉ mua xe sử dụng hàng ngày thì đây lại không phải vấn đề lớn. Nhờ các cải tiến phần mềm từ VinFast, các tính năng hỗ trợ lái hoạt động ổn định, tuy đôi lúc vẫn có một số điểm chưa hợp lý.
Về cơ bản, Sofyan Bey tỏ ra rất bất ngờ vì một hãng xe mới như VinFast có thể sản xuất được một mẫu ô tô điện tốt hơn tưởng tượng. Nhiều cư dân mạng để lại phản hồi bên dưới video của anh cũng đồng tình. Một người dùng viết khi lần đầu nhìn VinFast VF 8, anh không thể ngờ đó là sản phẩm mới của một công ty còn tương đối mới.
Còn Bey cho rằng không nên giữ định kiến với các thương hiệu mới. Trải nghiệm xe với tâm trí cởi mở, người dùng sẽ nhận thấy những điểm thú vị trên xe VinFast, Lucid hay Rivian.
“Tôi ấn tượng với những gì mà VF8 mang lại. Dù chưa hoàn hảo về nhiều mặt nhưng nếu xét về giá trị xe cung cấp so với khoảng giá, đây vẫn là phương tiện đáng để thử”, anh nói trong video.
“Với những thay đổi về phần cứng và phần mềm trong phiên bản mới, VinFast cho thấy họ đã lắng nghe người tiêu dùng khi cải thiện VF8 rõ rệt. Tôi cho rằng mẫu xe này có thể sẽ phổ biến hơn tại thị trường Mỹ”, Bey nói thêm.
Theo: Đời sống Pháp luật