Dù còn nhiều thách thức lớn ở phía trước nhưng với sự kiện xuất ngoại 999 chiếc xe điện VinFast đi Mỹ cho thấy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã “bắt nhịp” được với thế giới.
Ông Phạm Tuấn Anh, phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ, đồng thời khẳng định việc lần đầu tiên xe điện thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang khu vực Bắc Mỹ là sự kiện có ý nghĩa lớn.
* Ông đánh giá như thế nào về sự kiện thương hiệu ô tô VinFast, thương hiệu ô tô đầu tiên của Việt Nam, xuất khẩu xe điện sang Mỹ?
– Trong bối cảnh ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% đang ồ ạt về Việt Nam, gây áp lực nặng nề lên các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, việc VinFast xuất khẩu ô tô sang Mỹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo động lực cho ngành sản xuất ô tô nội địa, góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam…
Việc xe điện của VinFast chính thức xuất khẩu và phân phối tại thị trường Mỹ cũng khẳng định sản phẩm ô tô Việt Nam đạt chất lượng tương đương với các sản phẩm được sản xuất tại khu vực.
Điều này cũng giúp mở đường cho việc xuất khẩu ô tô có xuất xứ từ Việt Nam trong việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập.
* Nhưng cơ hội cho các sản phẩm ô tô Việt Nam vươn ra thị trường nước ngoài không nhiều?
– Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển khá nhanh trong vòng hai năm qua, với tốc độ tăng trưởng thị trường xe dưới 9 chỗ trung bình 20 – 30%/năm, nhưng các sản phẩm ô tô Việt Nam mới chỉ tập trung phục vụ thị trường trong nước.
Việc xuất khẩu ô tô sang các thị trường nước ngoài chưa đạt được kết quả đáng kể. Bởi sản phẩm của chúng ta chưa thực sự cạnh tranh được về giá vì sản lượng còn thấp, quy mô thị trường còn nhỏ, ngành công nghiệp ô tô trong nước chưa phát triển…
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn non trẻ, nên chưa thực sự tạo được niềm tin về chất lượng và dịch vụ đối với khách hàng tại các thị trường khu vực.
Một khó khăn nữa là việc thực hiện các thủ tục chứng từ pháp lý đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định chất lượng sản phẩm, các hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu, do sự bảo hộ của chính phủ các nước đối với ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước…
* Bộ Công Thương sẽ tham mưu cho Chính phủ để có những chính sách nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô, sản xuất ô tô điện?
– Đối với từng giai đoạn phát triển của ô tô điện hóa tại Việt Nam, Bộ Công Thương đề xuất hai nhóm giải pháp và cơ chế chính sách chủ yếu.
Bao gồm chính sách khuyến khích sử dụng ô tô điện hóa, thông qua các ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ, phí cấp biển số, phí sử dụng đường bộ, trợ cấp người mua xe…
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu để tham mưu xây dựng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển cơ sở hạ tầng trạm sạc điện/hydro (miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị để lắp đặt trạm sạc, miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trạm sạc, giảm giá điện bán cho trạm sạc…).
Dấu ấn quan trọng với ngành ô tô Việt Nam
Theo PGS.TS Lý Hùng Anh – Trường đại học Bách khoa TP.HCM, việc VinFast xuất khẩu xe điện sang Mỹ là sự kiện mang dấu ấn quan trọng đối với ngành ô tô Việt Nam bởi đây là thị trường nổi tiếng khắt khe với hàng loạt tiêu chuẩn.
Cũng theo ông Hùng Anh, việc VinFast đang “khai thông” con đường xuất khẩu ô tô thương hiệu Việt ra nước ngoài đã góp phần lan tỏa tinh thần doanh nghiệp chinh phục thị trường quốc tế.
“Việc VinFast chuyển sang sản xuất hoàn toàn xe điện là chiến lược khá nhạy bén. Khác với xe xăng, các hãng xe đang bước vào vạch xuất phát làm xe điện trong vài năm trở lại đây nên những nước đi sau như Việt Nam cũng sẽ có cơ hội”, ông Hùng Anh nhận định.
Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, phó chủ tịch Hội Ô tô – Máy động lực TP.HCM, cho rằng với nhu cầu xe ở Mỹ rất lớn, thương hiệu nào “chen chân” vào được thị trường này và bám trụ được lâu dài sẽ thu được lợi nhuận rất cao.
“Việc chọn vào một trong những thị trường ô tô lớn nhất thế giới như Mỹ là một chính sách đúng đắn của VinFast. Những hãng xe Nhật Bản và Hàn Quốc đã chinh phục thành công ở thị trường này và đang hưởng thành quả rất lớn”, ông Dũng nói.
Trước đó, vào sáng 25/11 vừa qua, hãng xe điện VinFast đã chính thức xuất Mỹ 999 chiếc xe ddienj VinFast VF8 và VinFast VF9. Đây là những chiếc xe đầu tiên của Việt Nam nói chung và VinFast nói riêng tiến ra biển lớn.
Theo Thủ tướng, tham gia vào thị trường ô tô từ con số 0 nhưng sau đó Tập đoàn Vingroup đã nhanh chóng chuyển đổi sang sản xuất xe điện. Không chỉ được người dùng trong nước đánh giá cao mà việc xuất khẩu lần này cũng khẳng định xe VinFast đủ tiêu chuẩn và đẳng cấp để thâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ hay châu Âu.
999 chiếc xe điện VinFast VF8 và VF9 sẽ có hành trình lênh đênh trên biển 20 ngày trước khi đặt trên lên đất Mỹ. Đây là một sự kiện trọng đại đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, dấu mốc vàng son với thương hiệu xe Việt.
Theo một số nguồn tin, VinFast đã nhận được khoảng 60.000 đơn hàng xe điện trên toàn thế giới. Đặc biệt có một công ty tới từ Mỹ đã nhận đặt hàng 2.500 chiếc xe điện VinFast. Đây như một lời khẳng định về chất lượng xe điện VinFast tại thị trường Mỹ.
Ngay sau thị trường Mỹ, VinFast sẽ xuất khẩu các lô xe VinFast VF8 tiếp theo tới thị trường Canada và châu Âu để kịp bàn giao cho khách hàng vào năm 2023.
Về mẫu SUV đầu bảng VinFast VF9, VinFast đã lên kế hoạch bàn giao cho thị trường Việt Nam và quốc tế trong quý I năm 2023.
“999 chiếc xe VinFast xuất cảng hôm nay là sự kiện trọng đại không chỉ với Công ty VinFast, Tập đoàn Vingroup mà còn là dấu mốc lịch sử của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, khẳng định Việt Nam đã làm chủ và sản xuất thành công những sản phẩm công nghệ cao, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết.
Tham khảo: Tuoitre / Tạp Chí Siêu Xe