Việc phá giá bất chấp hậu quả của các hãng xe điện Trung Quốc tại thị trường Thái Lan đang gây ra nhiều hậu quả tai hại cho chính quốc gia này và buộc Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan phải lên tiếng.
Cuộc chiến phá giá không thấy đáy giữa các hãng xe điện Trung Quốc tại thị trường Thái Lan đang gây ra những hậu quả ngoài sức tưởng tượng.
Theo một nguồn tin của trang tin “Prachachat Business”, tình hình căng thẳng đến mức các quan chức cấp cao trong Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan đã phải có một cuộc gặp với đại diện các hãng xe điện Trung Quốc để thảo luận về chiến lược hoạt động kinh doanh tại quốc gia này.
Các công ty ô tô tham gia cuộc thảo luận này với Đại sứ quán Trung Quốc bao gồm hãng MG, Great Wall Motor, Neta, BYD, Changan, AION, OMODA & JAECOO, và Zeekr.
” Chúng ta phải thừa nhận rằng thị trường ô tô, đặc biệt là phân khúc xe điện Trung Quốc, đã khá hỗn loạn. Các nhà điều hành đã cạnh tranh bằng cách phá giá mạnh, ảnh hưởng đáng kể đến hình ảnh tổng thể của ngành ,” nguồn tin cho biết.
Nguồn gốc của vấn đề này bắt nguồn từ các chính sách khuyến khích xe điện dẫn đến nhiều đối thủ tham gia thị trường. Một điều trùng hợp là tình hình thị trường xe điện hiện tại đang xấu đi nghiêm trọng do sức mua yếu và các chính sách cho vay chặt chẽ từ các tổ chức tài chính, khiến thị trường Trung Quốc co lại chưa từng có.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu phải đối mặt với các vấn đề địa chính trị. Dự kiến tình trạng chiến tranh giá có thể kéo dài đến cuối năm hoặc lâu hơn, đây là vấn đề cần giải quyết khẩn cấp. Các yếu tố trên gây ra tình trạng dư thừa quá mức cho các công ty xe điện Trung Quốc và buộc họ phải tìm cách nhanh chóng đẩy hàng tồn kho ra mọi thị trường có thể – điển hình như Thái Lan.
Điều này buộc giám đốc điều hành của các hãng xe điện phải cạnh tranh quyết liệt, và nếu họ muốn giải phóng hàng tồn kho nhanh chóng, giải pháp dễ dàng nhất là giảm giá bán thật sâu. Tuy nhiên điều này lại đang gây nên các hậu quả ngoài dự tính cho chính các hãng xe điện Trung Quốc đang hoạt động tại thị trường này.
Một trong ví dụ điển hình là hãng BYD. Cho dù đã lên kế hoạch xây dựng một nhà máy lắp ráp xe điện khổng lồ tại Thái Lan, nhưng việc giảm giá quá nhanh – lên đến 30% chỉ sau một năm cho một vài mẫu xe – đã khiến người dùng nổi giận.
Việc cắt giảm giá quá nhanh đã khiến người dùng phản ứng bằng cách dừng mua xe mới để chờ hạ giá. Tồi tệ hơn, chính sách chiết khấu và phá giá quá sâu đã khiến BYD bị Cơ quan Bảo vệ Người tiêu dùng Thái Lan vào cuộc và tiến hành điều tra hành vi này.
Bên cạnh đó, việc các hãng xe điện Trung Quốc đổ bộ ồ ạt và cạnh tranh bằng cách phá giá còn gây ra các hậu quả khác cho nền kinh tế Thái Lan.
Kể từ khi các nhãn hiệu xe điện Trung Quốc đổ bộ vào quốc gia này, doanh số các xe xăng truyền thống sụt giảm trầm trọng buộc các hãng Suzuki và Subaru thông báo đóng cửa nhà máy sản xuất ô tô tại Thái Lan. Điều này tác động dây chuyền đến cả chuỗi cung ứng tại nước này khi có đến hơn 2.000 nhà máy bị đóng cửa trong năm 2023.
Nếu nhìn ở một góc độ lớn hơn, cuộc chiến phá giá này không chỉ ảnh hưởng tới riêng Thái Lan mà còn có thể tác động đến toàn ngành xe điện. Khi chỉ cạnh tranh bằng giá, yếu tố chất lượng và độ an toàn có thể sẽ bị cắt giảm – đặc biệt đối với các hãng xe nhỏ.
Do vậy, nhiều khả năng chỉ cần một lượng nhỏ các xe điện chất lượng thấp tràn ra từ Trung Quốc cũng sẽ làm tổn hại đến toàn bộ ngành. Cũng tương tự như việc các sự cố của những nhà máy điện hạt nhân đã làm người dùng hiểu nhầm về mức độ an toàn của lĩnh vực này – các xe điện chất lượng thấp có thể làm người dùng quay lưng với những phương tiện thân thiện môi trường trong ngắn hạn.
” Vẫn còn nhiều vấn đề sẽ xảy ra, đặc biệt là khi các thương hiệu Trung Quốc mới sẽ gia nhập thị trường vào cuối năm nay. Trong khi đó, lợi nhuận của các đại lý từ việc bán xe đã giảm đáng kể do chiến tranh giá. Giờ đây, vấn đề là ai có đường băng tài chính dài hơn vì một doanh nghiệp mà mọi người đều thua lỗ sẽ không tồn tại lâu dài .”
Một nguồn tin khác tiết lộ rằng trong cuộc thảo luận này, các nhà điều hành ô tô Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc đã cùng nhau tranh luận về nhiều vấn đề, đặc biệt là chiến lược tiếp thị dài hạn tại Thái Lan, để đảm bảo cạnh tranh phù hợp nhất mà không cần đến chiến tranh giá, nhằm xây dựng niềm tin và sự bền vững trong tiếp thị.
Hầu hết các nhà điều hành đề xuất phản ánh lại với đại sứ quán và chính phủ Trung Quốc để thúc giục các công ty mẹ của từng thương hiệu về chính sách chiến tranh giá và việc đổ hàng tồn kho xe sản xuất vào Thái Lan.
Cuối cùng, tất cả các thương hiệu sẽ phải cạnh tranh bằng cách giảm giá, điều này không phải là cách tiếp cận kinh doanh bền vững. Các nhà điều hành không muốn lặp lại tình huống trên thị trường xe điện Trung Quốc, nơi giá bán sụp đổ, gây ra sự biến dạng thị trường do vấn đề cung vượt cầu.
Theo Thanh niên Việt
Lãnh đạo Porsche nói gì sau khi thấy xe điện Trung Quốc Xiaomi SU7 quá giống Taycan? Có khi nào là do “tâm ý tương thông”?
Lãnh đạo Porsche đã có bình luận được đánh giá cao khi vừa tránh “đụng chạm” đến mẫu xe điện Trung Quốc Xiaomi SU7, vừa tôn vinh sản phẩm của hãng xe đến từ Đức.
Cuộc phỏng vấn giữa Michael Kirsch, chủ tịch kiêm CEO của Porsche Trung Quốc, giữa tháng 4-2024 đánh dấu lần đầu tiên hãng xe Đức công khai thảo luận về vấn đề so sánh Xiaomi SU7 và Porsche.
“Thiết kế tốt dẫn mọi người gặp nhau tại một điểm”
Ông Michael Kirsch tin rằng điểm tương đồng giữa Xiaomi SU7 và xe Porsche là do “tâm ý tương thông”, ám chỉ về việc các bên có suy nghĩ giống nhau. Đó là bởi con người có xu hướng tìm đến những thiết kế tối ưu.
Từ đó, ông nhấn mạnh Porsche có tính thẩm mỹ thiết kế độc đáo cùng nguyên tắc “thiết kế đi cùng chức năng”. Triết lý này nhấn mạnh việc đưa chức năng vào trung tâm của các quyết định thiết kế.
Ông chỉ ra rằng nguyên tắc này đã định hình nên bản sắc thương hiệu của Porsche trong suốt 75 năm tồn tại. Ông cũng nhấn mạnh đóng góp của Porsche trong đổi mới sản phẩm và các tiêu chuẩn sản xuất.
Kirsch bày tỏ kỳ vọng về cạnh tranh công bằng và hợp pháp với các công ty duy trì các tiêu chuẩn tương tự hoặc thậm chí cao hơn.
Xiaomi SU7 bị nhầm thành Porsche
Phát biểu của ông liên quan đến thiết kế của Xiaomi SU7. Khi ra mắt cuối năm ngoái, Xiaomi SU7 đã nhanh chóng bị cư dân mạng đánh giá “cứ ngỡ mẫu nào đấy của Porsche”. Một số đặt biệt danh cho xe là “Mi Porsche”.
Không chỉ vậy, còn một câu chuyện thú vị khác liên quan đến sự giống nhau này.
XiaoAI là trợ lý ảo nổi tiếng của Xiaomi. Cư dân mạng đã sử dụng XiaoAI trên điện thoại của hãng để tìm kiếm thông tin về Xiaomi SU7.
Chẳng ngờ, XiaoAI lại vô cùng khẳng định đây chính là một chiếc… Porsche chạy điện. Bất chấp hình ảnh được sử dụng là đuôi xe có hẳn dòng chữ “Xiaomi”.
Vô cùng “tự tin”, XiaoAI nói đó là Porsche Taycan có giá 898.000 đến 1,838 triệu NDT ở Trung Quốc.
Cư dân mạng hài hước bình luận: “Bạn học Tiểu Ái (cách gọi XiaoAI ở Trung Quốc) gặp rắc rối rồi”.
Lãnh đạo Xiaomi nói gì?
Li Tianyuan, giám đốc thiết kế của Xiaomi, khẳng định thiết kế SU7 không chủ đích học theo Porsche. Nguyên tắc thiết kế của Xiaomi cũng là tuân theo chức năng.
CEO Lôi Quân đề cập đến chủ đề này tại cuộc họp báo SU7, nói rằng thiết kế có ít lực cản nhất sẽ trông giống nhau một cách tự nhiên.
Nhưng bên cạnh đó, CEO Lôi Quân cũng thừa nhận ông muốn tạo ra chiếc xe có thể cạnh tranh với Porsche và Tesla.
Bản thân ông cũng sở hữu xe Porsche và Tesla, và cho rằng nếu muốn tạo ra một chiếc ô tô tốt thì phải cạnh tranh với những nhà sản xuất ô tô tốt nhất trên thế giới.
Có thể nói, thiết kế của Xiaomi SU7 là một trong những yếu tố bán hàng quan trọng. Trang Pan Daily của Trung Quốc dẫn lại kết quả khảo sát từ công ty truyền thông về mảng năng lượng mới Garage No. 42, cho biết 81% khách đặt mua Xiaomi SU7 coi “thiết kế ngoại thất” là yếu tố hàng đầu khi mua xe.
Theo: Tuoitre