Trong khi “Thùng tôn di động” Tesla Cybertruck còn chưa bàn giao tới tay khách hàng, một chiếc Tesla Cybertruck đã lăn bánh tại Việt Nam nhưng được tạo nên từ gỗ.
ND – Woodworking Art là kênh Youtube có hơn 2,6 triệu lượt theo dõi, nổi tiếng với các tác phẩm siêu xe được chế tác bằng gỗ. Toàn bộ các tác phẩm được đăng tải đều đó anh Lê Quang Đạo, một nghệ nhân gỗ sinh sống tại Bắc Ninh thực hiện. Trong số đó, video “Quá trình 68 ngày chế tác Rolls-Royce Boat Tail” đã thu hút tới 225 triệu lượt xem.
Tác phẩm mới nhất được anh Đạo đăng tải là một chiếc Tesla Cybertruck làm từ gỗ đã thu hút sự chú ý của nhiều người mê xe trên khắp thế giới. Toàn bộ quá trình hoàn thiện chiếc Cybertruck được miêu tả kỹ lưỡng trong một đoạn video dài khoảng hơn 20 phút.
Bên dưới phần bình luận, hàng trăm người xem ở khắp nơi trên thế giới đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với sự tài hoa và kiên trì của người thợ mộc đến từ Bắc Ninh.
Chiếc Tesla Cybertruck làm từ gỗ này có kích thước khá lớn, với không gian cabin đủ chỗ cho bốn người ngồi. Từng chi tiết trên chiếc xe này đều được anh Đạo mô phỏng rất sát với bản gốc, bao gồm kiểu dáng vô lăng, la-zăng, màn hình giải trí và ghế ngồi.
Thậm chí, chiếc Cybertruck gỗ này còn có thể di chuyển được nhờ vào hệ thống truyền động điện đơn giản.
Trước đó, vào tháng 3 vừa qua, anh Trương Văn Đạo cũng đã cho ra mắt phiên bản bằng gỗ của mẫu siêu xe Audi Skyphere Concept tạo nên cơn sốt mạng xã hội thời điểm bấy giờ.
Audi sau đó đã liên hệ để bày tỏ sự ngưỡng mộ và mời người nghệ nhân này đến tham quan trụ sở chính của công ty tại Đức.
Theo: Tuoitrethudo
“Chỉ có kinh nghiệm làm dịch vụ, BĐS nhưng dám chuyển sang sản xuất ô tô” câu trả lời bất ngờ từ CEO VinFast
Nhiều người băn khoăn lẫn tò mò với hãng xe điện non trẻ VinFast tới từ đâu và tại sao công ty non trẻ này lại dám thách thức Tesla ở chính sân nhà của họ?
Được thành lập năm 2017, nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Việt Nam là VinFast đã dịch chuyển sang sản xuất hoàn toàn xe điện chỉ sau 5 năm ra mắt.
Trong năm 2022, họ bắt đầu xuất khẩu xe sang thị trường Mỹ, tuyên bố rằng sẽ thiết lập 1 nhà máy tại North Carolina và theo đuổi mục tiêu IPO.
Tham vọng này mang tới danh tiếng cho VinFast nhưng cũng gây ra những băn khoăn: VinFast tới từ đâu và tại sao công ty non trẻ này lại dám thách thức Tesla ở chính sân nhà của họ?
Trên thực tế, VinFast không chỉ có “chống lưng” từ tập đoàn mẹ quyền lực Vingroup mà họ cũng phù hợp với mô hình của tập đoàn luôn thử thách với những thứ mới, từ điện thoại thông minh tới thương mại điện tử. Tuy nhiên, xe điện lại là một thách thức ở quy mô khác.
Trong bài phỏng vấn độc quyền với Rest of Word CEO VinFast toàn cầu Lê Thị Thu Thuỷ đã giải thích lý do VinFast xuất khẩu xe điện sang Mỹ, những phản hồi từ khách hàng mà công ty nhận được cũng như “con đường vòng” của VinFast để bắt kịp đối thủ.
Dưới đây là bài phỏng vấn:
Vingroup không có nền tảng sản xuất, hầu hết chỉ có kinh nghiệm trong mảng dịch vụ và bất động sản. Vậy việc chuyển dịch sang sản xuất ô tô được thực hiện thế nào?
Trên thực tế, gốc rễ của Vingroup chính là sản xuất. Chúng tôi từng sản xuất đại trà mì ăn liền ở Ukraine. Dĩ nhiên, sản xuất có nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên, có những điểm chung về việc thành lập 1 nhà máy, dây chuyền sản xuất.
Dĩ nhiên sản xuất xe ô tô lại khác – phức tạp hơn nhiều. Ngay từ đầu, VinFast đã tuyển dụng những nhân tài top đầu với ít nhất 20 – 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ô tô – họ đều chứng kiến và góp phần tạo ra rất nhiều mẫu xe kể cả xe xăng và xe điện.
Hiện tại, lực lượng lao động của VinFast có 30 quốc tịch khác nhau và hàng trăm nhân viên người nước ngoài làm việc ở nhiều vị trí đặc biệt là sản xuất.
Tại sao VinFast lại quyết định ngừng sản xuất xe xăng và chuyển hoàn toàn sang xe điện?
Trên thực tế, đó là mục tiêu ngay từ đầu của chúng tôi: Làm xe điện và tiến ra toàn cầu. Tuy nhiên, để sản xuất xe điện, cách nhanh nhất là học hỏi là đi đường vòng bằng việc học hỏi từ những công ty hàng đầu trong ngành như BMW, GM.
Chúng tôi đã học được cách thiết lập mọi thứ và phát triển xe ô tô, cách xây dựng một nhà máy và những tiêu chuẩn chất lượng cần thiết.
Sau khi đã quản lý được việc sản xuất xe xăng và bắt đầu bán ở thị trường Việt Nam, chỉ trong vòng 2 năm, 3 mẫu xe của VinFast đã trở thành xe bán chạy nhất trong phân khúc đó.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn trung thành với mục tiêu ban đầu. Chúng tôi không thể nói “tôi làm xe điện nhưng vẫn bán xe chạy xăng”. Như vậy không khác nào nói “tôi vì môi trường nhưng vẫn quan tâm tới lợi nhuận nên tôi vẫn bán xe xăng”.
Tại sao VinFast lại nhắm tới Mỹ và thị trường châu Âu mặc dù mới chỉ là 1 startup?
Ngay từ đầu, VinFast đã quyết định trở thành 1 công ty toàn cầu. Thị trường Mỹ và châu Âu có đòi hỏi rất khắt khe – với những khách hàng khó tính.
Đây là nền tảng cơ bản để VinFast phát triển nên những sản phẩm thực sự tốt. Nếu có thể chinh phục khách hàng Mỹ và châu Âu, những thị trường khác sẽ không phải là vấn đề lớn.
VinFast nhắm tới chinh phục khách hàng Mỹ bằng cách nào?
VinFast chưa có sự hiện diện thương hiệu ở đây. Bởi vậy, chúng tôi nhắm mục tiêu khách hàng bằng việc tiếp cận trực tiếp tới họ.
Chúng tôi phải để khách hàng trải nghiệm xe và thuyết phục từng người một. Dần dần, chúng tôi sẽ thu thập ý kiến khách hàng để làm tốt sản phẩm hơn. Qua thời gian, danh tiếng và thương hiệu sẽ dần mở rộng.
Đây là con đường mà VinFast đã chọn. Có lẽ sẽ có nhiều khó khăn. Nhưng với con đường này, chúng tôi sẽ trực tiếp liên lạc với khách hàng vì vậy chúng tôi có thể nhận những phản hồi từ họ.
Chiếc VinFast VF8 City đã được xác định là mẫu xe dùng để tiếp thị. Phạm vi lái của chiếc xe này bị giới hạn hơn so với những chiếc xe phiên bản tiêu chuẩn mà sau này sẽ được giao cho khách hàng, vì pin của chúng khác nhau.
Nhưng VinFast vẫn muốn giao những chiếc xe này trực tiếp cho người tiêu dùng, để chúng tôi có thể nhận được phản hồi từ họ. Khách hàng có thể dùng thử và sau đó đổi lấy một chiếc xe khác.
VinFast là một startup trẻ tuổi nhưng đã đón nhận những thách thức lớn. Liệu có thể nói môi trường ở VinFast là liên tục thay đổi không?
Đây là văn hoá của Vingroup. Chúng tôi thay đổi bất kỳ thứ gì không phù hợp thay vì chỉ ngồi chờ chết. Khả năng thay đổi và thích nghi để có tốc độ tăng trưởng tốt hơn là rất quan trọng.
Có phải mục tiêu của VinFast là bán 750.000 xe điện mỗi năm vào năm 2026? Liệu có phải quá tham vọng không?
Tôi nghĩ chúng tôi cần cố gắng tốt nhất để vượt qua con số đó. Nhiều người đang chuyển từ xe xăng sang xe điện.
Thị trường rất lớn. Dĩ nhiên, mục tiêu này rất khó. Mọi người đều biết điều đó. Nhưng nếu đạt được sẽ rất đáng giá. Tôi hy vọng chúng tôi sẽ đạt được hơn cả con số đó.
Nguồn: Restofworld / Theo Nhịp sống thị trường