Người đứng đầu Chính phủ đã có mặt để chứng kiến lễ xuất khẩu lô ô tô điện thông minh đầu tiên của VinFast, gồm 999 chiếc VinFast VF8 và VinFast VF9 ra thị trường quốc tế.
Sự kiện được tổ chức hôm nay (25/11) tại cảng MPC Port, quận Hải An, Hải Phòng. Đến dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương và TP Hải Phòng.
Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng sự kiện là bước tiến về nhiều mặt, trên nhiều phương diện khi những chiếc ô tô điện đầu tiên của Việt Nam tham gia vào sân chơi quy mô toàn cầu.
“Chúng ta có thể tự hào khi những chiếc ô tô mang thương hiệu Việt vươn ra thị trường toàn cầu. Điều này khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập quốc tế, thể hiện sự quan tâm, ủng hộ khuyến khích các doanh nghiệp phát triển đúng pháp luật, góp phần xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, tham gia vào thị trường ô tô từ con số 0 nhưng sau đó Tập đoàn Vingroup đã nhanh chóng chuyển đổi sang sản xuất xe điện. Không chỉ được người dùng trong nước đánh giá cao mà việc xuất khẩu lần này cũng khẳng định xe VinFast đủ tiêu chuẩn và đẳng cấp để thâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ hay châu Âu.
Lô xe VinFast VF 8 đầu tiên xuất cảng có số lượng 999 chiếc dành cho thị trường Mỹ và được chuyên chở bằng tàu thuê riêng Silver Queen của Panama. Dự kiến, sau khoảng 20 ngày xuất phát từ cảng MPC Port, lô xe sẽ cập cảng California (Mỹ) và sẽ được bàn giao tới những khách hàng đầu tiên vào cuối tháng 12/2022.
Theo thông tin của trang Vesselfinder, tàu Silver Queen có chiều rộng 32 mét, dài 183 mét với tải trọng 11.373 tấn. Hiện nay tàu đã được sơn logo VinFast màu xanh ở bên thân, trên nền màu trắng. Tàu có khả năng chuyên chở tối đa khoảng 4.500 ô tô cỡ SUV.
Theo VinFast, 999 chiếc VF 8 của lô đầu tiên chỉ là phần nhỏ trong số 65.000 đơn đặt hàng xe điện VinFast VF8 và VinFast VF9 trên toàn cầu. Ngay sau thị trường Mỹ, VinFast sẽ xuất khẩu các lô xe VF 8 tiếp theo tới thị trường Canada và châu Âu để kịp bàn giao cho khách hàng vào năm 2023.
Về mẫu VF 9, VinFast đã lên kế hoạch bàn giao cho thị trường Việt Nam và quốc tế trong quý I năm 2023.
“999 chiếc xe VinFast xuất cảng hôm nay là sự kiện trọng đại không chỉ với Công ty VinFast, Tập đoàn Vingroup mà còn là dấu mốc lịch sử của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, khẳng định Việt Nam đã làm chủ và sản xuất thành công những sản phẩm công nghệ cao, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết.
Không chỉ vận chuyển xe bằng đường biển, Hãng hàng không Lufthansa Cargo đã chính thức mở đường bay vận chuyển hàng hóa tới Hà Nội bằng chuyên cơ B777F vào ngày 24/11.
Cùng với hai chuyến bay mỗi tuần đến TP.HCM đã có từ trước, Lufthansa Cargo đã tăng gấp đôi công suất vận tải đến Việt Nam. Đây cũng là hãng hàng không vận chuyển hàng hóa duy nhất trên thị trường có đường bay trực tiếp từ Hà Nội đến Frankfurt.
Tổng số bốn chuyến bay chở hàng hóa hàng tuần đến và đi từ Việt Nam của Lufthansa Cargo mang lại công suất vận chuyển hàng hóa thường xuyên đạt 250 tấn mỗi tuần.
Bà Đoàn Bích Thủy – Giám đốc Quốc gia của Lufthansa Cargo tại Việt Nam – cho biết hiện đồ điện tử, phụ tùng ôtô và quần áo là ba trong số những mặt hàng được vận chuyển từ Hà Nội thường xuyên nhất. Thậm chí, hãng hàng không này cũng đã vận chuyển ôtô của VinFast sang châu Âu.
Vị này chia sẻ thêm rằng hầu hết ôtô của VinFast được vận chuyển bằng đường biển bởi vận chuyển đường hàng không rất tốn kém. Tuy nhiên, doanh nghiệp này có thể cung cấp cho khách hàng một giải pháp phù hợp, về cả thời gian và dịch vụ. Do đó, đã có những chuyến bay Lufthansa Cargo chở khoảng 5-6 chiếc xe VinFast trên một chuyến bay sang châu Âu.
Ông Ashwin Bhat, Giám đốc Thương mại của Lufthansa Cargo chia sẻ: “Với việc mở trung tâm vận tải hàng hóa tại Hà Nội, nơi nằm trên con đường giao thương kinh tế huyết mạch với các nước trong khu vực Bắc và Đông Nam Á, chúng tôi tối ưu và hoàn thiện các dịch vụ vận tải hàng hóa cho khách hàng bằng việc mở thêm đường bay tới Frankfurt, từ đó kết nối với các mạng lưới của Lufthansa Cargo tại châu Âu và trên toàn thế giới”.
Vị này cũng cho biết thêm mạng lưới đường bay của hãng cũng đang ngày càng phát triển, với tần suất các chuyến bay và số lượng điểm đến tới các khu vực có nhu cầu vận chuyển hàng hóa cao như Hà Nội, Seoul và Hong Kong.
Tất cả dịch vụ vận chuyển hàng hóa đến Việt Nam của Lufthansa Cargo đều được AeroLogic (doanh nghiệp liên doanh giữa DHL Express và Lufthansa Cargo được thành lập từ năm 2007) vận hành bằng máy bay vận tải Boeing 777F.
Đội bay đường dài của Lufthansa Cargo bao gồm 16 máy bay Boeing 777F với 5 trong số những chiếc máy bay này được vận hành bởi AeroLogic. Tất cả đều hoạt động dưới số hiệu chuyến bay của Lufthansa. Mỗi máy bay có sức chứa hàng hóa lên tới 103 tấn, được phân bổ cho 27 vị trí container trên khoang chính và 10 pallet tiêu chuẩn ở khoang dưới, và có tầm bay 9.045 km.
Tham khảo: Dantri