Từ những cậu ấm cô chiêu ăn chơi thâu đêm suốt sáng đến những người nổi tiếng làm đủ trò hoạnh họe, những tài xế của giới thượng lưu đã chứng kiến tất cả.
Jayne Amelia Larson từng là tài xế cho một trong những người giàu nhất Los Angeles, Mỹ. Thường xuyên chở cậu con trai nhà đó đi khắp nơi, cô đã chứng kiến tất cả cuộc sống phóng túng của cậu ta: ra vào trại cai nghiện liên tục, quan hệ gái mại dâm chuyển giới, thác loạn phía sau xe…
Nhưng khi về đến nhà, cậu ta khóc lóc như một đứa trẻ. “Không ai yêu tôi. Làm ơn đừng đánh thức bố mẹ tôi. Họ ghét tôi”, Larson kể với The Guardian lời cậu ấm.
“Nhân chứng” cuộc sống của giới thượng lưu
Những trải nghiệm của Larson không phải chuyện xa lạ trong giới. Đằng sau cửa kính của những chiếc xe sang trọng, người tài xế chứng kiến một thế giới ít người thấy. Đó là không gian riêng tư của những người giàu có và nổi tiếng có thể chứa rất nhiều điều “đen tối”.
Nhiều tài xế khác cũng tiết lộ những câu chuyện tương tự. Một tài xế từng lái xe cho triệu phú Anh Christopher Moran nói với tờ Sunday Times rằng có “ít nhất một trăm cô gái làng chơi” ở trong khu chung cư mà ông chủ cũ của anh ta sở hữu. Tony Heaney, một tài xế khác cho Moran 25 năm, cũng tiết lộ điều tương tự.
Tài xế cũ của Harvey Weinstein, ông trùm quyền lực của Hollywood bị cáo buộc vô số tội quấy rối tình dục làm dấy lên phong trào #MeToo, cũng đã chứng kiến những màn “tình dục không hoàn toàn tự nguyện” của ông chủ cũ trong xe.
Lái xe cho nhà giàu – việc nặng lương cao
Lái xe cho những người giàu có và nổi tiếng chắc chắn là một công việc được trả lương hậu hĩnh. Theo Irving Scott, công ty chuyên về nhân sự cho gia đình, mức lương trung bình hằng năm cho vị trí lái xe riêng cho các giám đốc điều hành và những gia đình siêu giàu ở London vào khoảng 35.000 – 60.000 bảng (tương đương 957 triệu – 1,6 tỉ đồng), chưa tính tiền thưởng và các khoản phụ cấp khác.
Đổi lại, tài xế phải cam kết lòng trung thành, giữ bí mật những gì được chứng kiến, biết chăm sóc xe và có gia đình còn yêu cầu đóng vai trò như một vệ sĩ.
Nếu chỉ nhìn những yêu cầu cơ bản này, đây thực sự là một công việc như bao nghề khác. Nhưng thực tế không hẳn vậy.
Chẳng hạn, tài xế phải sẵn sàng bị gọi 24/7. Điều này được lộ ra sau khi xuất hiện cáo buộc Sir Martin Sorrell, cựu CEO của gã khổng lồ quảng cáo Anh WPP, đã bất ngờ sa thải tài xế cá nhân 15 năm của mình vào tháng 10-2017.
Người lái xe được yêu cầu đón quý bà Cristiana Sorrell từ nhà hàng vào lúc 2h sáng. Anh ta xin phép lùi lại giờ làm thường ngày (7h sáng) vì quá mệt mỏi, sợ rằng không đủ tỉnh táo lái xe an toàn nếu chỉ được ngủ 2-3 giờ. Vậy là, hôm sau anh ta bị sa thải.
Larson cũng tiết lộ khi vào nghề lái xe cho các ngôi sao, cô mới hay công việc thường xuyên kéo dài 17 tiếng một ngày. Vậy mà, chừng đó vẫn có thể xem là “nhàn”. Có vài tháng cô lái xe cho hoàng gia Saudi Arabia, làm việc 24/7, không có ngày nghỉ, nhiều yêu cầu rất oái oăm.
Chẳng hạn, tìm kiếm 27 lọ kem tẩy lông của một nhãn hiệu cụ thể vào đêm muộn, sau ca làm việc kéo dài 12 giờ. Cô đã đi khắp Los Angeles để rồi khi mang về thì bị đuổi việc vì bị chê là “chậm”.
“Nhiều ngày không ăn, không ngủ, đồng hồ sinh học hỗn loạn, mệnh lệnh từng phút, nhưng toàn những việc vô nghĩa. Họ thích tạo ra một đống việc để bạn phải xoay như chong chóng không được nghỉ ngơi. Thậm chí những người hầu hách dịch sai bảo những công việc lẽ ra của họ”, Larson chua chát kể lại.
Trong khi đó, số tiền thưởng thêm cho cô chỉ là 1.000 USD, 1/5 số tiền mà tài xế nam khác nhận được, trong khi cô phải làm nhiều việc (và chịu nhiều khinh thường) hơn anh ta.
Paul Wheeler (tên đã được thay đổi), cựu tài xế cho nhiều VIP, đã viết sách Butler on Wheels tiết lộ cuộc sống của những người làm nghề như ông. Trong đó ông tiết lộ từng chở một số tỉ phú đến những bữa tiệc đồi trụy ở những khách sạn đắt tiền nhất London. Vợ của các quý ông này đã tìm cách moi thông tin từ ông song bất thành.
Paul Wheeler còn tiết lộ nhiều vị khách còn không muốn tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như thắt dây an toàn, mua cả núi đồ Louis Vuitton song lại hay tìm cách quỵt tiền xăng…
Ervin Gjoni, CEO công ty cung cấp dịch vụ tài xế EG Chauffeurs ở Anh, đồng tình. Ông cho biết việc đưa đón hoàng gia đến từ các quốc gia vùng Vịnh như UAE, Kuwait hoặc Saudi Arabia rất nhiều đòi hỏi, có khi danh sách yêu cầu lên tới 50 tiêu chí, từ những điều nhỏ nhặt nhất, nhưng lại khá “keo kiệt”. Dù siêu giàu, những người này thường chỉ boa 500 USD cho tài xế đã làm việc 120 giờ hai tuần cho họ.
Biết những gì nên làm và không nên làm
Làm nghề nào cũng vậy, nhưng khi là một tài xế cho giới thượng lưu thì tôn chỉ này càng cần phải nằm lòng.
Gerold Wunstel, từng chở các bộ trưởng ở Đức và các ngôi sao Hollywood trong suốt 24 năm làm việc, cảnh tỉnh: Những cô cậu mới vào nghề dễ bị lóa mắt bởi cảm giác mình là một phần quan trọng trong giới thượng lưu. Khi những người giàu có tỏ ra thân thiện, mời dự tiệc sinh nhật chẳng hạn, nhưng đừng nhận lời, vì trong mắt họ bạn chỉ đơn giản là tài xế thôi.
Hay có lúc ông phải chở một doanh nhân Saudi Arabia giàu có đi mua cần sa. Ông thẳng thắn nói với ông chủ không muốn đến những nơi như vậy. “Tôi nói xin lỗi vì quá nguy hiểm”, Wunstel cho hay.
Wunstel cũng từng lái xe cho các ngôi sao như Bill Murray, George Clooney và Eminem. Ông cho biết lái xe cho những người nổi tiếng cũng rất phức tạp. Phải đến thật sớm vì không biết lúc nào chuyến bay của họ đáp xuống dù chẳng hề được trả thêm đồng “ngoài giờ” nào. Một số còn không boa cho tài xế.
Từ đó, Wunstel rút ra kết luận làm tài xế cho những người “bình thường” là tốt nhất, chẳng hạn luật sư hay dân buôn bất động sản. Họ cũng làm việc nhiều giờ, nhưng có giới hạn cụ thể, ít đòi hỏi ngoài thỏa thuận ban đầu, thường được boa thêm.
Đối với Larson, những kinh nghiệm có được khi làm tài xế đã thay đổi hành vi của cô. Trong đó, quan trọng nhất là cô biết cẩn trọng hơn khi ngồi trong xe. Bởi cô biết tài xế sẽ dõi theo mọi thứ cô nói hay làm.
Theo: https://tuoitre.vn/ven-man-the-gioi-tai-xe-gioi-thuong-luu-chung-kien-nhieu-bi-mat-luong-cao-song-hay-bi-hanh-20220909155243401.htm