Những bất lợi không phải chủ siêu xe, xe sang nhập khẩu tư nhân nào cũng biết khi cần bảo dưỡng chính hãng

Chủ nhân những chiếc siêu xe, xe sang nhập tư nhân nếu muốn được bảo dưỡng chính hãng cần phải bỏ ra số tiền vài trăm triệu đồng.

Trần Vinh đi du lịch bằng môtô BMW từ TP HCM sang Lào, Thái Lan. Khi đến Thái Lan, xe bị hỏng. Anh đến showroom và xưởng dịch vụ chính hãng BMW tại thành phố Chiangmai để sửa chữa.

Tuy nhiên, xe anh bị từ chối vì mẫu BMW R1200GS 2013, nhập Mỹ, đăng ký tại Việt Nam của Vinh không thuộc diện được bảo dưỡng và sửa chữa theo quy định từ BMW Thái Lan.

Xe của anh Vinh đang chờ sửa tại showroom BMW tại thành phố Chiangmai. Ảnh: Trần Vinh
Chiếc môtô của anh Vinh tại showroom BMW tại thành phố Chiangmai. Ảnh: Trần Vinh

Theo định nghĩa, những mẫu xe như trên được gọi là “thị trường xám” (grey market).

“Nhân viên tại BMW Thái Lan rất nhiệt tình, nhưng quy định của hãng khiến xe tôi không thuộc diện được sửa, nên tôi vẫn phải mang xe ra ngoài làm để tiếp tục hành trình”, Anh Vinh nói.

Theo định nghĩa của BMW, “thị trường xám” (grey market) là khái niệm dành cho xe mới hoặc đã qua sử dụng, nhập khẩu hợp pháp, nhưng nằm ngoài hệ thống phân phối chính hãng.

Tại Việt Nam cũng như rất nhiều thị trường khác trên thế giới, xe nhập khẩu tư nhân là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của các đại lý chính hãng, bởi có nguồn hàng sớm, mức giá cạnh tranh và có những option như ở thị trường phát triển.

Đây là lý do nhiều người chọn mua xe nhập khẩu tư nhân thay vì chính hãng.

Tuy vậy, bất lợi lớn nhất của những mẫu xe nhập khẩu không chính hãng là khi phải bảo hành, bảo dưỡng.

Các đại lý chính hãng không tiếp nhận xe chính hãng theo cách thông thường mà sẽ kèm thêm các điều kiện. Nếu không sử dụng bảo dưỡng chính hãng, sẽ có những rủi ro kỹ thuật khi sửa chữa ở cơ sở bên ngoài.

Gói bảo dưỡng cho xe không chính hãng

Tại Việt Nam, hầu hết các xưởng dịch vụ chính hãng đều tiếp nhận sửa chữa xe nhập ngoài, nhưng không phải lúc nào cũng được đủ quyền lợi như xe nhập chính hãng. Một số hãng sẽ yêu cầu chủ xe mua gói dịch vụ sửa chữa cho những xe không chính hãng.

Ví dụ như Harley-Davidson thu thêm phí mở hồ sơ dịch vụ cho những xe không chính hãng là 40 triệu đồng, cộng thêm phụ phí 5% trên giá bán lẻ xe cùng loại được niêm yết từ đại lý ủy quyền chính hãng.

Jaguar Land Rover Việt Nam cho biết các mẫu xe không qua nhập khẩu chính hãng phải trả chi phí để được sử dụng dịch vụ tại các xưởng của hãng. Chi phí các gói bảo dưỡng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thông số kỹ thuật của xe, loại xe, đời xe, thời gian đã sử dụng, quãng đường đã đi, yêu cầu của chủ xe.

Mức phí này có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Khi mua gói này, xe không chính hãng được sửa chữa và bảo dưỡng miễn phí tại các xưởng chính hãng trong 5 năm (không miễn phí linh kiện phụ tùng thay thế), tương tự xe chính hãng.

Xưởng sửa chữa chính hãng của Porsche tại Sài Gòn. Ảnh: Thành Nhạn
Xưởng sửa chữa chính hãng của Porsche tại Sài Gòn. Ảnh: Thành Nhạn

Tương tự, Porsche cũng thu phí khoảng vài trăm triệu với khách hàng bên ngoài để mua gói. Cụ thể, với những xe 4 cửa, phí là 170 triệu, trong khi xe thể thao phí là 230 triệu.

Việc các hãng xe thu thêm chi phí của khách không chính hãng được lý giải vì chi phí đầu tư cao vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đào tạo tay nghề nhân viên đúng chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, xe nhập khẩu là những xe không được “địa phương hóa”, nên đặc tính kỹ thuật không hoàn toàn phù hợp với thị trường Việt Nam, chẳng hạn chất lượng nhiên liệu, tiêu chuẩn khí thải.

Chính vì thế, việc tiếp nhận xe được nhập từ một thị trường khác có thể khiến việc sửa chữa không thuận lợi do thiếu thiết bị hoặc linh kiện.

Có một số hãng không thu phí của xe nhập ngoài vào sửa chữa như Lexus, Mercedes, BMW, Audi. Tuy vậy, các xe này sẽ xếp sau xe chính hãng về mức độ ưu tiên, ví như ưu tiên về thời gian sửa chữa, phụ tùng.

Rủi ro kỹ thuật khi sửa bên ngoài

Nếu không chấp nhận trả thêm chi phí để được bảo dưỡng chính hãng, khách hàng thường tìm đến những cơ sở sửa chữa bên ngoài.

Thực tế, có nhiều cơ sở tư nhân có tay nghề thợ kỹ thuật rất cao, nguồn phụ tùng nhập như chính hãng trong khi mức giá dễ chịu hơn, thậm chí nhiều sản phẩm có chất lượng nhỉnh hơn. Tuy vậy, hình thức này thường phù hợp với xe đời cũ, hoặc hàm lượng công nghệ ít.

Hiện nay với xe sang, siêu sang, nhiều hãng thường có những máy móc chẩn đoán bệnh, hoặc dụng cụ để sửa chữa hàng thửa, tức không thể mua được ở bên ngoài.

Bên cạnh đó, công nghệ điện tử ngày càng phát triển, thợ kỹ thuật bên ngoài không được đào tạo thường khó nắm bắt và hiểu sâu ngọn ngành vấn đề mà xe gặp phải.

Đặc biệt khi công nghệ xe điện phát triển, hàm lượng cơ khí giảm đáng kể so với xe xăng, thì đây là một thách thức với các garage bên ngoài.

Ví như chiếc xe điện Mercedes-Benz EQS, hãng không cho khách tự mở nắp ca-pô, chỉ những đại lý được cấp quyền mới có thể mở.

Như vậy, với khách sử dụng xe sang nhập khẩu không chính hãng, lợi thế là có xe sớm, nhiều option, mức giá hợp lý, bảo dưỡng bên ngoài cũng rẻ hơn.

Tuy vậy, chủ xe cần chấp nhận có thể thợ bên ngoài không nắm đúng bệnh, không đủ thiết bị để chẩn đoán bệnh cho những xe đời mới, hàm lượng công nghệ cao.

Khi bắt buộc phải sửa chữa ở xưởng chính hãng, có thể phải bỏ tiền mua thêm gói, hoặc xếp sau thứ tự ưu tiên khi làm dịch vụ so với xe chính hãng.

Hongqi E-HS9: Đỉnh cao SUV siêu sang Trung Quốc cạnh tranh Rolls-Royce Cullinan | Tạp Chí Siêu Xe

Theo: vnexpress

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Scroll to Top