Kiểu dáng của siêu xe Nhật Kode61 Birdcage lấy cảm hứng từ xe đua Maserati Tipo 61 từ thập niên 60.
Ken Okuyama là một nhà thiết kế công nghiệp nổi tiếng. Ông từng là Giám đốc Thiết kế của General Motors, Phó giám đốc thiết kế cho Porsche AG và Giám đốc thiết kế cho Pininfarina S.p.A.
Chỉ riêng trong thời kỳ làm cho Pininfarina, Okuyama chính là người “chấp bút” ra loạt siêu xe nổi tiếng Ferrari Enzo, 599 GTB và 612 Scaglietti trong thời gian làm việc tại Pininfarina.
Giờ đây, ông đã lập ra công ty siêu xe thủ công riêng Ken Okuyama Cars. Tại cuộc thi xe đẹp danh giá Concorso d’Eleganza Villa d’Este 2023, Okuyama đã công bố siêu phẩm mới nhất với tên gọi Kode61 Birdcage.
Kode61 Birdcage là siêu xe không mui được lấy cảm hứng từ chiếc xe cổ điển Maserati Tipo 61 mang tính biểu tượng, được sản xuất từ năm 1959 đến năm 1961 với biệt danh “Birdcage”.
Nó cũng chịu ảnh hưởng từ mẫu concept Maserati Birdcage 75 năm 2005 cũng do chính Okuyama thiết kế. Tuy nhiên phiên bản mới nhất của ông có thân xe speedster không mui và không có kính chắn gió, khiến cabin hai chỗ ngồi lộ ra hoàn toàn theo kiểu Ferrari Monza SP2.
Siêu xe Nhật Bản có thân xe được thiết kế riêng và phức tạp. Các chi tiết đặc trưng gồm những vòm bánh phình ra, phần đầu và đuôi xe sắc cạnh, cùng cửa ra vào nhỏ mở lật lên trên.
Bộ đèn chiếu sáng mỏng và các điểm nhấn màu đen ở thân dưới – bao gồm cửa hút gió phía trước và bộ cánh khuếch tán nhô ra – làm tăng thêm vẻ ngoài khác biệt. Trên thân xe của Kode61 Birdcage, chi tiết không phải “hàng thửa” duy nhất là bộ mâm hình đinh ba của Maserati MC20.
Bên trong, bảng điều khiển kiểu cổ điển có các chi tiết sáng bóng, cụm đồng hồ hoàn toàn sử dụng đồng hồ cơ. Bên phía hành khách là một màn hình đối xứng hoàn toàn với bảng đồng hồ của người lái, nằm giữa 2 hàng ghế là sự xuất hiện của hộp số sàn với cửa số lộ thiên.
Và đó cũng là 1 trong số hiếm hoi các chi tiết được khẳng định chắc chắn về hệ động lực của Kode61 Birdcage, do Ken Okuyama hiện chưa công bố bất kỳ thông tin chi tiết nào về xe.
Ngoài hộp số sàn, phần đuôi phía sau có cặp ống xả kép cho thấy Kode61 Birdcage chắc chắn sẽ có động cơ đốt trong. Và dù được trang bị mâm cũng như có tông màu đen-trắng rất giống Maserati MC20, nhưng Ken Okuyama chắc chắn cũng không sử dụng siêu xe Ý này làm nền tảng.
Thay vì động cơ đặt giữa như MC20, phần đuôi ngắn và nắp ca-pô dài đã cho thấy Kode61 Birdcage có động cơ đặt trước.
Kode61 Birdcage được ra mắt lần đầu và thi tài trong hạng mục xe ý tưởng tại Concorso d’Eleganza Villa d’Este năm nay, đánh dấu một cột mốc quan trọng khi đây là mẫu xe “hàng thửa” đầu tiên của Nhật Bản được đề cử.
Tuy nhiên, Ken Okuyama đã xác nhận rằng siêu xe này sẽ được sản xuất với số lượng hạn chế, thủ công tại nhà máy Yamagata, Nhật Bản.
Theo: carscoops / NgheNhinVietNam
Khám phá dàn loa NAIM thượng hạng 1300w của Pininfarina Battista – Hypercar nhanh nhất tới từ Ý
Để xứng tầm với hypercar chạy điện Pininfarina Battista, một dàn loa thượng hạng đã được hãng âm thanh hi-end nổi tiếng Naim “thửa riêng” cho chiếc xe.
Pininfarina Battista là chiếc xe mạnh mẽ nhất từng được thiết kế và chế tạo tại Ý, với mức hiệu suất mà ngày nay không thể đạt được trong bất kỳ chiếc siêu xe với động cơ đốt trong nào.
Nhanh hơn một chiếc xe đua Công thức 1 khi chỉ mất 2 giây để đạt 0-100km/h, Pininfarina Battista đạt công suất lên tới 1.900 mã lực và mô-men xoắn 2.300Nm.
Bộ pin 120 kWh của Pininfarina Battista cung cấp năng lượng cho bốn động cơ điện – mỗi động cơ ở mỗi bánh xe – với phạm vi hoạt động đo theo chuẩn WLTP trên 500km trong một lần sạc.
Sẽ chỉ có 150 chiếc Pininfarina Battista sẽ được sản xuất thủ công bởi Pininfarina ở Cambiano gần Turin, Ý. Với thông số “khủng” và số lượng sản xuất giới hạn, đương nhiên Pininfarina cũng phải đảm bảo rằng mọi thứ trên chiếc siêu xe thương mại chạy điện đầu tay của hãng phải hoàn hảo – bao gồm cả dàn âm thanh.
Đó là lý do Pininfarina đã bắt tay với Naim – thương hiệu âm thanh hi-end nổi tiếng tới từ Anh để phát triển hệ thống loa cho Battista.
Được hình thành và chế tạo trong hơn một năm bởi một đội ngũ chung gồm các chuyên gia Naim và Automobili Pininfarina, hệ thống âm thanh của Battista nâng cao hơn nữa niềm vui khi lái chiếc siêu xe điện mạnh mẽ nhất từng được sản xuất.
Hệ thống âm thanh Battista mới được phát triển có tổng công suất đáng kinh ngạc trong một không gian cabin nhỏ như vậy là 1.300W, thông qua 10 loa được bố trí bên trong cabin được thiết kế tinh xảo.
Dàn loa này cung cấp tới 8 kênh âm thanh khác nhau. Hệ thống mới có loa siêu trầm với cuộn dây kép mà Naim gọi là Dual Voice được đặt giữa ghế lái xe và hành khách, với các loa tweeter khuếch đại tần số cao hơn nằm phía sau ghế và trong các cánh cửa mở lật hình cánh bướm ấn tượng của Battista.
Các kỹ sư của Naim đã thiết kế hệ thống ampli và bộ xử lý âm thanh (DSP) được tích hợp sẵn để cung cấp âm thanh trong xe đặc biệt, với trải nghiệm nghe thực sự đắm chìm.
Họ cũng đã dựa trên kiến thức chuyên môn về âm thanh của một công ty nổi tiếng khác trong ngành là Focal, để tối ưu hóa hơn nữa tất cả các loa cho môi trường bên trong siêu xe.
Những sự cân chỉnh được tối ưu hóa cho cả người lái và hành khách: cách bố trí loa đối xứng tạo ra hiệu ứng giống như khán phòng, với cảm giác chân thực đáng kinh ngạc.
Toàn bộ hệ thống loa đặc biệt này và các thiết bị điện tử liên quan đã được tích hợp liền mạch vào nội thất sang trọng của Battista. Vị trí chính xác, hướng, cách tích hợp loa trong thiết kế nội thất xe – tất cả đều đã trải qua một số lần thử nghiệm lặp lại.
Điều này nhằm tối đa hóa hiệu suất âm thanh và mang lại trải nghiệm âm nhạc thuần khiết nhất, gần với nguồn phát trực tiếp nhất có thể. Sự hợp tác sâu rộng giữa Naim và Focal đã nâng cao hiệu suất âm thanh thông qua việc kết hợp giữa thiết kế, kỹ thuật và vật liệu công nghệ tiên tiến.
Hệ thống loa sử dụng cả beryllium – vật liệu nổi tiếng về độ cứng – vượt xa Titan hoặc Nhôm. Beryllium có thể mở rộng đáp tuyến tần số và cải thiện khả năng cảm nhận của các chi tiết âm thanh siêu nhỏ.
Với việc thiết kế dàn âm thanh cho Pininfarina, Naim cũng trở về cội nguồn gắn bó với ngành công nghiệp ô tô kể từ khi thành lập vào những năm 70 của Thế kỷ XX. Nhà sáng lập hãng – Julian Vereker là một tay đua xe có niềm đam mê sâu sắc với âm nhạc.
Vereker đã quyết định thiết kế ampli và loa của riêng mình khi nhận thấy các hệ thống âm thanh ở thời điểm đó không thể tái tạo âm thanh chân thực, cảm động mà ông thích khi nghe nhạc phát trực tiếp.
TCSX tổng hợp