Gần 2,2 triệu xe Tesla bị triệu hồi vì lỗi giao diện, có cả bán tải điện Cybertruck vừa bàn giao tới tay khách hàng

Gần 2,2 triệu xe Tesla bị triệu hồi vì lỗi giao diện, có cả bán tải điện Cybertruck vừa bàn giao tới tay khách hàng

Đặc biệt hơn, yêu cầu triệu hồi này không bắt buộc chủ xe phải mang phương tiện đến các trung tâm dịch vụ của Tesla. Trên thực tế đây không phải những lỗi quá nghiêm trọng và hoàn toàn có thể sửa lỗi một cách đơn giản.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) tại Mỹ, 2.193.869 chiếc xe điện của Tesla nằm trong diện triệu hồi do không đạt chuẩn về giao diện bảng đồng hồ taplo.

Cụ thể, các đèn báo tín hiệu lỗi và an toàn của xe trên bảng đồng hồ taplo (phanh tay, báo số, báo ABS kích hoạt…) có kích thước nhỏ hơn 1/8 inch (khoảng 3,175 mm).

Điều này không đáp ứng đúng theo yêu cầu của Tiêu chuẩn an toàn cho phương tiện cơ giới liên bang (FMVSS) số 105 (các hệ thống thủy lực và hệ thống phanh điện tử) và số 135 (hệ thống đèn báo tín hiệu phanh). Cơ quan chức năng cho rằng thiết kế trên có thể dẫn đến việc người lái khó theo dõi các đèn tín hiệu của xe, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.

Những mẫu xe bị triệu hồi bao gồm dòng Tesla Model S đời 2012 – 2023, Tesla Model X đời 2016 – 2024, Tesla Model 3 đời 2017 – 2023, Tesla Model Y đời 2019 – 2024, và ngay cả mẫu bán tải vừa mới ra mắt Tesla Cybertruck đời 2024.

Đây cũng là lần đầu tiên Tesla Cybertruck bị triệu hồi kể từ thời điểm bàn giao cho khách hàng, bắt đầu từ tháng 11/2023. Mẫu xe này cũng đã dần xuất hiện trên đường phố, và tai nạn đầu tiên của Cybertruck được ghi nhận vào tháng 12/2023.

Lỗi giao diện này được phát hiện trong một đợt kiểm tra tuân thủ đối với mẫu Tesla Model Y đời 2023 vào ngày 8/1. Sau đó, hãng xe điện đã tự nguyện đưa ra quyết định thu hồi và xác định 3 yêu cầu bảo hành liên quan đến tình trạng này vào ngày 24/1. May mắn thay, không có báo cáo nào về tai nạn hoặc thương tích liên quan đến lỗi này.

Tesla đã khắc phục sự cố thông qua bản cập nhật trực tuyến (OTA) với bản phát hành phần mềm 2023.44.30.13. Chương trình khắc phục bao gồm tăng cỡ chữ trên 1/8 inch theo quy định của FMVSS.

Không giống như các đợt thu hồi khác, thương hiệu này không có kế hoạch cung cấp kế hoạch bồi thường cho khách hàng vì “không có khoản phí sửa chữa nào liên quan đến lỗi này”. Bản cập nhật OTA được Tesla cung cấp miễn phí. Phương pháp này cũng được hãng áp dụng khi giải quyết lỗi camera lùi của hơn 200.000 chiếc Tesla vào tháng trước.

Doanh số kém hơn dự đoán, người dùng mất niềm tin vào chất lượng sản phẩm, hệ thống cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng… khiến nhiều ông lớn trong ngành công nghiệp ô tô bắt đầu đặt dấu chấm hỏi lớn cho tương lai của xe điện, trong đó có GM.

Trong khi đó, Toyota lại cho thấy bước đi hợp lý khi ưu tiên việc phát triển xe hybrid so với trào lưu chạy theo xe điện trên toàn cầu. Để thuyết phục khách hàng tiếp tục lựa chọn sản phẩm của mình, Tesla phải làm được nhiều hơn những vụ triệu hồi và kiện cáo liên quan đến các tính năng của xe.

Theo Carbuzz

Triệu hồi xe: Tốt hay xấu?

Một ngày nào đó nhận được thông tin chiếc ô tô của mình thuộc diện triệu hồi để khắc phục lỗi, tâm trạng của bạn ra sao: Hoang mang hay bình thản?

Dám chắc là đa số các chủ xe sẽ không thể bình thản, coi như không có chuyện gì xảy ra. Thế nhưng suy nghĩ sâu một chút thì thấy, chiếc xe mình vẫn sử dụng hằng ngày chưa thấy có trục trặc gì. Hãng xe họ tự phát hiện các khuyết tật và chủ động triệu hồi để khắc phục, phòng ngừa xảy ra những vấn đề mất an toàn thì cũng tốt.

Dù chuyên nghiệp đến đâu, các nhà sản xuất rất khó để loại trừ hoàn toàn lỗi trên mỗi chiếc xe thành phẩm.

Dù chuyên nghiệp đến đâu, các nhà sản xuất rất khó để loại trừ hoàn toàn lỗi trên mỗi chiếc xe thành phẩm.

Đấy là tình huống của phần lớn các vụ triệu hồi xe diễn ra thường xuyên trên toàn thế giới, ngoại trừ một số trường hợp rất ít các hãng xe sau khi bị khách hàng phản ánh, khiếu lại do các lỗi nghiêm trọng đã bị cơ quan quản lý buộc phải thực hiện lệnh triệu hồi để khắc phục nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho khách hàng sử dụng xe.

Và nguy hiểm hơn là các hãng xe dù biết chiếc xe do mình sản xuất, lắp ráp có khuyết tật, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn nhưng sợ tốn kém đã giấu nhẹm hoặc âm thầm khắc phục trong các kỳ bảo dưỡng, dù thực tế không phải chủ xe nào cũng sử dụng dịch vụ chính hãng.

Về nguyên tắc, các vụ triệu hồi xe đều được thực hiện miễn phí và khách hàng chỉ mất thời gian mang xe đến cơ sở bảo hành bảo dưỡng khi đến kỳ bảo dưỡng hoặc ngay lập tức nếu các lỗi nguy hiểm.

Như vậy có thể thấy việc triệu hồi xe là tốt cho khách hàng bởi rõ ràng bạn vẫn đang an toàn và hãng xe đã thể hiện trách nhiệm, là người lo trước cho quyền lợi cũng như sự an toàn của mình.

Xét về bản chất, không doanh nghiệp sản xuất nào mong muốn thực hiện việc triệu hồi bởi mỗi đợt triệu hồi như vậy sẽ rất tốn kém và mất nhiều công sức. Tuy nhiên, cũng có không ít các hãng xe sau hàng loạt những chiến dịch triệu hồi thì doanh số bán xe lại tăng mạnh do chỉ số niềm tin của khách hàng tăng lên.

Việc các hãng xe chủ động rà soát, hậu kiểm, tự phát hiện hoặc tiếp thu những phản hồi của khách hàng cho thấy sự chuyên nghiệp trong chuỗi cung ứng và sản xuất, nhất là đối với các doanh nghiệp có quy mô toàn cầu.

Thậm chí trên thế giới, triệu hồi xe còn được coi như một tiêu chí đánh giá sự phát triển của một thị trường ô tô bởi ở đó, người tiêu dùng được bảo vệ, không phải chịu những lỗi do nhà sản xuất.

Theo một thống kê tại Mỹ, Tesla đã có 47 vụ triệu hồi xe khác nhau kể từ năm 2009. Tuy nhiên, trong cùng khoảng thời gian trên, các hãng xe lớn khác như: Ford, Chrysler và Mercedes-Benz đã có số lần triệu hồi gấp 10 lần.

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong năm 2023, thị trường ô tô Việt Năm cũng chứng kiến 46 đợt triệu hồi xe, liên quan đến 53.804 chiếc xe để khắc phục lỗi, tăng hơn gấp đôi so với năm 2022 (24 đợt triệu hồi).

Tuy nhiên, hầu hết các vụ triệu hồi đều xuất phát từ các vấn đề khá nhỏ, không có khả năng gây hậu quả xấu, như: Lỗi túi khí, hệ thống điều hòa, dây đai an toàn, phần mềm điều khiển, siết lại đai ốc giảm chấn…

Sự gia tăng các chiến dịch triệu hồi không chỉ phản ánh sự phát triển các loại phương tiện tại Việt Nam mà còn cho thấy sự chuyên nghiệp của các thương hiệu ô tô, xe máy cả trong và ngoài nước khi nhận thấy tầm quan trọng của việc triệu hồi.

Thực tế cho thấy, một hãng xe cả chục năm không thấy có đợt triệu hồi nào không có nghĩa là những chiếc xe do doanh nghiệp đó sản xuất không có lỗi.

Có thể những mẫu xe do những doanh nghiệp này sản xuất chỉ mắc phải những lỗi nhỏ và họ dùng cách âm thầm khắc phục qua những đợt bảo hành, bảo dưỡng.

Nhưng cũng có những hãng xe biết được chiếc xe bị lỗi một bộ phận, trang bị nào đó nhưng vì sợ ảnh hưởng đến doanh số, uy tín và khả năng chi trả cho việc triệu hồi quá lớn nên đã lờ đi.

Một lãnh đạo cơ quan kiểm soát vấn đề an toàn kỹ thuật phương tiện là Cục Đăng kiểm Việt Nam từng cho biết, điều băn khoăn nhất chính là thái độ của rất nhiều người tiêu dùng, trong đó có sự tác động của không ít các cơ quan báo chí, truyền thông khi thường tuyên truyền theo hướng tiêu cực về triệu hồi xe.

Nhiều người do chưa tìm hiểu kỹ, hễ thấy triệu hồi là lo ngại và cho rằng lệnh triệu hồi đồng nghĩa với những vấn đề nghiêm trọng về chất lượng.

Thế nhưng, đó là quan điểm hoàn toàn sai lầm bởi với hàng nghìn chi tiết kỹ thuật, các nhà sản xuất rất khó để loại trừ hoàn toàn lỗi trên mỗi chiếc xe thành phẩm. Cũng bởi những suy nghĩ sai lầm này, có những giai đoạn triệu hồi xe bị coi là cụm từ nhạy cảm và một số nhà sản xuất từng tìm cách né tránh, che giấu vì lo ngại tác động đến hình ảnh thương hiệu.

Vì thế, khi nhận được thông báo về chiến dịch triệu hồi cho chiếc xe của mình, khách hàng không nên quá lo lắng mà hãy bình tĩnh đến các đại lý được ủy quyền để khắc phục lỗi mà không phải trả bất cứ chi phí nào cho việc đó.

Theo:  Xe Giao Thông

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Scroll to Top