Lotus Eletre được đánh giá là sản phẩm cực kỳ quan trọng với hãng xe Anh quốc. Chiếc SUV chạy điện sở hữu vẻ ngoài lạ mắt, nó bắt các fan phải thay đổi suy nghĩ về Lotus cũng như mời gọi khách hàng mới tới hãng.
Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng chiếc SUV điện Lotus Eletre cũng đã ra mắt. Nghe có vẻ là cách đọc trại từ “electric” nhưng trên thực tế, Eletre có nghĩa là “trở nên sống động” trong tiếng Hungary và đánh dấu sự trở lại của Lotus.
Mục tiêu của hãng khi tạo ra Eletre đó là bảo đảm nó mang tinh thần của một chiếc xe thể thao truyền thống của Lotus, nhưng với các tiện ích của một chiếc SUV.
Công ty mẹ Geely đặt nhiều hy vọng vào Lotus, và chiếc SUV này cũng sở hữu nhiều cái “đầu tiên” và “nhất”. Để bắt đầu, đây là chiếc Lotus đầu tiên được chế tạo ở Trung Quốc tại một nhà máy mới ở Vũ Hán. Những chiếc xe thể thao trong tương lai sẽ tiếp tục được sản xuất tại trụ sở chính Lotus ở Hethel, Anh.
Mặc dù nó không phải là chiếc Lotus bốn chỗ đầu tiên (không tính chiếc Ford Cortina được gắn logo Lotus của những năm 1960, danh hiệu này thuộc về Type 75 Elite trong thập niên 70), Eletre là chiếc Lotus bốn cửa đầu tiên 100% do hãng tự phát triển từ con số 0.
Và Eletre cũng là mẫu xe lớn nhất và nặng nhất trong lịch sử của Lotus tính tới thời điểm hiện tại. Được thiết kế để cạnh tranh trực tiếp với Porsche Cayenne, nó thậm chí còn dài hơn đối thủ 179mm dù thấp hơn 66mm. Các kích thước (D x C) của Eletre lần lượt là 5.105 và 1.630mm với trục cơ sở đạt tới 3.019mm.
Lotus thậm chí còn không dám nhắc tới cân nặng nhưng với kích thước lớn như vậy và phải tải thêm những khối pin, Eletre có lẽ sẽ nặng khoảng 2,2 tấn dù làm từ nhôm và sợi carbon.
Nhìn chung nó là một chiếc xe to lớn, nhưng kiểu dáng SUV coupe đã che giấu điều đó. Nắp ca-pô ngắn và cabin dồn về phía trước là gợi ý nhỏ cho thấy Eletre khác biệt so với các đối thủ với động cơ V8 khác.
Nếu nhìn lướt qua những bức ảnh quảng cáo với màu sơn vàng, nó trông thậm chí còn khá giống với Lamborghini Urus. Nhưng để ý kỹ hơn, bạn có thể thấy các nét đặc trưng của những chiếc Lotus gần đây.
Cụ thể, đường cửa sổ gần cột C cũng vát lên như Emira trong khi những hốc gió ở trước, hai bên và sau đều thực sự có tác dụng khí động học tương tự hypercar Evija. Nói về luồng không khí, một trong những đặc điểm thiết kế thú vị nhất là cánh lướt gió ở phía sau mui xe.
Nó được chia thành hai nửa giống như cánh để cho phép cảm biến Lidar gắn trên nóc xe bật lên, có được cái nhìn rõ ràng về con đường phía sau khi bạn đã kích hoạt công nghệ tự động của nó.
Những tiện ích hiện đại khác mà không thường xuất hiện trên xe Lotus bao gồm gương cửa tích hợp camera, hệ thống treo khí nén tiêu chuẩn và hệ thống đánh lái cầu sau có sẵn tùy chọn, thanh ổn định chống nghiêng thân xe và bộ vi sai hạn chế trượt chủ động. Đương nhiên, gói công nghệ mới cũng bao gồm hệ động lực điện.
Nền tảng này là một kiến trúc hoàn toàn mới độc quyền của Lotus, với khả năng sạc 800V hứa hẹn sẽ sạc đầy trong 18 phút. Lotus không tiết lộ chi tiết đầy đủ về thiết lập động cơ kép, nhưng tuyên bố pin sẽ lớn hơn 100kWh và cung cấp tầm hoạt động khoảng 600km, cộng với khả năng đi thêm 400km phạm vi hoạt động khi sạc bằng nguồn 350kW trong 20 phút.
Các thông số công suất cũng hơi mơ hồ vào thời điểm này, nhưng Lotus cho biết Eletre sẽ bắt đầu với 600 mã lực, có khả năng tăng tốc từ 0 -100km/h trong vòng chưa đầy 3 giây và đạt tốc độ 260km/h.
Nhưng hãng cũng cho biết chiếc SUV sẽ có 2 phiên bản mạnh hơn và loại nhỏ nhất trong số đó sẽ cung cấp khoảng 690 mã lực. Hy vọng rằng Lotus không quên được giá trị của mình và cố gắng khiến Eletre nhẹ nhất trong phân khúc của nó.
Cuối cùng, Eletre cũng là chiếc Lotus với cabin sang trọng và thoải mái nhất từ trước tới nay. Thay vì bảng táp-lô truyền thống, khu vực phía trước người lái là một dải mỏng cao chưa đến 30mm tích hợp các màn hình khác nhau.
Ở trung tâm, xe có một màn hình hướng ngang 15,1 inch cung cấp tất cả các thông tin cần thiết. Màn hình hiển thị trên kính với công nghệ thực tế tăng cường AR cũng là một tính năng tiêu chuẩn.
Vô-lăng bát giác thời trang, gương chiếu hậu điện tử và các vật liệu “xanh” cùng ốp carbon rèn từ những mảnh tái chế mang lại cảm giác mới mẻ, hiện đại. Khách hàng vẫn có một bệ trung tâm nhô cao truyền thống ngăn cách người lái xe và hành khách. Nhưng do trục các-đăng hay hộp số bên dưới nên không gian của bệ trung tâm có thể được sử dụng để cất túi nhỏ, điện thoại và ví.
Xe có cấu hình 4 hoặc 5 chỗ và dù chọn cách bố trí nào đi nữa, mọi người trong Eletre đều sẽ có không gian thoải mái. Tuy nhiên với khoang hành lý 400l phía sau và 77l phía trước, chiếc xe có cốp bé hơn cả bản e-hybrid của Porsche Cayenne Coupe (500l) chứ chưa nói tới Cayenne thường (625mm). Và bạn cũng không có khả năng gập phẳng ghế ngồi sau với Eletre.
Nhưng không thể phủ nhận rằng về thiết kế và công nghệ, Eletre hấp dẫn hơn nhiều so với Cayenne – mẫu xe hiện chưa có bản chạy điện thuần và dự kiến phải tới cuối thập niên này thì điều đó xảy ra.
Và mặc dù thương hiệu Lotus mới chỉ được biết tới trong cộng đồng người yêu xe, hãng đã có một lịch sử huy hoàng trên đường đua và danh sách dài các sáng tạo kỹ thuật để đội marketing có thể chào bán tới những khách hàng mới.
Tuy nhiên, điều đó sẽ không ngăn được một số người hâm mộ phẫn nộ với hướng đi mới của Lotus. Và Eletre chỉ là bước khởi đầu. Khoảng một năm sau, Lotus sẽ giới thiệu một chiếc coupe EV bốn cửa để đối đầu với Porsche Taycan và Tesla Model S. Chiếc xe đó hiện có tên mã là Type 133, và chắc chắn nó sẽ có một cái tên bắt đầu bằng chữ “E” như truyền thống của hãng.
Tiếp theo đó là một chiếc SUV nhỏ hơn để cạnh tranh Porsche Macan mang tên mã Type 134 ra mắt vào năm 2025. Sau đó, vào khoảng năm 2026, chúng ta sẽ có một chiếc ô tô thể thao điện nhỏ hợp tác phát triển cùng thương hiệu Alpine của Pháp.
Còn sau đó? Lotus chưa nói gì về nửa sau của thập niên này nhưng với những mẫu xe phù hợp với đại chúng hơn, có lẽ hãng sẽ không còn phải quay lại thời kỳ khó khăn đã diễn ra trong nhiều năm qua.
Khi Porsche tung ra Cayenne, hãng cũng nhận được những chỉ trích tương tự. Nhưng cuối cùng, chính mẫu SUV này đã đảo ngược hoàn toàn tình hình tài chính vốn trước đó còn gặp nhiều khó khăn.
Dù từng luôn miệng khẳng định không làm SUV, nhưng sắp tới Ferrari cũng sắp tung ra Purosangue. Cũng tuyên bố không sản xuất SUV và tới nay vẫn giữ được lời hứa đó, nhưng McLaren cũng đã từng phải bán trụ sở chính vào năm ngoái.
Và đó là chưa kể tới các cái tên như Aston Martin hay Lamborghini vốn đã suy nghĩ thoáng về SUV. Gần như mọi thương hiệu siêu xe truyền thống đều đã và sắp làm xe gầm cao, vậy tại sao Lotus lại không thể? Đặc biệt khi với Eletre và bất kỳ thứ gì sau đó, hãng có thể “hái ra tiền” để có thể lại phát triển các thế hệ siêu xe thuần chất mà các fan vẫn mong đợi?
Hyperion XP-1 – Kỳ quan công nghệ khơi mào cuộc cách mạng siêu xe mới | Tạp Chí Siêu Xe
Theo: msn