“Ông lớn” Tesla thông báo triệu hồi hơn 2 triệu xe điện tại Mỹ để khắc phục lỗi chế độ tự lái Autopilot vốn đã bị đặt nhiều dấu hỏi lớn

"Ông lớn" Tesla thông báo triệu hồi hơn 2 triệu xe điện tại Mỹ để khắc phục lỗi chế độ tự lái Autopilot vốn đã bị đặt nhiều dấu hỏi lớn

Hãng xe điện Tesla đang triệu hồi hơn 2 triệu xe điện ở Mỹ để cập nhật thêm các cảnh báo mới trong hệ thống hỗ trợ lái xe tự động Autopilot, sau khi có hàng trăm vụ tai nạn xảy ra trong 2 năm qua.

Đây là vụ triệu hồi xe lớn nhất từ trước đến nay của Tesla, bao gồm gần như tất cả các phiên bản xe đang hoạt động trên đường phố.

Tesla cho biết hệ thống phần mềm điều khiển Autopilot “có thể không đủ mạnh để ngăn chặn việc tài xế lạm dụng” và có thể làm tăng nguy cơ xảy ra va chạm.

Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) đã dành hơn hai năm để điều tra xem liệu các phương tiện do nhà sản xuất ô tô điện của tỷ phú Elon Musk điều hành có đảm bảo đầy đủ sự chú ý của người lái xe hay không.

Cuộc điều tra về vấn đề an toàn của xe Tesla bắt đầu vào tháng 8/2021 và được mở rộng vào tháng 6/2022 khi những vụ tai nạn ch;ết ng;ười liên quan đến việc sử dụng chế độ lái xe tự động Autopilot gia tăng.

Cơ quan quản lý cáo buộc hệ thống Autopilot (hỗ trợ lái xe) trên các phương tiện Tesla có thể khiến tài xế xao nhãng, mất tập trung.

Cơ quan quản lý cáo buộc hệ thống Autopilot (hỗ trợ lái xe) trên các phương tiện Tesla có thể khiến tài xế xao nhãng, mất tập trung.

Nhà chức trách đã xem xét 956 vụ tai nạn và tập trung vào 322 vụ tai nạn liên quan đến Autopilot.

NHTSA cho biết nguy cơ va chạm có thể gia tăng khi chế độ Autopilot được kích hoạt, song người lái xe lại không có chuẩn bị cũng như tinh thần để can thiệp.

“Một trong những điều chúng tôi xác định là các tài xế không phải lúc nào cũng tập trung khi hệ thống đó được bật”, Ann Carlson, quyền giám đốc NHTSA nói.

Autopilot là chế độ tự lái nổi tiếng hiện đại và thông minh của xe điện Tesla. Chế độ này cho phép ô tô lái tự động trong làn đường của mình, có thể tăng tốc và phanh tự động khi có chướng ngại vật, tự động xử lý tình huống phát sinh trong lưu thông.

Autopilot bản nâng cao có thể hỗ trợ tự chuyển làn trên đường cao tốc nhưng không giúp phương tiện tự hành hoàn toàn.

Trong hệ thống Autopilot, chức năng Autosteer cho phép duy trì tốc độ đã cài đặt hoặc duy trì lái xe dựa theo khoảng cách và giữ cho phương tiện đi trong đúng làn đường. Tuy nhiên, đôi khi nó hoạt động không chính xác, dẫn tới xe va chạm vào cả các phương tiện đang đứng yên.

Tuy nhiên, Tesla cho biết họ không đồng ý với phân tích của NHTSA.

Dù vậy, nhà sản xuất xe điện lớn nhất nước Mỹ vẫn sẽ triển khai cập nhật phần mềm không dây để “kết hợp các biện pháp kiểm soát và cảnh báo bổ sung cho những tính năng đã có trên các phương tiện bị ảnh hưởng nhằm khuyến khích lái xe tuân thủ trách nhiệm ngay cả khi Autosteer được kích hoạt”.

Các mẫu xe cũng sẽ được nâng cấp về phần cứng như tăng cường mức độ nổi bật của các tín hiệu cảnh báo trực quan, đơn giản hóa việc khởi động và ngắt kết nối Autosteer cũng như các bước kiểm tra bổ sung khi kích hoạt Autosteer.

Bryant Walker Smith, giáo sư luật của Đại học Nam Carolina, cho biết việc khắc phục bằng phần mềm sẽ có hiệu quả khá hạn chế và việc này “dường như đặt quá nhiều trách nhiệm lên người lái xe thay vì thay đổi mang tính hệ thống”.

Như vậy, 2,03 triệu xe Tesla Model S, X, 3 và Y ở Mỹ kể từ năm 2012 sẽ được cập nhật phần mềm và phần cứng.

Trước đó, vào tháng 2, Tesla cũng đã triệu hồi 362.000 xe điện của hãng để cập nhật phần mềm Lái xe tự hành an toàn – FSD Beta, sau khi NHTSA cho biết các phương tiện này không tuân thủ đầy đủ quy định về an toàn giao thông và có thể gây ra tai nạn.

Tại Canada, Bộ Giao thông vận tải cho biết Tesla sẽ triệu hồi hồi 193.000 xe để giải quyết vấn đề Autopilot. Hiện chưa rõ tại Trung Quốc, cơ quan chức năng có yêu cầu Tesla triệu hồi tương tự hay không.

Theo carscoops / Vietnamnet

“Thùng tôn di động” Tesla Cybertruck có thể sẽ là “cơn ác mộng” của thợ sửa xe và cả nhân viên bảo hiểm

MỸ – Thợ sửa xe và nhân viên bảo hiểm cùng nêu ra những vấn đề có thể khiến người sử dụng xe bán tải điện Tesla Cybertruck phải đau đầu.

Khi được giao đến tay khách hàng sau 4 năm chờ đợi, chiếc bán tải của Tesla có bán cao hơn mức dự kiến ban đầu, nhưng không khác mấy so với thiết kế concept, kể cả thân xe bằng thép không gỉ. Tuy nhiên, có những điểm ở Cybertruck có thể dẫn đến những rắc rối không nhỏ trong quá trình sở hữu.

Trong đó, thân xe bằng thép không gỉ có thể là một trong những vấn đề lớn nhất, thậm chí được ví như gót chân Achilles. Musk và Tesla từng nói rằng bề mặt siêu cứng của Cybertruck giúp xe chống trầy xước, thậm chí chống đ;ạn. Nhưng mọi vật chất đều có bản chất riêng, và có thể bị phá vỡ, hư hỏng. Và khi bị hỏng sẽ cần sửa chữa.

Tesla Cybertruck khác biệt với phần còn lại của ngành công nghiệp ôtô với thân xe bằng thép không gỉ. Ảnh: Milmilebattery
Tesla Cybertruck khác biệt với phần còn lại của ngành công nghiệp ôtô với thân xe bằng thép không gỉ. Ảnh: Milmilebattery

Bề mặt thép không gỉ dày 3 mm của Cybertruck là dạng lần đầu tiên trong toàn ngành công nghiệp ôtô – trừ mẫu DMC DeLorean được sản xuất vào 1981-1983. Ngay từ khâu sản xuất đã rất khác so với các sản phẩm khác, và cũng khó hơn.

Trong khi đó, các xưởng sửa chữa hiện nay đều chưa có kinh nghiệm cũng như thiết bị để đối phó với một chiếc xe làm từ vật liệu khác biệt như Cybertruck.

“Việc sửa chữa thép không gỉ là rất mới”, theo Josh Bengston, chủ của DeLorean Industries (Ohio, Mỹ). Hãng của Bengston đã sửa những chiếc DMC DeLorean và bán linh kiện cho các chủ xe này. Theo đó, việc sửa chữa thép không gỉ chỉ có ý nghĩa với các mẫu xe cổ và dành cho việc sưu tầm như DeLorean, khi linh kiện thay thế gần như không có.

James Espey – đứng đầu xưởng sửa chữa Classic DMC – tỏ ra đôi chút lạc quan hơn. Nhưng Espey cũng đồng tình rằng việc sửa chữa thép không gỉ không hề dễ dàng, miêu tả với những phương pháp cũ, như phải dùng đến cuốc chim và giũa, không phải là những thiết bị mà các xưởng hiện đại ngày nay hay dùng.

Đó cũng là một nghệ thuật khi phải mất nhiều thời gian hơn so với sửa chữa những hư hỏng của xe hơi thông thường. “Nếu bạn phải mất 8-9 giờ để cố sửa một thứ bị hỏng, tốt nhất nên mua mới”, Espey nói.

Những lo ngại về chi phí nhân công cũng được chia sẻ trên một nhóm ở Facebook, với rất nhiều thành viên là thợ sửa xe lâu năm cũng như mới vào nghề.

Chiếc Cybertruck từng chịu thử thách súng bắn thẳng vào thân xe, với những vết lỗ chỗ. Ảnh: Kesteloo
Chiếc Cybertruck từng chịu thử thách súng bắn thẳng vào thân xe, với những vết lỗ chỗ. Ảnh: Kesteloo

Thân xe của Cybertruck có thể được sửa cũng giống các mẫu DeLorean, nhưng câu hỏi lớn hơn là: các hãng bảo hiểm có chấp thuận chi trả cho những khoản sửa chữa có tiền công tốn kém hay không?

“Vì thế, có nhiều khách hàng thuê tôi để đấu với các hãng bảo hiểm, vì các hãng bảo hiểm không muốn trả cho những công việc giúp một chiếc Tesla trở lại tình trạng trước khi hư hỏng”, theo Billy Walkowiak, giám đốc điều hành của Collision Safety Consultants. “Riêng tôi nhận 10-15 vụ Tesla mỗi tuần”, Walkowiak cho biết.

Walkiwiak giải thích, rằng dù chưa thể hình dung chính xác điều sẽ xảy ra với Cybertruk, thì những quy trình sửa chữa xe Tesla vốn đã thiên về việc thay thế linh kiện hơn là sửa chữa.

Bên cạnh việc chỉnh lại phần cứng phức tạp và chi phí nhân công cao – vì chỉ thợ được Tesla cấp chứng nhận mới có thể sửa xe Tesla – thì tất cả đều rất đắt đỏ. Walkowiak chia sẻ hồ sơ bảo hiểm của một chiếc Tesla Model 3 với khoản tiền 22.000 USD, trong đó 14.000 USD là thay linh kiện.

Với Cybertruck, việc thay thế linh kiện cũng có thể gây ra một dạng rắc rối mới: Tesla có thể sản xuất đủ linh kiện hay không? Theo Espey, từng có tình trạng thiếu linh kiện cho các mẫu Model S, Model 3, Model Y và Model X, tức gần như mọi sản phẩm của Tesla.

Trong những năm tới, việc sửa chữa xe Tesla có thể sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, lúc này không khó để bắt gặp những chủ xe Tesla thể hiện sự phẫn nộ trên các kênh mạng xã hội, rằng việc sửa xe quá lâu, và có thể phải chờ đến 6 tháng.

Cũng giống những mẫu xe khác, Cybertruck có thể sử dụng đồ không chính hãng. Nhưng liệu có hãng cung ứng nào có khả năng sản xuất các tấm ốp thân xe bằng thép không gỉ hay không?

theo InsideEVs / vnexpress

Bán tải Mỹ Tesla Cybertruck chính thức ra mắt thế giới: Giá tăng “phi mã” so với cách đây 4 năm, chống đạn, nhưng gây thất vọng với số km/sạc

Với mức giá này, Tesla Cybertruck đã có giá cao hơn khoảng 20.000 USD (khoảng 480 triệu đồng) so với giá cách đây 4 năm, trong khi phạm vi hoạt động lại không hề ấn tượng như lời hứa trước đó.

Tesla Cybertruck cuối cùng đã xuất hiện, nhưng nó giống như “một miếng mồi nhử”. Mặc dù thiết kế phần lớn trung thành với bản concept được giới thiệu vào năm 2019, nhưng giá đã tăng vọt và một số thông số kỹ thuật không ấn tượng như hứa hẹn ban đầu.

4 năm sau ngày hé lộ lần đầu và 2 năm sau ngày “dự kiến đi vào sản xuất”, Tesla Cybertruck cuối cùng cũng đã ra mắt chính thức và bàn giao 10 xe đầu tiên tới khách hàng.

Tại lễ ra mắt diễn ra tại Gigafactory Austin (Mỹ), Elon Musk, CEO của Tesla, cho biết, mẫu bán tải mang thiết kế độc nhất vô nhị này sẽ được sản xuất với sản lượng nhỏ giọt. Từ năm 2025, dây chuyền sản xuất quy mô lớn của Tesla Cybertruck mới bắt đầu hoạt động.

So với phiên bản concept hé lộ hồi 2019, thông số chính thức của Tesla Cybertruck “thua thiệt” khá nhiều. Dù vậy, đây vẫn là một trong những mẫu bán tải nhanh và mạnh nhất thị trường.

Để chứng minh khả năng vận hành ấn tượng của Cybertruck, Tesla đã dùng mẫu bán tải này kéo theo một chiếc Porsche 911 mà vẫn về đích trước một chiếc Porsche 911 khác trong cuộc đua drag 400 m. Cả 2 chiếc Porsche đều thuộc thế hệ mới nhất (2023).

Phiên bản cao cấp nhất của Tesla Cybertruck được cho là có khả năng tăng tốc 0-96 km/h chỉ trong 2,6 giây, nhờ thế quãng đường 400 m trên có thể được chinh phục chỉ trong 11 giây.

Điểm nhấn kế tiếp của Tesla Cybertruck tới từ thiết kế. Dù khó có thể nói là bình thường hay bắt mắt, thiết kế này có hệ số cản gió 0,335 Cd (ngang Subaru Forester đời cũ).

Thân vỏ của Cybertruck được Tesla giới thiệu có độ cứng vững cao như siêu xe McLaren F1. Trước đó, CEO Elon Musk cũng tự mình chứng minh thân vỏ có khả năng chống đạn. Phần kính chắn gió được quảng cáo có khả năng chống đá ném vào.

Tesla không công bố bất cứ thông số nào khác liên quan tới công nghệ an toàn của Cybertruck. Chưa rõ xe có thể vượt qua các bài thử an toàn tiêu chuẩn của Bắc Mỹ chẳng hạn như của NHTSA hay IIHS hay không.

Tầm vận hành của Tesla Cybertruck, với kích thước quá khổ và khả năng khí động học thấp, có tầm vận hành thấp nhất là 550 km. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 800 km mà hãng hứa hẹn ban đầu.

Trong tương lai, hãng hứa hẹn có bản dung lượng pin lớn hơn mang lại tầm vận hành gần 760 km mỗi lần sạc. Dù vậy, trường hợp bản này bổ sung thêm pin đặt ở thùng chở hàng phía sau gần như loại bỏ hoàn toàn ưu điểm “là bán tải” của Tesla Cybertruck này.

Giá bán là điều khiến nhiều người tiêu dùng thất vọng. Xe ban đầu được CEO Elon Musk khẳng định là có giá khởi điểm dưới 40.000 USD. Tuy nhiên, phiên bản thương mại của Tesla Cybertruck có giá không thấp hơn 61.000 USD. Bản cao cấp nhất có tên Cyberbeast, giá khởi điểm 100.000 USD

Theo: carscoops

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Scroll to Top