Marcello Gandini – “Cha đẻ” của những thiết kế xe mang tính biểu tượng qua đời ở tuổi 85, CĐM: Vĩnh biệt một huyền thoại!

Marcello Gandini – "Cha đẻ" của những thiết kế xe mang tính biểu tượng qua đời ở tuổi 85, CĐM: Vĩnh biệt một huyền thoại!

Marcello Gandini là nhà thiết kế lừng danh của Ý, người đã phác thảo nên không ít những mẫu thiết xe mang tính biểu tượng cho đến ngày nay.

Marcello Gandini đã phác thảo nên một vài trong số những mẫu xe nguyên bản nhất lịch sử ngành thiết kế xe hơi. Khi còn đứng đầu tại studio thiết kế xe Ý, Stile Bertone, các thiết kế của ông gồm Lamborghini Miura, Countach và Diablo, với tạo hình độc lạ và cấu tạo phá cách đến nỗi mà vẫn giữ nguyên tính biểu tượng.

Ngày 13/3 vừa rồi, nhà thiết kế xe hơi vĩ đại Marcelo Gandini đã từ trần ở quê nhà Turin, hưởng thọ 85 tuổi. Đối với những người mê xe, thực sự rất khó để xếp hạng những cái đầu thiết kế mỹ thuật công nghiệp đã định hình ngành công nghiệp ô tô, vì mỗi người đều sẽ có một quan điểm riêng về vẻ đẹp mà những tác phẩm họ phác thảo ra, hay chính bản thân tầm ảnh hưởng của những nhà thiết kế ấy với cách thế hệ sau này thiết kế xe hơi.

Nhưng nếu có một cái danh sách 10 cái tên có tầm ảnh hưởng lớn nhất, chắc chắn sẽ phải có hai cái tên. Một là Giorgetto Giugiaro, và hai là Marcelo Gandini. Rồi đâu đó cũng sẽ hiện diện những cái tên khác, như Luc Donckerwolke, Chris Bangle, Battista Farina hay Frank Stevenson…


1968-Bertone-Alfa-Romeo-Carabo-Studio-Shot-01-e1639658525920.jpg

Nói không ngoa, thì chiếc xe concept mang tên Alfa Romeo Carabo, với cửa cắt kéo mở thẳng đứng ra mắt năm 1968 là một trong vô vàn những bằng chứng cho việc coi Gandini là một trong những, nếu không phải là nhà thiết kế xe hơi vĩ đại nhất lịch sử, theo quan điểm của nhiều anh em. Nhưng bên cạnh cánh cửa cắt kéo về sau ra mắt trên chiếc Lamborghini Countach, Gandini còn rất nhiều những thiết kế mang tính biểu tượng khác.

Marcelo Gandini sinh ngày 26/8/1938. Cha của ông là một nhạc trưởng dàn nhạc, nhưng Marcelo sớm thể hiện niềm đam mê với kỹ thuật và thiết kế. Khi ông mới 5 tuổi, cha của ông mua cho một bộ đồ chơi xây dựng tên là Meccano, những miếng kim loại mỏng gắn với nhau bằng bu lông ốc vít, chẳng khác gì những bộ lắp ghép mô hình kỹ thuật hồi anh em học tiểu học.

gettyimages-1087954142.jpg

Đến năm 18 tuổi, Gandini trở thành một thợ máy. Một người bạn nhà có điều kiện muốn đua chiếc Fiat OSCA 1500S đã nhờ Gandini làm việc để nâng cấp động cơ. Nhưng cùng với đó, Gandini còn quyết định sửa sang luôn cả những tấm vỏ xe bên ngoài. Dự án này chính là thứ giúp Gandini đến với thế giới thiết kế xe hơi.

Năm 20 tuổi, ông có thiết kế xe ô tô đầu tiên, rồi tới năm 1963, khi mới chỉ 25 tuổi, ông tìm đến Nuccio Bertone, giám đốc nhà thiết kế lừng lẫy Gruppo Bertone để xin việc. Nhưng có một người phản đối quyết định này, đó chính là Giorgetto Giugiaro. Hai năm sau, khi Giugiaro rời khỏi Bertone, Gandini ngay lập tức được nhận vào làm việc.

Chính Gandini là người thành lập phòng thiết kế Stile Bertone ở Caprie, Turin, vừa làm nhà thiết kế phác thảo những chiếc xe concept, vừa làm giám đốc trung tâm. Những hãng xe tìm đến Bertone để nhờ thiết kế những mẫu xe mới có lúc gọi đích danh cái tên Gandini, muốn ông thiết kế xe cho họ. Cuối cùng, sau 14 năm làm việc ở Bertone, ông đã có cho mình hơn 100 concept và thiết kế xe thương mại khác nhau.

Dự án đầu tiên tại Bertone của Gandini là tái tạo lại thiết kế vỏ xe để biến một chiếc Porsche 911 đời 1965 trở thành một chiếc Spyder mui trần, kết hợp hoàn hảo kỹ thuật cơ khí Đức với phong cách Ý. Chiếc này hồi năm 2018 được bán đấu giá, thu về 1.4 triệu USD.


161.jpg

Nếu như Giugiaro luôn ứng dụng những đường cong cực kỳ khêu gợi từ mũi xuống tới đuôi xe, thì những chiếc xe thiết kế hình nêm dần dần trở thành thương hiệu trứ danh của Gandini, bên cạnh cặp cửa cắt kéo.

Năm 1966, Lamborghini tạo nên lịch sử với chiếc Miura. Nếu như trước đó cũng đã có vài mẫu xe hơi với động cơ đặt ở giữa hai trục bánh xe, sau lưng ghế lái, như Bonnet Djet năm 1961, hay De Tomaso Vallelunga năm 1964. Nhưng Lamborghini là cái tên đầu tiên đặt một khối động cơ V12 cho thiết kế mid-engined. Miura trở thành tiêu chuẩn cho những chiếc siêu xe hay xe đua về sau, bất chấp tuyên bố của ngài Enzo Ferrari khi ấy, rằng “các anh thấy con ngựa kéo xe hay con ngựa đẩy xe?”

designer-of-the-day-marcello-gandini-jpg-jpeg.webp

Về phần Gandini, sau khi Lamborghini Miura ra mắt, BMW, Lancia và Ferrari lần lượt gõ cửa Bertone để mượn khối óc đầy sáng tạo của Gandini. Nếu như năm 1971, Lamborghini đã ra mắt chiếc mid-engined thứ hai thay thế cho Miura, Countach, thì mãi tới năm 1967, chiếc Dino với động cơ V6, khối động cơ do chính cậu con trai Alfredo của ngài Enzo nghĩ ý tưởng. Rồi đến năm 1973, Ferrari mới cho ra mắt Berlinetta Boxer với động cơ V12.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông cho rằng, thiết kế và công năng không bao giờ được phép tách rời nhau: “Có lẽ nó là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của việc thiết kế, và những dáng vẻ xe hấp dẫn nhất luôn luôn phải tuân theo công năng của chiếc xe.”

Stratos.jpg

Năm 1970, giữa thời điểm Gandini phác thảo ra chiếc Miura và Countach cho Lamborghini, ông tạo ra một thiết kế concept được coi là kinh điển: Lancia Stratos HF Zero. Concept này nhìn cứ như đến từ tương lai, hoàn toàn không giống phiên bản thương mại hay những chiếc Stratos trên đường đua rally.

Tài xế sẽ bước vào từ cánh cửa liền với kính cản gió trước ở mũi xe, lật vô lăng lên và bắt đầu lái. Để nhìn thấy mọi thứ phía sau, kính trước sẽ phải gắn thêm một cái gương. ngay trên tấm kính gần như nằm ngang của chiếc xe. Và tương tự như Lancia Stratos, Alfa Romeo năm 1968 cũng có một thiết kế concept khá tương đồng, chiếc 33 Carabo, cũng do Gandini chắp bút phác thảo.


screen-shot-2018-09-06-at-2-18-08-pm-1536257912.png

Âm hưởng của những chiếc xe cơ bắp đuôi fastback đến từ nước Mỹ cũng khiến Gandini thiết kế ra chiếc xe Montreal cho Alfa Romeo. Ấn tượng mạnh nhất với chiếc này có lẽ chính là dàn 4 chiếc đèn pha được che một phần bởi hai tấm màn chớp trên nắp capo. Ban ngày, nhìn chiếc xe cực kỳ hung hăng, nhưng khi cần mở đèn, hai tấm màn này thu lại, để đèn pha hoạt động như ý muốn.

Một chiếc siêu xe kinh điển của thập niên 1970, De Tomaso Pantera cũng là tác phẩm của Gandini:

De-Tomaso-Pantera-GT5-S-(7160836758).jpg

Còn bây giờ có lẽ phải nhắc tới thiết kế được coi là vĩ đại nhất, khó quên nhất của Gandini: Lamborghini Countach LP500. Những đường cong kết hợp với những góc cạnh sắc lẹm tạo ra cảm giác chiếc ô tô dường như được điêu khắc từ cả một phiến đá hoa cương, vừa uyển chuyển lại vừa cứng rắn. Gandini nhớ lại lý do chiếc xe được đặt tên là Countach:

“Khi chúng tôi làm ra chiếc xe để đem tới triển lãm, chúng tôi làm việc bất kể ngày đêm, để tránh mệt mỏi thì phải ngồi chuyện phiếm để giữ tinh thần. Có một người trong số chúng tôi, một gã khổng lồ cao hai mét, hai bàn tay to lớn, chỉ nói tiếng vùng Piedmont chứ không nói tiếng Ý. Thứ tiếng đó khác tiếng Ý rất nhiều, nghe hơi giống tiếng Pháp. Câu nói gã hay thốt ra nhất là ‘countach’, nghĩa đen là lây lan, nhưng thường dùng để diễn tả sự ấn tượng hoặc bất ngờ, giống như câu ‘trời ơi’ ấy.

Rồi thói quen đùa vui để giữ bản thân tỉnh táo của chúng tôi bắt đầu có liên quan, tôi nói rằng nên gọi chiếc xe này là Countach, chỉ đùa vậy thôi, để mô tả sự ấn tượng của con người với chiếc xe. Nhưng gần đó là Bob Wallace, thợ máy của xưởng. Nhờ Bob mà chiếc xe luôn có thể vận hành, kể cả là xe trưng bày ở hội chợ ô tô. Tôi hỏi đùa Bob Wallace xem giọng Anglo Saxon nói từ Countach như thế nào. Kỳ lạ thay là nghe thấy hay. Đấy là sự thật, là lý do vì sao chiếc xe được đặt tên như vậy.”


Countach.jpg

Ở bất kỳ góc độ nào, chiếc Countach cũng đều tạo ra cảm giác choáng ngợp. Dù nằm ở chính giữa chassis là khối động cơ V12, nhưng Countach lại có chiều dài ngắn hơn cả chiếc Miura. Không có một chi tiết thừa thãi ở bất kỳ góc nào, tất cả đều được thiết kế vô cùng cẩn trọng.

Nửa trên thân xe được định hình bởi 4 đường cơ bản chạy dài từ mũi xe xuống tận đèn hậu, tạo ra những đường cong nhờ việc thay đổi cả chiều cao lẫn chiều rộng thân xe, vừa đủ để tất cả động cơ, phụ tùng, nội thất và cả con người ngồi bên trong một cách gọn gàng. Mui xe cũng nằm gọn bên trong những đường cơ bản này, cong nhẹ nhàng để tạo ra điểm tựa cho hai bên cửa kính, cùng họng gió cấp không khí cho khối động cơ V12 bên trong.


countach-four-lines.jpg
Countach-Lined-Up.jpg

Cản sốc trước, cạnh đáy cánh cửa mở dạng cắt kéo, góc chéo của vòm bánh sau, và tâm điểm của hai bánh tạo ra một đường thẳng vô cùng cân bằng, tạo ra điểm tựa cho mọi chi tiết phức tạp ở nửa trên thân xe.

Vòm bánh xe với những đường cắt táo bạo về sau cũng trở thành thương hiệu của Gandini. Hai bên, hai họng gió NACA duct thuần túy là lựa chọn về mặt kỹ thuật và khoa học, một trong những yếu tố của trào lưu thiết kế hiện đại, hình dáng thuần túy phục vụ cho công năng.


lamborghini-countach-lp-500-reconstruction-on-track-posed.jpg

Suy cho cùng, Countach ấn tượng mà không quá lố. Những góc cạnh của chiếc xe được định hình với đam mê tốc độ và phong cách, vừa mang âm hưởng của nghệ thuật điêu khắc nhưng hình dáng lại vô cùng lạ lẫm.

Tưởng tượng cái thời điểm năm 1974, nhìn thấy chiếc xe ấy ngoài đường, làn khí nóng phả ra từ dàn 4 ống bô phía sau, còn hai cánh cửa thì mở ra với tiếng hơi của hệ thống thủy lực. Chắc chắn sẽ có cảm giác nó đến từ một thời kỳ khác, hay thậm chí là một thế giới khác.

Đến năm 1979, Marcello Gandini rời khỏi Bertone ra làm nhà thiết kế tự do, sau khi thiết kế biết bao mẫu xe cho Lamborghini, Maserati hay Detomaso. Nhưng trước đó, ông vẫn góp công tạo ra những chiếc xe trứ danh, bao gồm cả BMW Series 5 đời E12 năm 1972, trước đó là concept 2200ti Garmisch năm 1970.


1598893402728d9d4c2BMW-E12-5-Series-Sale-Results-Value-Price-Guide.webp

Một thiết kế rất được yêu mến khác của Gandini, thay vì những đường cong và dáng xe hình nêm, là chiếc xe với những góc cạnh như chiếc hộp, Renault 5 Turbo.

Chiếc hatchback ghi ấy được tạo ra để cạnh tranh với siêu xe của người Pháp đã giành chức vô địch giải đua French Supertouring Championship năm 1987, và chặng Monte Carlo của giải World Rally Championship năm 1981. Mà thậm chí Gandini còn từng chắp bút thiết kế ra chiếc xe tải Magnum cho hãng xe Pháp nữa.


Renault 5 Turbo single car page-22.webp

Sau khi nghỉ việc ở Bertone, Gandini cùng vợ, bà Claudia, thành lập đơn vị thiết kế Clama Srl. Họ làm việc với rất nhiều hãng xe khác nhau, từ Renault đến Maserati, rồi cả Nissan, Toyota và Subaru. Một vài chiếc xe dáng hộp kinh điển của thập niên 1980 được Gandini thiết kế chính là thế hệ đầu tiên của Volkswagen Polo và Citroën BX.


MRRRT-VW-Polo-L-01.jpg

Rồi tới năm 1990, một kiệt tác nữa của Gandini được ra mắt: Lamborghini Diablo. Những chi tiết đã giúp Lamborghini tạo ra được dấu ấn và cá tính riêng của họ, thông qua bàn tay của Gandini, vẫn hiện diện: Mũi xe dù vẫn nhọn nhưng đầy đặn và hung hăng hơn, kính chắn gió với góc nghiêng lớn, và đương nhiên là cặp cửa cắt kéo…


lamborghini-diablo-2161553.webp

Có một điểm tương đồng giữa Countach và Diablo, đó là những đường nét của hai chiếc xe này, khi đặt ở đúng thời kỳ chúng ra mắt, đều tạo ra cảm giác như một chiếc xe đến từ tương lai. Gọi chiếc xe này hoàn toàn do Gandini thiết kế thì cũng không công bằng với lịch sử, vì đã có hai lần thiết kế concept P132 được chỉnh sửa:


Tumblr-off232ymkM1ti77kbo2-1280.webp

Lần đầu tiên là lúc Chrysler nắm quyền điều hành Lamborghini, Tom Gale đã thêm vào những đường cong để chiếc xe bớt khù khoằm và mắc kẹt với thập niên 1980. Rồi tới khi Audi mua lại Lamborghini từ tay Chrysler, Luc Donckerwolke lại sửa thiết kế chiếc Diablo một lần nữa. Nhưng rồi cuối cùng, chiếc xe thương mại lại là thiết kế gốc của Gandini, với những thay đổi để khiến Diablo trông hầm hố hơn của Gale.

Thậm chí tới tận năm 2017, người đàn ông đến từ Turin vẫn chưa có dấu hiệu muốn ngừng làm việc. Ông hợp tác với Tata của Ấn Độ để thiết kế chiếc xe thể thao Tamo Racemo.


tata-motors-tamo-racemo-front-three-quarter-doors-open-1489570507107.webp

Mười, hai mươi năm nữa, có lẽ những tranh luận về việc giữa Gandini và Giugiaro, ai là người có tầm ảnh hưởng, tạo ra nguồn cảm hứng lớn hơn đối với những thế hệ nhà thiết kế xe sau này vẫn sẽ tiếp tục.

Nhìn danh sách những chiếc xe mà Giugiaro đã tạo ra dài hơn hẳn, mà thậm chí ông còn từng tạo ra những thiết kế gần như chẳng mấy liên quan, Nikon D800 năm 2012, chiếc mô tô Ducati 860 GT, hay khẩu súng ngắn Beretta U22 Neos năm 2002 chẳng hạn.

Nhưng nếu như Giugiaro, nhà sáng lập Italdesign ghi lại dấu ấn của bản thân trong lịch sử ngành thiết kế với sự thanh lịch và tao nhã trong từng đường cong trên một chiếc ô tô, thì Gandini lại ghi lại một dấu ấn táo bạo và phá cách.

Ở một chừng mực nào đó, chính khác biệt và dấu ấn của những chiếc Ferrari và Lamborghini trong giai đoạn từ 1960 đến 1990 cũng gắn liền với khác biệt về thiết kế giữa Giugiaro và Gandini. Ai hơn ai, điều đó phụ thuộc vào quan điểm cá nhân của từng người. Còn có một điều chắc chắn, là chỗ đứng của cả Gandini lẫn Giugiaro trong lịch sử thiết kế đã trở thành bất tử.

Tham khảo: tinhte / forbes

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Scroll to Top