Theo lời kể của anh Hải chủ nhân chiếc siêu xe Lamborghini Aventador tự chế, khi chế tạo xe thì kinh phí lên tới hơn 200 triệu đồng. Thậm chí, có thời điểm anh đã phải lấy cả tiền sinh hoạt của vợ.
Việc sở hữu một chiếc siêu xe Lamborghini Aventador tại Việt Nam có thể là ước mơ xa xỉ đối với số đông. Với giá trị vượt trội và sang trọng, chiếc siêu xe này có giá hơn 60 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ở một vùng quê thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, một chàng thợ ảnh tên Ngô Đình Hải đã biến giấc mơ này thành hiện thực bằng cách chế tạo ra bản nhái chiếc siêu xe Lamborghini Aventador phiên bản 1:1 của riêng mình.
“Hải Ngố” và Siêu Xe Lamborghini Tự Chế
Anh Ngô Đình Hải (43 tuổi), hay còn được gọi với biệt danh là “Hải Ngố”. Không chỉ là một thợ chụp ảnh cưới, anh Hải mà còn là người sáng tạo và chế tạo siêu xe độc đáo. Chiếc xe này không chỉ là sản phẩm tự chế đơn thuần mà còn là biểu tượng của sự đam mê ngấm vào trong máu anh.
Hành trình chế tạo của “Hải Ngố” không hề đơn giản. Anh đã bỏ ra 250 ngày để hoàn thiện chiếc siêu xe Lamborghini Aventador tự chế của mình. Từ ý tưởng trong đầu, anh đã tự học trên mạng, mày mò rồi tìm kiếm nguyên liệu để ra đời một “siêu phẩm” đẳng cấp.
Theo lời kể của anh Hải, do không được đào tạo chuyên sâu, việc cho ra đời chiếc xe đầu tiên đòi hỏi anh phải trả “học phí” bằng một số tiền không nhỏ, lên tới hơn 200 triệu đồng. Thậm chí, trong những thời điểm khó khăn về tài chính, anh đã phải đánh đổi, thậm chí lấy cả tiền sinh hoạt của vợ để dành cho niềm đam mê.
“Đôi khi, khi về nhà sau những buổi làm việc, tôi đã giấu tiền lương của mình trước vợ. Mọi lý do đều được đưa ra để có thể thỏa mãn đam mê chế tạo xe của tôi, từ việc lấy tiền sửa máy móc, đến cải thiện thiết bị âm thanh. Thậm chí, tôi đã từng ‘mượn’ cả tiền sinh hoạt của vợ để mua linh kiện. Nhưng mọi điều này đều để mang lại niềm vui và sự hài lòng cho tôi”, anh Hải chia sẻ.
“Hải ngố” , chủ nhân của chiếc siêu xe tự chế
Mặc dù được làm từ những vật liệu đơn giản như khung sắt và composite, chiếc siêu xe của “Hải Ngố” không hề kém phần hoàn hảo. Tất cả từ khung xe, thân vỏ, bánh xe, ghế da, đến động cơ…, đều được anh chế tạo rất chi tiết và tỉ mỉ. Thậm chí, động cơ của chiếc siêu xe này được làm từ động cơ xe… ba gác, điều mà chẳng ai có thể ngờ tới.
Cửa cắt kéo, một trong những đặc trưng của của chiếc xe đặc biệt này đã được chàng “kỹ sư chân đất” mô phỏng thành công. Mặc dù, chưa thể điều khiển từ xa để nâng hạ vì còn hạn chế về mặt kinh tế nhưng như thế đã là quá chất với trị giá của chiếc xe này.
Nếu nhìn thoáng qua, chẳng ai có thể phát hiện đây là chiếc xe Lamborghini phiên bản tự chế. Chiếc bánh xe của anh Hải có thể nhìn khá giống chiếc bánh xe vài trăm ngàn đô của hãng này. Chiếc ghế gaming với giá 1 triệu đồng 1 chiếc nhưng lại được anh biến thành ghế da của siêu phẩm Lamborghini này.
Lamborghini Aventador là biểu tượng của sự đẳng cấp và tốc độ với giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhưng với “Hải Ngố,” việc chế tạo một phiên bản tự chế có tỷ lệ giống đến 70% là một thành công lớn của bản thân mình.
Hành trình đầy đam mê
Ngoài chiếc Lamborghini tự chế, “Hải Ngố” còn sở hữu nhiều chiếc xe khác với nhiều hình dáng độc đáo. Từ khi bắt đầu chế tạo, anh đã tạo ra hơn 70 chiếc xe với nhiều kiểu dáng khác nhau. Đặc biệt, có một chiếc xe dài có thể chở đến 24 người, cho thấy sự đa dạng và sáng tạo trong công việc của “Hải Ngố.”
Trong năm 2019, anh Hải đã hoàn thành chiếc ô tô đầu tiên của mình sau hơn một nửa năm dành cho việc chế tạo, đôi khi thậm chí quên ăn quên ngủ.
Chiếc xe của anh trang bị động cơ điện, có 4 bánh xe, 2 ghế ngồi và một khoang chứa ở phía sau. Với chiều cao 1,2m và chiều dài 2,5m, chiếc xe này có khả năng di chuyển khoảng 40km sau mỗi lần sạc đầy.
Anh Hải chia sẻ rằng ban đầu, mình không nghĩ đến việc kinh doanh các mẫu xe do chính tay chế tạo.
Tuy nhiên, mọi thay đổi khi một người ở huyện Yên Định thể hiện sự quan tâm bằng việc muốn mua lại chiếc xe của anh với giá 12 triệu đồng để trưng bày. Từ đây đã mở đầu cho ý tưởng kinh doanh xe tự chế của anh.
Từ sau sự kiện đó, anh Hải đã phát triển ý tưởng sản xuất nhiều mẫu xe hơn để bán. Hiện tại, anh đã sản xuất hàng chục mẫu xe khác nhau, với mức giá dao động từ 25 triệu đồng cho mẫu rẻ nhất đến 50 triệu đồng cho mẫu đắt nhất. Có những chiếc xe mà khách hàng đặt hàng có giá lên đến cả trăm triệu đồng.
Anh Hải chia sẻ rằng mỗi chiếc xe do anh chế tạo đều được quảng bá thông qua việc người cháu chụp hình và chia sẻ trên mạng internet.
Sự phổ biến qua mạng xã hội đã giúp thu hút sự chú ý và sự ủng hộ từ cộng đồng, đồng thời tạo ra nhiều đơn đặt hàng. Chỉ tính riêng trong năm 2022, anh Hải đã bán được hơn 30 chiếc xe, thể hiện sức thu hút lớn từ công việc chế tạo ô tô tự làm của mình.
Những chiếc xe của “Hải Ngố” không chỉ là sản phẩm chế tạo đơn thuần mà là biểu tượng của niềm đam mê và lòng kiên trì. Việc anh chế tạo siêu xe không chỉ là để bán, mà còn để thỏa mãn niềm đam mê và tình yêu đối với ngành công nghiệp ô tô.
Theo Đời sống & Pháp luật / Kenh14
Ngoài Việt Nam và Mỹ, minicar VinFast VF3 nhiều khả năng sẽ được bán tại một quốc gia ĐNÁ khác: Đây là bằng chứng!
Nhiều khả năng, mẫu xe điện cỡ nhỏ minicar VinFast VF3 sẽ được bán tại Indonesia. Trước đó, nhiều đại lý tại Mỹ đã rất thích thú với mẫu xe điện VF3 này và muốn VinFast bán tại thị trường này.
Các tờ báo, trang tin hàng đầu ở Indonesia đồng loạt đưa tin VinFast đã đăng ký bản quyền kiểu dáng công nghiệp mẫu xe điện VF 3 ở quốc gia này. Hồ sơ do Cục Bản quyền và Kiểu dáng công nghiệp, Tổng cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Pháp luật và Nhân quyền Indonesia, ban hành.
Xe được đăng ký dưới tên Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh VinFast có trụ sở tại Thành phố Hải Phòng, Việt Nam. Từ hình vẽ trong hồ sơ, không khó để nhận ra đây là VinFast VF3.
VinFast VF 3 được đăng ký kiểu dáng công nghiệp ở Indonesia. Ảnh: Cục Bản quyền và Kiểu dáng công nghiệp Indonesia, VinFast.
VinFast VF 3 là mẫu ô tô điện mini, chung phân khúc với Wuling Air EV. Ở Indonesia, phân khúc ô tô điện mini đang được thống trị bởi mẫu xe đến từ Trung Quốc.
Cụ thể, trong năm 2022, Air EV đã bán được khoảng 11.000 xe, giúp Wuling chiếm lĩnh 75% thị phần thị trường ô tô điện.
So với Air EV, VinFast VF 3 dài hơn một chút (3.114 mm so với 2.974 mm). Xe có thiết kế 2 cửa, 5 chỗ ngồi. Thân xe nhỏ gọn nhưng cao và chắc chắn, khoảng sáng gầm lớn và được trang bị mâm hợp kim, tùy chọn kích thước 16 inch và 17 inch.
Đèn pha và gương chiếu hậu hình vuông cũng như logo chữ V trên dải LED cánh chim ở cản trước và cản sau là những nét nổi bật về ngoại thất.
Nội thất VF 3 được cho biết là thiết kế tối giản nhằm tối ưu không gian cho 5 người ngồi bên trong. Bản Plus có thêm màn hình giải trí trung tâm 8 inch.
Trước đó, có thông tin rò rỉ rằng, động cơ điện của VF 3 cho khả năng tăng tốc 0-100 km/h dưới 12 giây. Tầm vận hành tối đa 285 km theo tiêu chuẩn Trung Quốc, tương đương 237 km theo tiêu chuẩn châu Âu.
Song, VinFast chưa xác nhận thông số này và chưa hề cung cấp một cách chính thức các thông tin chi tiết về mẫu xe nhỏ nhất, rẻ nhất trong dải sản phẩm ô tô điện.
Đây không phải lần đầu tiên VinFast đăng ký bản quyền kiểu dáng công nghiệp tại Indonesia. Trước đó, hãng xe Việt từng đăng ký 2 mẫu xe xăng, VF e34 và VF 8.
Theo: Đời sống Pháp luật