Vừa nhận xe chưa đầy 1 tháng, xe điện BYD Atto 3 bị cháy cổng sạc, hãng xe từ chối bảo hành

Xe điện Trung Quốc BYD Atto 3 bị cháy cổng sạc, hãng xe từ chối bảo hành

Vào ngày 25/07/2024 tại Madurai, bang Tamil Nadu (Ấn Độ) có một chiếc xe điện BYD Atto 3 đang cắm sạc nhanh thì cổng sạc bất ngờ bốc cháy.

Theo thông tin chia sẻ trên diễn đàn Team-BHP, chiếc xe BYD Atto 3 này đã gặp vấn đề ở hệ thống an toàn, đặc biệt là cầu chì, dẫn tới việc xe bị cháy. Tuy nhiên, dòng điện không tự động ngắt khi sự cố xảy ra, khiến chủ xe phải can thiệp khẩn cấp bằng cách nhấn nút Thiết bị dừng khẩn cấp (ESD) trên trạm sạc để giảm thiểu thiệt hại.

Ngay khi sự việc xảy ra, chủ xe BYD Atto 3 đã thông báo tới BYD Ấn Độ và đại lý EVM Autokraft tại Kochi. Tuy nhiên, hai đơn vị này không có lời giải thích thỏa đáng mà đã chối bảo hành xe, dù chủ nhân của nó mới mua chưa đầy một tháng.

Được biết, chủ xe BYD Atto 3 này làm việc trong lĩnh vực năng lượng nên anh hiểu biết khá kỹ về điện, tự tin khẳng định rằng phản hồi của EVM Autokraft, Kochi và BYD Ấn Độ không thuyết phục.

Anh cho rằng, hãng cần tôn trọng quyền lợi bảo hành của chủ xe, bồi thường thiệt hại do sự cố và đảm bảo rằng sự việc tương tự sẽ không tái diễn trong tương lai thông qua việc áp dụng các biện pháp an toàn cao hơn và tăng cường kiểm soát chất lượng chứ không phải hành động chối bỏ trách nhiệm như thế này.

Dưới bài đăng của chủ xe trên diễn đàn Team-BHP nhiều người cũng tỏ ra bất bình trước hành động của hãng. Một số người đặt ra câu hỏi tại sao khi súng sạc bị lỏng mà dòng điện vẫn không ngắt. BYD cần có cơ chế đảm bảo an toàn cho người dùng và chỉ cho phép dòng điện hoạt động khi súng sạc cắm đúng chuẩn.

Trên thực tế, đây không phải trường hợp đầu tiên mẫu xe BYD Atto 3 bị cháy khi cắm sạc nhanh.

Trước đó, vào tháng 09/2023, một chiếc Atto 3 khác cũng đã từng bốc cháy trong quá trình sạc nhanh DC bên ngoài một siêu thị tại Thái Lan. Rất may mắn khi đó lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời để dập tắt đám cháy, tránh lây lan ra xung quanh.

Vì sao nhiều người bỏ “tiền tấn” mua siêu xe mà “để mốc” chẳng đi? | Tạp Chí Siêu Xe

Theo: Tuoitrethudo

Xe siêu sang Rolls-Royce Cullinan bị “bà hỏa” hỏi thăm khi đang chạy trên cao tốc, CĐM: “Còn đúng cái nịt”!

Chiếc xe siêu sang Rolls-Royce Cullinan có giá trị hơn 24 tỷ đồng đã bất ngờ bốc cháy khi đang đi trên đường cao tốc hướng về nhà ga T2 của Sân bay Bắc Kinh, Trung Quốc.

Cảnh quay từ hiện trường cho thấy ngọn lửa liên tục bùng phát từ gầm xe rồi nhanh chóng nhấn chìm chiếc xế hộp có giá 7 triệu nhân dân tệ (24,2 tỷ đồng) trong màn khói lửa dày đặc.

Mặc dù lính cứu hỏa đã phản ứng nhanh chóng ngay sau đó nhưng chiếc xe đã gần như bị phá hủy hoàn toàn, với thiệt hại nghiêm trọng ở cả khoang động cơ phía trước và phía sau. Nguyên nhân chính xác của vụ cháy vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra.

Theo chủ sở hữu, chiếc xe được mua với giá gần 8 triệu nhân dân tệ và đã được bảo hiểm đầy đủ. Bảo hiểm có thể chi trả từ năm đến sáu triệu nhân dân tệ tiền bồi thường.

theo: MXH

Rolls-Royce Cullinan – Âm thanh của sự tĩnh lặng

Tĩnh lặng cũng là một loại âm thanh. Đó là âm thanh của sự sang trọng tột đỉnh, thứ mà bạn sẽ được trải nghiệm với Rolls-Royce Cullinan.

Cuộc đua SUV siêu sang chưa bao giờ nóng đến vậy. Bentley được cho là mở đầu phân khúc xe siêu sang gầm cao, nhưng ngay sau nó là hàng loạt đối thủ nặng ký.

Đó là Mercedes-Maybach GLS650 với hàng ghế sau rõ ràng vượt trội so với Bentayga, Land Rover cũng tuyên bố kế hoạch trình làng Range Rover hoàn toàn mới cạnh tranh trực tiếp với những đối thủ đồng hương. Các đại diện thể thao hơn như Aston Martin DBX hay Lamborghini Urus rõ ràng cũng muốn ngoạm miếng bánh của Bentayga.

Chưa dừng lại ở đó, phân khúc SUV siêu sang lại càng thêm chật chội với sự xuất hiện của Rolls-Royce Cullinan. Đối thủ truyền thống của Bentley tất nhiên không muốn làm kẻ về nhì.

Cullinan là chiếc SUV siêu sang có kích thước lớn nhất, sở hữu động cơ lớn nhất, có khả năng cá nhân hóa đa dạng nhất và tất nhiên, đắt nhất phân khúc. Với sự xuất hiện của Cullinan, nhiều người đã đặt câu hỏi rằng liệu đây đã phải là “trùm cuối” hay chưa. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.

“Lái Rolls-Royce trên sa mạc là một trải nghiệm vô giá, không ngọc ngà nào có thể mua được” là câu nói nổi tiếng của đại tá Thomas Edward Lawrence. Chuyện kể rằng khi tham gia chiến dịch Great Arab Revolt chống lại đế quốc Ottoman, đại tá Lawrence đã dẫn đầu 1 đoàn 9 chiếc Rolls-Royce Silver Ghost tiến vào sa mạc.

Chiếc Rolls-Royce do chính ông điều khiển có tên Làn Sương Xanh (Blue Mist) và 8 chiếc Rolls-Royce còn lại đều được bọc thép. Trong hơn 3 năm tham chiến trên sa mạc, trải qua vô số cuộc đụng độ, cả 9 chiếc Rolls-Royce đều còn nguyên vẹn. Có thể thấy, sự bền bỉ của những chiếc xe Rolls-Royce được chứng minh bằng những cách cực đoan như vậy.

Đúng 100 năm sau, những chiếc xe siêu sang mang trên mình biểu tượng hai chữ R lại một lần nữa “đặt lốp” lên những đụn cát nóng bỏng ở Ả Rập. “Từ dãy núi Russian Steppe, đến rặng Indian Ghats, qua vạn dặm đường đèo dọc dãy Alps đến hoang mạc vô tận ở bán đảo Sinai, tất cả đều có vệt lốp của những chiếc Rolls-Royce cầm lái bởi những nhà thám hiểm lỗi lạc.

Lịch sử đã gọi tên và hôm nay, chúng tôi sẽ trả lời. Chúng tôi sẽ thỏa mãn yêu cầu của những nhà thám hiểm, những cá nhân xuất chúng thời hiện tại, đồng thời viết nên chương mới trong cuốn biên niên sử dày đặc những câu chuyện phi thường của Rolls-Royce. Câu trả lời của chúng tôi là Cullinan.”, Ông Torsten Muller-Otvos, CEO của Rolls-Royce Motors Cars tuyên bố.

Cái tên danh giá

Rolls-Royce Cullinan được đặt tên theo viên kim cương thô lớn nhất từng được khai thác vào năm 1905, được định giá hơn 2 tỷ USD và còn có tên gọi khác là “Ngôi sao Nam Phi”. Viên kim cương thô ngoại cỡ này đã suýt chút nữa bị … vất đi khi ông Frederick Wells, người vô tình tìm ra nó nhưng lại nghĩ nó là một trò đùa của đồng nghiệp. May mắn thay, ông đã soi kỹ cục đá lóng lánh nặng 621,35 g trên tay và sửng sốt nhận ra đó là kim cương thật! Khối lượng được chính thức ghi nhận của viên kim cương thô này là 3106,75 carat.

Hai năm sau, vào năm 1907, chính quyền thuộc địa Transvaal Colony đã mua Cullinan và tặng Vua Edward VII vào sinh nhật lần thứ 66 của ông. Viên kim cương này được chuyển đến Vương quốc Anh theo một cách rất thú vị. Một viên kim cương giả được đặt vào két sắt trên một chiếc tàu hơi nước chạy thẳng về London với tốc độ tối đa và không đón khách. Chiếc két được bảo vệ nghiêm ngặt bởi “một rừng” cảnh vệ hoàng gia.

Trước đó, người của hoàng gia cũng đã tung tin đồn rằng viên kim cương Cullinan sẽ được chuyển về Anh bằng đường sắt. Tuy nhiên, tất cả đó chỉ là đòn hỏa mù. Viên kim cương thật được đặt trong một gói bưu kiện không đề tên và được chuyển bằng đường bưu điện đến cung điện Buckingham, được nhận bởi một người thân tín của hoàng gia và chính người này cũng không biết mình đang cầm trên tay viên kim cương đắt giá nhất thế giới.

Sau khi đã về nước Anh một cách an toàn, viên kim cương thô Cullinan đã được đẽo gọt và tách ra làm 9 viên trong đó viên lớn được đính lên vương trượng còn viên thứ 2 nhỏ hơn được đính lên vương miện của Hoàng gia Anh. Dù đã hơn 100 năm trôi qua nhưng Cullinan vẫn giữ vững kỷ lục là viên kim cương thô lớn nhất thế giới.

Thiết kế đặc trưng

Rolls-Royce không hề gọi Cullinan là một chiếc SUV – Sport Utility Vehicle. Thay vào đó, họ gọi đó là chiếc “xe thân cao” (High-Bodied Car). Lý lẽ của họ cũng tương đối thuyết phục: theo Rolls-Royce, mọi chiếc SUV trên thị trường đều có thiết kế hai khoang – “two-box”, tức là nhìn theo phương ngang, chiếc xe có hai phần riêng biệt: phần khoang động cơ là một “box”, phần cabin và khoang hành lý gắn liền tạo thành “box” còn lại.

Theo đó, Cullinan là chiếc xe gầm cao duy nhất có thiết kế ba khoang – “three-box” tương tự như một chiếc sedan truyền thống: khoang động cơ, khoang cabin và khoang hành lý được ngăn cách rõ ràng.

Như vậy, theo quan điểm của Rolls-Royce, rõ ràng Cullinan không phải là một chiếc SUV! Dù nghe có vẻ hơi khiên cưỡng nhưng bằng thiết kế chẳng giống ai ai, hãng xe Anh có thể vỗ ngực tự hào rằng họ không hề theo đuổi trào lưu “nhà nhà SUV, người người SUV” mà ngay cả Lamborghini hay Ferrari cũng không thể cưỡng lại được.

Dạo quay một vòng chiếc Cullinan, không khó để nhận thấy chiếc HBC (high-bodied car!) này chẳng khác gì Phantom 8 gầm cao. Vẫn là thiết kế vuông thành sắc cạnh với các điểm nhấn đặc trưng của Rolls-Royce.

Đó là mặt ca-lăng bằng thép không gỉ có thiết kế được lấy cảm hứng từ đền Parthenon – thứ cần tới 5 giờ đánh bóng thủ công. Đó là cụm đèn pha laser và hai khe hút gió có thiết kế tương tự Phantom 8. Phần thân xe Cullinan cũng có thiết kế vuông vức với đường gờ chạy dọc thân xe, cột D dày dặn và cửa mở ngược Coach Door.

Cửa khoang hành lý có thiết kế 2 phần tương tự như Range Rover, hay nói đúng hơn là giống với những chiếc SUV của BMW. Điểm khác biệt là Rolls-Royce không để lộ 2 thanh thủy lực nâng đỡ cửa khoang hành lý giống như mọi chiếc SUV khác mà tích hợp luôn vào bản lề đỡ cửa.

Rolls-Royce cũng sẵn sàng cá nhân hóa khu vực cốp xe để phục vụ thú chơi tao nhã của chủ nhân Cullinan, dù đó là một bộ đồ nhiếp ảnh đắt tiền, một bộ đồ câu thửa riêng hay bất cứ thứ gì họ muốn.

Còn về kích thước thì sao? Rolls-Royce Cullinan to lớn hơn khá nhiều so với đối thủ trực tiếp Bentley Bentayga. Cullinan dài hơn Bentayga 193 mm, trục cơ sở cũng dài hơn tới 309,8 mm, mang lại không gian khoang sau rộng rãi hơn hẳn so với Bentayga. Cullinan cũng cao hơn 94 mm, dù có chiều ngang hẹp hơn 66 mm so với mẫu SUV Bentley.

Có lẽ bạn sẽ tự hỏi rằng liệu bước lên một chiếc xe cao như vậy có … khó không. Đừng lo lắng, vì ngay khi bạn ấn nút mở khóa, chiếc xe sẽ tự động hạ thấp 40 mm để bạn bước vào xe dễ dàng hơn. Từng chi tiết nhỏ như vậy cho thấy sự tinh tế của các kỹ sư Rolls-Royce.

Nội thất xa xỉ

Bước vào trong Cullinan, bạn sẽ không tìm thấy màn hình khổng lồ nào cả, thứ mà dường như cả Mercedes, Porsche hay Lexus đều “nghiện”. Thay vào đó là một thiết kế vô cùng quen thuộc, đến nỗi mà gần như bạn không thể phân biệt đâu là nội thất Cullinan, đâu là Phantom 8 nếu không nhìn kỹ.

Toàn bộ khoang cabin được bọc da Box Grain, một loại da hảo hạng được xử lý đặc biệt để chống nước hoàn toàn, đi kèm những loại gỗ quý được đánh bóng thủ công và xử lý 3D để khoe trọn vẹn những đường vân hảo hạng.

Nếu những lựa chọn tiêu chuẩn chưa thể thỏa mãn bạn, hãy yêu cầu Rolls-Royce cá nhân hóa chiếc Cullinan của bạn bằng bất cứ thứ gì bạn muốn. Những yêu cầu như bọc da cá sấu, da đà điểu hay thậm chí là da thỏ đều khả thi, miễn là ví bạn đủ dày.

Về sự tiện dụng và tiện nghi, bên cạnh khoang lạnh chứa sâm panh và những chiếc ly thủy tinh thủ công tuyệt đẹp, Rolls-Royce còn cung cấp lựa chọn khoang sau 3 chỗ ngồi hoặc 2 chỗ ngồi riêng biệt. Với ghế băng tiêu chuẩn thì hàng ghế sau có thể gập phẳng hoàn toàn để tạo ra một khoang chứa đồ phẳng hoàn toàn, thừa sức chưa một bức họa đắt giá của Rembrandt hay ký họa của Banksy.

Chiếc xe trong bài viết hôm nay là phiên bản 4 chỗ ngồi, đi kèm với tùy chọn cửa kính cách biệt với khoang hành lý phía sau. Như vậy, có thể thấy rằng chủ nhân của chiếc Cullinan này ưu tiên sự thoải mái của 4 hành khách trong xe hơn là khả năng chứa đồ.

Ngoài các chi tiết bằng gỗ và da thượng hạng thì đâu là điều đặc biệt của Rolls-Royce Cullinan? Đầu tiên là 4 chiếc cửa nặng như kim loại nguyên khối. Trong nhiều năm làm việc trong ngành xe, tiếp xúc với đủ loại xe trên đời, tôi vẫn thoáng giật mình với tiếng đóng cửa của Rolls-Royce Cullinan.

Nó cho cảm giác như tiếng đóng cửa két sắt ngân hàng hay một boong ke chống bom vậy, đầm chắc vô cùng! Bốn cửa đều có nút đóng được bố trí  ở gần vô lăng hoặc ở cột C cho người ngồi sau. Chỉ riêng chi tiết này cũng đã khiến Cullinan khác biệt so với phần còn lại rồi.

Tiếp theo là các cách họ vẫn duy trì những điểm nhấn mang đậm tính hoài cổ trong phần nội thất. Cụm đồng hồ sau vô lăng là màn hình LCD nhưng vẫn giữ thiết kế giống hệt với cụm đồng hồ cơ của các mẫu Rolls-Royce trước đó. Vô lăng vẫn là loại viền mỏng với cần số tích hợp vô cùng nhỏ nhắn và tinh tế.

Sự hoài cổ còn được thể hiện ở các cửa gió tròn bằng kim loại nguyên khối với van đóng mở dạng núm kéo “Organ Stop”, thứ mà bạn phải dùng khá nhiều lực để thao tác, đơn giản vì nó quá nặng! Tất nhiên, hệ thống điều hòa cũng không hiển thị nhiệt độ và mức độ gió, chỉ có các vòng tròn xanh đỏ. Chỉ có duy nhất Rolls-Royce mới có thể giữ được các nét thiết kế xưa cũ như vậy.

Thách thức tất cả

Ông Torsten Muller-Otvos, CEO của Rolls-Royce Motors Cars chia sẻ: “Yêu cầu của tôi đối với đội ngũ thiết kế và kỹ sư là rất đơn giản: Cullinan phải là chiếc Rolls-Royce của thế giới SUV. Để làm được điều đó, Cullinan phải lưu giữ mọi giá trị truyền thống của Rolls-Royce trong từng chi tiết nhỏ nhất. Đó là sự sang trọng tột bậc mà mọi chiếc Rolls-Royce đều phải có. Đó là sự êm ái hệt như bạn đang cưỡi một chiếc thảm bay lướt nhẹ trên mặt đất – mọi chiếc Rolls-Royce phải mang lại trải nghiệm này.

Đó còn là sự bề thế của chiếc xe – mọi chiếc Rolls-Royce phải có ngoại thất lấn át mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, ngoài những giá trị đó, Cullinan phải sở hữu khả năng vượt địa hình hàng đầu – giá trị cốt lõi của một chiếc xe địa hình. Cullinan sẽ cùng bạn đi đến mọi nơi một cách dễ dàng.

Chúng tôi ngụy trang Cullinan và cho nó đối mặt với những địa hình nguy hiểm nhất. Chiếc Cullinan phải hoàn thành chuỗi thử thách Final Challenge, phải chứng minh khả năng vượt địa hình, phải chinh phục những vùng đất hiểm trở nhất, phải chứng minh nó xứng đáng với cái tên Rolls-Royce trước khi được phép trở về quê hương của nó ở Goodwood.”

Hành trình của Cullian bắt đầu ngay tại Vương quốc Anh. Chiếc xe địa hình đầu tiên của Rolls-Royce rời khỏi nhà máy, đi qua thủ đô London và hướng tới Scotland, nơi nó thực hiện thử thách đầu tiên tại Cao nguyên Scotland.

Vùng cao nguyên Scotland là vùng địa hình khắc nghiệt nhất ở Vương quốc Anh. Nằm giữa Bắc Hải và Đại Tây Dương, những rặng núi nơi đây được tạc khắc bởi bàn tay của mẹ thiên nhiên trong hàng thế kỷ. Nơi đây như được sinh ra để trở thành “đất diễn” của Cullinan.

Một thử thách khó khăn khác là dãy Alps hiểm trở, nơi mà trong những ngày nắng đẹp, nhiệt độ vẫn lạnh tới mức âm 15 độ C và vào ngày trời xấu, bão tuyết dày đặc sẽ hạn chế tầm nhìn đến mức cùng cực. Những con đường hiếm hoi nơi đây cũng nằm lọt thỏm giữa những tán rừng thông đóng băng và hẻm núi hiểm trở. Chưa hết, ở một số nơi, lớp tuyết dưới chân bạn dày gần 2 mét.

Quả là nơi lý tưởng để chơi trò trượt tuyết cùng Cullinan! Từ dãy Alps ở nước Áo đến những núi cát khổng lồ ở sa mạc Ả Rập, Rolls-Royce Cullinan luôn sẵn sàng chinh phục mọi thử thách khắc nghiệt nhất. Các kỹ sư Rolls-Royce không chỉ đơn giản là chinh phục mọi thử thách được giao. Họ đã tạo ra thử thách cho chính mình: mang sự sang trọng của Rolls-Royce đến mọi nơi trên thế giới. Ngay cả giữa sa mạc, sự sang trọng của Cullinan vẫn được thể hiện dễ dàng.

Điều gì khiến Rolls-Royce Cullinan sở hữu khả năng off-road ấn tượng như vậy? Nền tảng khung gầm Architecture of Luxury chính là yếu tố cốt lõi khiến chiếc SUV này có hiệu năng đáng nể. Đây là khung gầm nhôm toàn phần kiểu space frame được thiết kế bởi các kỹ sư Rolls-Royce dành riêng cho Phantom VIII, Cullinan và mọi mẫu Rolls-Royce sau này.

So với Phantom 8, chiếc Rolls-Royce đầu tiên lắp ráp trên nên tảng này, thân xe Cullinan có độ cứng xoắn tốt hơn 30%, điều cần thiết để chiếc xe tự tin chạy off-road.

Trái tim của Cullinan là khối động cơ V12 6.75 lít chia sẻ chung với Phantom 8. Nó sản sinh 563 mã lực và lực mô-men xoắn cực đại 850 Nm đến ngay từ tua máy 1.600 vòng/phút. Lực kéo khổng này khiến chiếc xe nặng gần 3 tấn có thể lướt băng băng qua mọi loại địa hình một cách êm ái nhất.

Như thường lệ, sẽ chẳng có đồng hồ báo tua vòng động cơ ở trong xe. Rolls-Royce cũng không công bố khả năng tăng tốc lên 100 km/h của Cullinan. Với họ, khả năng tăng tốc chẳng hề quan trọng, miễn là nó vẫn “vừa đủ”.

Hệ thống treo khí nén với camera Flagbearer được gắn sau kính lái có khả năng quét và phân tích mặt đường nhựa hoặc địa hình phía trước và điều chỉnh độ giảm chấn của hệ thống treo một cách chủ động và độc lập.

Chưa hết, mỗi bánh xe còn sở hữu một hệ thống piston khí nén riêng biệt, không liên quan đến hệ thống treo. Các piston này được máy tính trung tâm điều khiển độc lập, có nhiệm vụ nhấn chặt bánh xe xuống mặt đường nếu cảm biến nhận thấy bánh xe đó đang mất lực bám.

Rolls-Royce Cullinan có khả năng lội nước sâu đến 540 mm, sâu hơn 40 mm so với Bentley Bentayga. Họ tuyên bố rằng Cullinan là mẫu SUV siêu sang có khả năng lội nước sâu nhất thế giới, nhưng dường như họ quên mất rằng Range Rover SVAutobiography có thể lội sâu 900 mm! Có lẽ trong mắt Rolls-Royce, Range Rover chưa hẳn là “siêu sang”.

Vậy khi hoạt động giữa định hình siêu phức tạp như trong lòng thủ đô Hà Nội thì sao? Trải nghiệm của tôi với Cullinan là rất hữu hạn nhưng chừng đó là đủ để thấy đây là chiếc Rolls-Royce dành cho người thích lái siêu SUV này hằng ngày.

Vô lăng nhẹ, treo khí nén êm ái vô cùng và nhất là hệ thống đánh lái bánh sau khiến chiếc xe này linh hoạt hơn nhiều so với ngoại hình khổng lồ của nó. Sự thanh thoát và nhẹ nhàng và khả năng cách biệt với thế giới bên ngoài khiến tôi muốn tự cầm lái chiếc xe này hơn là thuê lái xe. Tất nhiên, khi và chỉ khi tôi có hơn 40 tỷ để mua một chiếc Cullinan!

Kết luận

“Hãy đạt đến cảnh giới hoàn hảo với mọi thứ bạn làm”, đó là châm ngôn để đời của Ngài Henry Royce. Có lẽ nếu được tận mắt chứng kiến sự ra đời của Cullinan, ngài cũng sẽ hài lòng với những gì hậu thế đã, đang và sẽ làm với những chiếc xe mang tên ông. Cullinan đơn giản là chiếc Rolls-Royce của thế giới SUV, à quên, thế giới HBC (High-Bodied Car)!

Theo: Tuoitrethudo

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Scroll to Top