Xe siêu sang Rolls-Royce Spectre là chiếc coupe sang trọng đầu tiên của hãng xe Anh được trang bị động cơ chạy hoàn toàn bằng điện. Hãy cùng xem các chuyên gia nước ngoài đánh giá ra sao về mẫu coupe siêu sang thuần điện hàng đầu thế giới này.
Chỉ khi ngồi vào ghế lái, thắt dây an toàn, đạp ga và xoay vô-lăng chiếc Spectre thì bạn mới có thể công nhận điều này: Không phải Mercedes-Benz, Bentley, Ferrari, hay Tesla; mà chính Rolls-Royce mới là hãng xe tiến xa nhất trong công cuộc giải quyết những vấn đề mà một chiếc xe điện gặp phải, đồng thời tối đa hóa những ưu điểm của nó.
Và các kỹ sư của Rolls-Royce làm điều này tốt đến mức lượng đặt hàng xe Spectre đang tăng lên nhanh chóng, bất chấp thời gian giao hàng dự kiến kéo dài. Dường như ai cũng rất khao khát có được chiếc xe tương lai này, mà không một ai mảy may tiếc thương khối động cơ V12 huyền thoại đã đi vào dĩ vãng.
Xuất hiện trên đường, Spectre vẫn sẽ là một phương tiện di chuyển siêu sang trọng bậc nhất thế giới, thể hiện mức độ chịu chi và đẳng cấp vượt bậc của chủ nhân như tất cả các mẫu xe khác của nhà Rolls-Royce.
Vẫn sẽ là biểu tượng thiếu phụ bay bí ẩn Spirit of Ecstasy trên nắp ca-pô, cụm lưới tản nhiệt dạng dọc Pantheon đã thu nhỏ kích thước nhưng vẫn bảo lưu nguyên vẹn mức độ thẩm mỹ thượng thừa của biểu tượng quý tộc.
Dù thiếu vắng trái tim huyền thoại – khối động cơ V12 dung tích 6.75L bên dưới nắp ca-pô; nhưng cái hồn “mạnh mẽ Anh Quốc” vẫn còn hiển hiện rất đậm nét trên Rolls-Royce Spectre. Xe có khả năng tăng tốc từ 0 – 100 km/h trong 4,4 giây. Con số này so thì có vẻ khá khiêm tốn, bởi thị trường chứng kiến rất nhiều mẫu xe thuần điện hạng sang hiện nay chỉ mất khoảng 3 giây để làm điều tương tự.
Nhưng cần nhớ Rolls-Royce Spectre nặng tới hơn 2,8 tấn và dài hơn 5,4m – tức là nặng và dài hơn cả một chiếc SUV fullsize điển hình – như Chevy Tahoe. Và tất nhiên, cảm giác lái của chiếc Rolls-Royce Spectre cũng rất đặc trưng so với những chiếc xe thuần điện “hàng chợ” khác.
Một điểm nổi bật khi lái những chiếc xe EV thông thường, đó là khả năng cung cấp lực mô-men xoắn tức thời (gia tốc tăng tốc rất bốc, thậm chí có thể gây sốc – ngay nước ga đầu). Theo như Giám đốc Kỹ thuật của Rolls-Royce – Tiến sĩ Mihiar Ayoubi – thì hãng xe Anh Quốc cho rằng điều này không phù hợp với một mẫu xe như Spectre.
Điều mà Rolls-Royce mong muốn, đó là chiếc Spectre phải có một mức độ lỳ lợm nhất định khi đạp ga. Giống như một bản nhạc đủ cung bậc: phải có khúc dạo đầu nhẹ nhàng, rồi mới đến đoạn cao trào dồn dập. Hay giống như chiếc Cullinan sử dụng động cơ V12: khi tài xế đạp ga, chiếc xe sẽ lừ lừ tăng tốc và gia tốc sẽ được giữ ổn định, tạo cảm giác xe rất “lực”.
Quả thực, công suất 584 mã lực và 900 Nm trên chiếc Rolls-Royce Spectre thực sự đáng nể! Toàn bộ sức mạnh mà chiếc xe tạo ra, được Rolls-Royce “huấn luyện” một cách thuần thục và kỹ càng để chiếc xe có thể tăng tốc cực kỳ mượt mà. Ở mỗi cú đạp ga, người ngồi trong xe có thể cảm nhận được chiếc xe đang lướt đi với một tốc lực khủng khiếp; nhưng đồng thời lại cực kỳ vững chãi.
Hệ thống treo làm việc tuyệt vời, để mọi hành khách không hề có cảm giác bị giật nảy người, hay dồn cơ thể về sau theo lực quán tính – điều thường xuất hiện khi tăng tốc trên những chiếc EV hiện nay.
Và khả năng tăng tốc thì luôn đi đôi cùng với khả năng giảm tốc. Rolls-Royce Spectre tăng tốc như một chiếc xe mang biểu tượng Spirit of Ecstasy trên mũi xe; và giảm tốc cũng như vậy: cực kỳ êm! Xe không quá chú trọng tới khả năng thu hồi năng lượng, ngay cả khi tài xế chủ động chọn chế độ “B” trên cần số để tăng mức hồi năng. Và xe cũng không cung cấp chế độ lái một bàn đạp.
Thay vào đó, các kỹ sư Anh Quốc tập trung vào việc hoàn thiện trải nghiệm của bàn đạp phanh. Và kết quả là mọi thao tác dẫm chân phanh đều rất dễ chịu và êm ái.
Nếu chỉ để ngắt luồng tăng tốc một cách nhẹ nhàng, thì các hành khách có thể “đang dở tay nâng ly Sâm-panh, mà bọt trong ly cũng không bị vỡ.” Còn nếu giảm tốc đột ngột; mọi chuyển động của xe đều có thể được hành khách dễ dàng tiên đoán và không gây bất kỳ sự phiền hà nào.
Bên cạnh đó, dù êm ái nhưng chiếc Spectre thuần điện cũng không hề phát ra bất kỳ âm thanh tăng tốc nào như khối đội cơ vạm vỡ V12 tạo ra trên những chiếc Rolls-Royce khác. Và các kỹ sư Anh Quốc cũng đã nghiên cứu để đưa âm thanh động cơ giả lập lên xe; tạo không khí thân thuộc trên chiếc Spectre như mọi chiếc Rolls-Royce khác.
Tiến sĩ Ayoubi cho biết, các khách hàng của Rolls-Royce phản hồi rằng họ thực sự thích âm thanh mà khối động cơ V12 mang lại. Tuy nhiên, hành khách cũng có thể lựa chọn tắt hoàn toàn hệ thống âm thanh giả lập này để hưởng thụ sự tĩnh lặng trọn vẹn trên Spectre.
Đối với những mẫu EV thông thường, khối pin đặt dưới sàn sẽ giúp cải thiện tính khí động học, giúp xe vận hành ổn định – đầm chắc và giảm độ ồn. Còn trên Rolls-Royce Spectre, sự cải thiện này còn được đẩy tới một giới hạn xa hơn nữa.
Sàn xe và hệ thống pin được đệm thêm một lớp ngăn cách, cho phép các kỹ sư đi dây điện và bố trí các ống điều hòa một cách gọn gàng. Hệ thống pin cũng đồng thời đóng vai trò như một tấm cách âm khổng lồ dưới sàn và tạo ra một mặt sàn siêu mượt mà.
Rolls-Royce Spectre cũng được chú trọng khía cạnh khí động học hơn rất nhiều: phần mui xe đã được thiết kế cụp xuống, lưới tản nhiệt nhỏ hơn; phần thân – hông – đuôi xe được bóp lại để giảm khả năng cản gió. Và kết quả là Spectre sở hữu hệ số cản chỉ 0,25 Cd dù khuôn mặt của mẫu xe này vẫn bè ngang theo một phong cách “rất Rolls-Royce”.
Đây là một con số “cách mạng” khi so với mức 0,35 trên chiếc Phantom Coupe tiền nhiệm. Nó đã tiệm cận mức 0,2 Cd như trên Mercedes-Benz EQS hay Tesla Model S – những mẫu xe thiết kế “tròn ung ủng” – triệt để hy sinh vóc dáng để đổi lấy công năng tiết kiệm năng lượng.
Hệ quả của chỉ số cản gió tốt cộng hưởng với các vật liệu tiêu âm, đem đến cho Rolls-Royce Spectre một khoang nội thất thực sự tĩnh lặng. Nó không phải là sự yên lặng tuyệt đối; nhưng nó chắc chắn êm ái và yên lặng hơn bất kỳ chiếc xe nào khác trên đường.
Ngay cả khi chiếc xe sử dụng bộ vành siêu khủng lên tới 23 inch và bộ lốp cũng khổng lồ không kém với kích thước bề rộng mặt lốp tận 315mm; Rolls-Royce Spectre cũng “là phẳng” mọi tiếng ồn dù xe có đi qua ổ gà, gờ giảm tốc hay đoạn đường xấu.
Đằng sau những cảm giác êm ái tĩnh lặng tuyệt đối, hay khả năng tăng/giảm tốc vững vàng tuyệt đỉnh; Rolls-Royce Spectre cũng được cải thiện đáng kể về hệ thống khung gầm: độ cứng xoắn tăng tới 30%; hệ thống thanh chống lật chủ động hạn chế các lực tác động một bên có thể gây nghiêng xe và hệ thống đánh lái 4 bánh giúp xe cực kỳ linh hoạt khi ra vào điểm đỗ.
Trên thực tế khi vận hành ở tốc độ cao và những cung đường đèo núi ngoằn ngoèo, Rolls-Royce Spectre lại đem lại cảm giác lái đáng ngạc nhiên. Mặc dù thiếu vắng chế độ Sport, nhưng chiếc coupe thuần điện siêu sang đồ sộ và cực kỳ nặng nề nay lại phản ứng rất nhanh nhạy và chính xác với từng thao tác ôm cua của người lái.
Quỹ đạo chuyển hướng của xe đem lại cảm giác chắc nịnh, đầm lỳ và tạo được sự phấn khích cho người ngồi sau tay lái. Tuy nhiên vô-lăng đường kính lớn, cộng với kích thước viền lớn khiến cho thao tác cầm nắm dễ bị mỏi nếu phải đánh lái liên tục trong thời gian dài.
Trên Rolls-Royce Spectre, các kỹ sư Anh Quốc cũng lần đầu tiên loại bỏ hết đồng hồ cơ sau tay lái, thay thế vào vị trí đó là một màn hình full điện tử.
Ở giữa bảng táp-lô giờ đây cũng là một màn hình thông tin giải trí trung tâm dạng cảm ứng chạy hệ điều hành “Spirit” – mà thực tế không khó nhận ra là hệ điều hành iDrive7 trứ danh của BMW được làm lại giao diện sang trọng hơn.
Ngoài ra, Spectre không hiện đại hóa thêm bất kỳ chi tiết nào bên trong khoang nội thất, xét trên bình diện một chiếc Rolls-Royce: Da, gỗ và các chi tiết ốp kim loại vẫn được bọc tỉ mỉ đến từng góc cạnh trong cabin; thể hiện sự chỉn chu và đẳng cấp tột bậc của thương hiệu xe siêu sang hàng đầu thế giới.
Điểm duy nhất mà người viết có thể “bới móc” đó là phần lớn diện tích mặt táp lô trên Spectre vẫn chi là vật liệu piano đen bóng. Loại bề mặt này kém hấp dẫn và rất dễ để lại dấu vân tay. Với một chiếc xe có giá khởi điểm 420.000 USD, khách hàng có quyền khó tính và đòi hỏi nhiều hơn thế.
Tiếp đến, dựa vào vóc dáng Coupe “đặc sệt” của Rolls-Royce Spectre; nhiều người sẽ đánh đồng nó là một phiên bản điện của Wraith (dù thương hiệu Anh Quốc không hề khuyến khích điều này).
Phải đến khi trực tiếp sử dụng, có lẽ mọi người mới nhận thấy sự khác biệt. Mặc dù có cấu hình ghế ngồi 2+2 nhưng Spectre thực sự cung cấp một không gian ngồi thoải mái cho người lớn ở hàng ghế sau.
Cả không gian để chân lẫn khoảng sáng giữa đầu và trần đều khá rộng rãi để có thể di chuyển đường xa. Điểm trừ duy nhất là việc ra vào hàng ghế sau không được tiện lợi, vì phải dịch chuyển hàng ghế trước lên khá nhiều.
Còn ở hàng ghế trước thì miễn chê! Dù cao tới 1m8 nhưng người viết bài vẫn cảm thấy rất “mênh mông” khi ngồi vào vị trí lái. Tầm quan sát cũng rất thoáng nhờ các cửa sổ lớn.
Khi nhận xe đi test, chiếc Rolls-Royce Spectre này đã được sạc đầy và quãng đường di chuyển để test xe chỉ rơi vào khoảng 300 km. Do đó người viết bài không có quá đủ trải nghiệm để nhận xét về khả năng sạc hay thời lượng pin của xe. Theo thương hiệu siêu sang Anh Quốc, Spectre có thể di chuyển tới hơn 400 km sau mỗi lần sạc đầy.
Công suất sạc tối đa cho xe khi sử dụng bộ sạc nhanh một chiều là 195 kW – đủ để sạc từ 10 – 80% pin trong 34 phút – tương tự như các mẫu xe BMW. Nếu sử dụng bộ sạc 50 kW điện một chiều, thời gian sạc sẽ tăng gấp ba.
Còn với bộ sạc 22 kW sử dụng điện xoay chiều thông thường, thời gian sạc sẽ là 5,5 tiếng. Đây đều là những con số rất ấn tượng, bởi các mẫu xe điện thông thường sẽ mất khoảng 10 – 12 tiếng để có thể nạp được cùng mức năng lượng tương tự.
Và cuối cùng là mức giá. Rolls-Royce Spectre được niêm yết khởi điểm là 420.000 USD – tương đương hơn 10 tỷ VNĐ. Dù không được tiết lộ cụ thể, nhưng chiếc xe test xuất hiện trong bài viết ước tính có giá trên 500.000 USD (hơn 12 tỷ VNĐ). Tất nhiên, Rolls-Royce Spectre không chạy được xa và tăng tốc được nhanh bằng Lucid Air hay Tesla Model S – những mẫu EV đầu bảng hiện nay.
Nhưng đương nhiên, ai lại đem phấn bì với vôi, đúng không? Rolls-Royce thì vẫn luôn là Rolls-Royce và người sẵn sàng bỏ đủ số tiền ra để sở hữu một chiếc Spectre cũng thừa hiểu nó đem lại những giá trị vượt trội gì so với một chiếc Lucid hay Tesla.
Và để khẳng định lại một lần nữa, xin mạn phép dõng dạc tuyên bố rằng: Cho tới nay, chỉ có Rolls-Royce là thương hiệu xe hơi duy nhất trên thế giới có thể chế tạo ra một cực phẩm xe điện êm ái, tĩnh lặng và dễ chịu đến mức tuyệt hảo như Spectre. Quan trọng hơn nữa, Rolls-Royce Spectre đáp ứng được những mong muốn của khách hàng. Và đó chính là một sự thành công.
Xét vĩ mô, Rolls-Royce Spectre có thể được coi là một lời tuyên bố: chuyển sang xe điện không hề ảnh hưởng tới tính nghệ thuật, niềm đam mê và sự tỉ mỉ tới từng chi tiết – như nhiều người vẫn thường nghĩ. Spectre là sự kết thúc cho kỷ nguyên V12 huy hoàng; đồng thời chính là cánh cửa mở ra một thời đại mới.
Nguồn: InsideEvs.com / Tuoitrethudo
Bất ngờ với chủ sở hữu của 1 trong 3 chiếc Rolls-Royce Boat Tail – Siêu phẩm sang trọng chỉ 648 tỷ đắt nhất thế giới?
Rolls-Royce Boat Tail đến thời điểm hiện tại vẫn là mẫu xe đắt nhất thế giới khi có giá khoảng 28 triệu USD (khoảng 648 tỷ đồng) và chỉ được sản xuất giới hạn 3 chiếc.
Chỉ có 3 chiếc Rolls-Royce Boat Tail được sản xuất. Chủ sở hữu bao gồm vợ chồng Beyonce – Jay-Z, một tỉ phú ngọc trai không muốn tiết lộ danh tính và người thứ ba chính là Mauro Icardi, ngôi sao bóng đá đội Argentina.
Mauro Icardi lại trở thành tâm điểm chú ý. Nhưng lần này không phải vì đời tư ồn ào, mà là việc anh sở hữu chiếc Rolls-Royce cực hiếm – Ảnh: Expat Guide Turkey
Mauro Icardi là một cầu thủ lắm tài nhiều tật của làng bóng đá. Đời tư của anh ồn ào đến mức đã góp phần cản trở chính sự nghiệp của anh.
Dù vậy, tiền đạo này vẫn tích lũy được số tài sản trị 95 triệu USD cùng mức lương 6,6 triệu USD mỗi năm khi thi đấu cho Galatasaray. Đó là lý do cầu thủ 30 tuổi này có thể bỏ ra 26 triệu euro (27,9 triệu USD) để tậu được chiếc Rolls-Royce Boat Tail.
Rolls-Royce Boat Tail là xe mới đắt nhất thế giới (tính theo giá nhà sản xuất, không tính giá đấu giá như chiếc Ferrari 335 S Spider Scaglietti của Messi). Với khởi điểm 25 triệu USD, Boat Tail đã soán ngôi Voiture Noire của Bugatti (19 triệu USD khi trình làng năm 2019).
Chỉ có 3 chiếc được sản xuất. Một chiếc thuộc về vợ chồng nghệ sĩ tỉ phú Beyonce và Jay-Z. Một chiếc bán cho ông trùm ngọc trai nhưng danh tính của người này được giữ kín theo yêu cầu. Và đến gần đây, việc Mauro Icardi sở hữu Rolls-Royce Boat Tail mới được tiết lộ.
Phải mất bốn năm để lắp ráp thủ công tất cả 1.813 bộ phận của chiếc xe mui trần bốn chỗ. Mẫu này được trang bị những tính năng đặc biệt: ô che nắng, bàn có thể mở ra/thu gọn tự động, bộ dao kéo bằng bạc và đĩa sứ sang trọng. Chai rượu sâm panh có thể được giữ lạnh trong hai tủ lạnh trên xe.
Mẫu xe siêu sang này được trang bị động cơ V12, dung tích 6.75L, tạo ra công suất 563 mã lực và mô men xoắn cực đại 900 Nm.
Cả 3 chiếc đều sử dụng kiến trúc Architecture of Luxury của Rolls-Royce. Lưới tản nhiệt được làm từ nhôm nguyên khối. Nắp cốp sau là loại hai mảnh có bản lề tạo ra hình cánh bướm khi mở ra, bên dưới là bộ đồ dã ngoại siêu đắt đỏ.
Chỉ có 3 chiếc Rolls-Royce Boat Tail và không hề đụng hàng – Ảnh: Rolls-Royce
Nhưng mỗi mẫu xe cũng sẽ có những tính năng và trang trí độc nhất vô nhị theo yêu cầu của người đặt mua. Theo đó, nội thất của 3 xe sẽ khác nhau, nhưng đều sẽ được sử dụng loại da tốt nhất và những tính năng cao cấp nhất của Rolls-Royce.
Theo: tuoitre