Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ lần thứ 4 đối với ô tô lắp ráp trong nước, nhưng nhiều ý kiến cho rằng có thể “lợi bất cập hại” khi hiệu quả kỳ vọng không bù đắp được thiệt hại ngân sách lẫn các lợi ích vĩ mô khác.
Mới đây, Bộ Tài chính lại tiếp tục đưa ra đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước dự kiến áp dụng từ từ 1-8-2024 đến hết 31-1-2025. Nếu được Chính phủ ban hành thì đây là lần thứ 4 chính sách này được áp dụng nhằm kích cầu thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước.
Nhưng nhiều ý kiến cho rằng Bộ ngành liên quan cần xem xét lại hiệu quả của chính sách này, và tránh nguy cơ bị kiện vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Cần đánh giá, xem xét lại hiệu quả của chính sách giảm lệ phí trước bạ
Trước đó, Chính phủ đã 3 lần ban hành chính sách hỗ trợ với ô tô lắp ráp trong nước dưới hình thức giảm 50% lệ phí trước bạ từ năm 2020.
Cụ thể, lần đầu là Nghị định 70/2020, áp dụng từ ngày 28-6-2020 đến hết ngày 31-12-2020. Lần thứ hai là Nghị định 103/202 áp dụng từ ngày 1-12-2021 đến hết ngày 31-5-2022. Và lần thứ ba là Nghị định 41/2023 áp dụng từ ngày 1-7-2023 đến hết ngày 31-12-2023.
Lý do đưa ra chính sách này được Bộ Tài chính cho biết nhằm giúp các doanh nghiệp ô tô trong nước vượt qua khó khăn, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Đây là biện pháp tạm thời chỉ áp dụng trong thời gian 6 tháng.
Trong đề xuất lần thứ 4 này, dự kiến áp dụng từ 1-8-2024 đến 31-1-2025. Bộ Tài chính đánh giá tình hình ngành lắp ráp ô tô trong nước còn nhiều khó khăn. Sản xuất, kinh doanh suy giảm, doanh nghiệp cạn kiệt nguồn vốn.
Theo các đại lý kinh doanh ô tô, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước áp dụng kiểu ngắn hạn, đứt đoạn 6 tháng/lần.
Đáng nói, dự kiến, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước lần thứ 4 này nếu áp dụng có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước bình quân khoảng 867 tỉ đồng/tháng…
Anh Duy Thọ, Phó giám đốc kinh doanh hệ thống đại lý ô tô (quốc lộ 13, TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ lần đầu tiên, sau thời điểm dịch đã mang lại hiệu quả. Khi đó, doanh số bán hàng các đại lý ô tô tăng mạnh, kích cầu thị trường.
Tuy nhiên, 2 lần giảm 50% lệ phí trước bạ sau không mang nhiều hiệu quả, doanh số bán hàng không tăng mà còn giảm. Theo anh Thọ, thị trường hình thành thói quen là chờ đợi, Chính phủ ban hành chính sách giảm lệ phí trước bạ. Dù trong thời gian đó, để kích cầu, các hãng xe, đại lý cũng đã tung ra chính sách bán hàng hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua xe, thế nhưng khách vẫn tâm lý đợi ưu đãi từ Chính phủ để hy vọng các đại lý giảm thêm.
“Chính sự chờ đợi của thị trường lại đang gây khó cho thị trường ô tô vì chính sách áp dụng 6 tháng/lần, ngắn hạn. Thậm chí phải đợi vài tháng để dự thảo lấy ý kiến góp ý sau đó trình lên Chính phủ phê duyệt. Điều này khiến các đại lý kinh doanh ô tô cũng không chủ động trong kế hoạch kinh doanh, nguồn hàng sẵn để kịp giao xe cho khách”- anh Thọ chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Hệ thống đại lý kinh doanh ô tô Hiền Toyota (TP.HCM), cho biết doanh nghiệp không thể cứ trông chờ chính sách ưu đãi được mãi. Những lần giảm 50% lệ phí trước bạ trước cũng có không ít hãng xe lại cắt các gói quà tặng phụ kiện, chăm sóc xe, bù qua sớt lại thì khách hàng cũng không hưởng lợi gì nhiều.
Bà Hiền cho rằng Bộ ngành nên đánh giá xem xét lại hiệu quả của chính sách lần này có giúp kích cầu, có hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô trong nước nhiều không. Nếu không thì có thể tìm những giải pháp dài hạn khác và vẫn kích cầu tiêu dùng.
Vẫn có nguy cơ bị các nước kiện, cần giải pháp “đường dài”
Việc thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước được đánh giá là có ảnh hưởng đến thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ WTO và các FTA.
Theo các chuyên gia dù chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ áp dụng ngắn hạn 6 tháng, tuy nhiên, vẫn có nguy cơ bị các nước xuất khẩu ô tô vào Việt Nam khởi kiện đối với việc áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ chỉ dành cho ô tô lắp ráp trong nước của Việt Nam.
Chính Bộ Tài chính cũng cho biết, trong giai đoạn áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước theo Nghị định số 70 năm 2020, Nghị định số 103 năm 2021, Nghị định số 41 năm 2023, các nước có lợi ích xuất khẩu ô tô vào Việt Nam đã phản ánh việc Việt Nam đối xử không công bằng giữa ô tô lắp ráp trong nước với ô tô nhập khẩu.
Các đối tác này nhiều lần đề xuất gặp lãnh đạo Bộ Tài chính để trao đổi về nội dung này. Dù chưa có nước nào có động thái khởi kiện nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn hiển diện nguy cơ bị kiện, thậm chí nguy cơ đẩy các ngành xuất khẩu khác trước rủi ro bị trả đũa thương mại từ các nước.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, việc tiếp tục gia hạn thực hiện chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước 6 tháng có thể né được việc bị các nước kiện vì chính sách này không áp dụng dài hạn nguyên năm. Tuy nhiên, việc chính sách áp dụng nhiều lần có thể sẽ bị các nước “soi” vi phạm cam kết về hàng hóa giữa các quốc gia với nhau.
“Do đó, khả năng khiếu nại, khiếu kiện vẫn có thể xảy ra. Việc khiếu kiện chỉ nhằm mục đích chấm dứt các biện pháp đang được áp dụng. Nhưng hệ quả là ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh chung của nền kinh tế Việt Nam”- chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Minh Đồng, Việt Nam cần chính sách dài hạn để phát triển ô tô trong nước mà không vi phạm cam kết quốc tế như giảm thuế linh phụ kiện ô tô nhập khẩu về để lắp ráp ô tô trong nước. Vì hiện nay các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chủ yếu là nhập khẩu linh kiện về lắp ráp.
“Trước mắt muốn giảm giá thành ô tô lắp ráp trong nước thì giảm thuế nhập khẩu linh, phụ kiện áp dụng 5-10 năm chứ không chỉ 1-2 năm”, ông Đồng khuyến nghị.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Bùi Thanh Luân, chuyên gia ngành tự động hóa, cho rằng cần duy trì áp dụng chính sách ưu đãi cho những xe chạy bằng năng lượng tái tạo thân thiện môi trường. Đơn cử như xe điện chứ không thể áp dụng ưu đãi cho xe chạy xăng dầu, đi ngược lộ trình Net Zero của Chính phủ về việc giảm phát khí thải về 0% vào 2050.
“Như chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ 0% với ô tô điện quá ngắn, đến hết tháng 2-2025 sẽ chấm dứt. Vì theo quy định tại Nghị định số 10/2022 của Chính phủ, ô tô điện được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ lần đầu 0% trong 3 năm, tính từ ngày 1-3-2022. Ưu đãi quá ngắn vì thị trường ô tô điện Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển, chính sách ưu đãi 0% lệ phí trước bạ xe điện cần áp dụng phải từ 5 năm trở lên” – TS Luân góp ý.
Học Indonesia giảm thuế cho mẫu xe tỉ lệ nội địa hóa cao
Việt Nam cần học Indonesia về chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô khi áp dụng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cũng những các loại thuế phí khác đối với các mẫu xe mà doanh nghiệp đó có tỉ lệ nội địa hóa cao trên 40%.
Muốn đạt tỉ lệ nội địa hóa cao thì hãng xe đó phải đầu tư cho các công ty bản địa phát triển các sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô, buộc phải có tới 40% linh phụ kiện của mẫu ô tô đó được sản xuất tại Indonesia. Khi đó vừa giúp tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước, vừa thu hút các hãng ô tô đầu tư lâu dài, chuyển giao công nghệ để được giảm thuế, đồng thời giảm giá xe, thúc đẩy tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu.
Theo: plo