Đã xảy ra một số sự cố khi khách hàng lái thử chiếc xe điện đầu tiên của hãng điện thoại Trung Quốc Xiaomi, điều này khiến CĐM Trung Quốc nghi ngờ sản phẩm chưa hoàn thiện.
SU7 – mẫu ô tô đầu tiên của tập đoàn công nghệ Xiaomi – đã gây được tiếng vang, thu hút rất đông sự chú ý, “cháy hàng” chỉ sau thời gian ngắn mở bán. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện một số vấn đề trong dịp ra mắt xe.
Trước tiên là việc mẫu xe này quá “hot” khiến những khách hàng đặt mua xe phải chờ lâu hơn. Một số khách hàng cho biết họ đã không thể hủy đơn và lấy lại tiền đặt cọc sau khi bấm nhầm nút trên website của hãng.
Xiaomi SU7 được người tiêu dùng ở Trung Quốc quan tâm như vậy vì sở hữu công nghệ và tính năng vận hành ngang ngửa xe của Tesla và Porsche, trong khi giá bán lại rẻ hơn nhiều.
Dù có giá khởi điểm chỉ 215.900 nhân dân tệ (khoảng 740 triệu đồng), phiên bản tiêu chuẩn của Xiaomi SU7 có phạm vi hoạt động lên tới hơn 700km/lần sạc và công suất 295 mã lực. Điều đó khiến công ty nhận được 50.000 đơn đặt hàng chỉ trong vòng 27 phút sau khi mở bán và 88.898 đơn trong vòng 24 giờ.
Đó thực sự là kết quả rất ấn tượng của một màn ra mắt xe mới, nhưng lượng đơn đặt hàng quá lớn đang kéo theo một số vấn đề.
Theo hãng tin Reuters, khách đặt mua bản SU7 Pro (với phạm vi hoạt động 830km/lần sạc theo chuẩn CLTC) sẽ phải đợi từ 18 đến 21 tuần (tương đương 4-5 tháng) mới được nhận xe.
Tệ hơn, những ai đặt mua bản cao nhất – SU7 Max, được giới thiệu là có phạm vi hoạt động 800km/lần sạc và công suất 663 mã lực, sẽ phải đợi tới 30 tuần, tương đương 7,5 tháng, mới được nhận xe.
Những ai thấy phải đợi quá lâu và muốn lấy lại tiền cọc cũng gặp khó khăn. Theo trang Singtao, những người muốn hủy đơn đang khiếu nại rằng họ không thể đòi lại tiền cọc.
Xiaomi cam kết rằng số tiền đặt cọc 5.000 nhân dân tệ (hơn 17 triệu đồng) sẽ được trả lại trong vòng 7 ngày nếu khách hàng muốn hủy đơn. Tuy nhiên, khoảng 469 khách hàng yêu cầu lấy lại cọc cho biết công ty không tôn trọng chính sách này. Có vẻ như Xiaomi đang đổ lỗi cho khách hàng.
Công ty giải thích rằng khách hàng có thể hủy đơn trong vòng 7 ngày, sau đó tiền cọc sẽ không được trả lại. Tuy nhiên, thực tế là rất khó thực hiện thao tác hủy đơn trên website và khách hàng cho rằng Xiaomi cố ý làm như vậy.
Vấn đề cuối cùng, và cũng là lớn nhất, phát sinh trong dịp ra mắt xe SU7 là các cuộc lái thử, theo cả Singtao và Car News China. Ảnh chụp và video cho thấy tài xế bị mất kiểm soát khi lái thử xe đã bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội ở Trung Quốc.
Với một chiếc xe sở hữu công suất 663 mã lực và đạt được mô-men xoắn cực đại ngay từ khi xuất phát, có lẽ không ngạc nhiên khi một số người bị mất kiểm soát khi lái thử xe.
Tuy nhiên, một số người băn khoăn không biết các vụ tai nạn khi lái thử xe là dấu hiệu cho thấy hệ thống kiểm soát độ bám đường chưa hoàn thiện.
Lại có hình ảnh cho thấy dường như hệ thống treo khí nén của xe bị vô hiệu hóa, khiến gầm xe sập xuống.
Theo Carscoops / Dantri
CEO BYD: Xe điện và xe hybrid sạc điện đã bước vào “vòng loại trực tiếp”, khoảng thời gian hai năm tới sẽ quyết định nhiều thứ
Theo trang Electrek, ông lớn xe điện Trung Quốc BYD đang tìm cách đánh bại doanh số bán xe chạy xăng với nền tảng mới nhất của mình.
Phần lớn các mẫu xe của BYD đều được phát triển dựa trên nền tảng e-Platform 3.0, một hệ thống truyền động điện 8-trong-1 tiên tiến với pin Blade tích hợp.
Tuy nhiên, thời gian tới, BYD sẽ tiếp tục trình làng hệ thống DM-i thế hệ tiếp theo cho phép tăng phạm vi di chuyển của xe lên đến hơn 2.000 km. Dự kiến, nền tảng này sẽ được giới thiệu vào tháng 5/2024.
Bằng cách tự xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ sản xuất xe, pin, phụ kiện, BYD đã có nhiều lợi thế hơn phần lớn các đối thủ.
CEO BYD cho biết, ông tin rằng xe điện (EV) và xe hybrid sạc điện (PHEV) đã “bước vào vòng loại trực tiếp”. Khoảng thời gian hai năm tới sẽ là giai đoạn quan trọng đối với các nhà sản xuất ô tô để mở rộng quy mô, giảm chi phí và giới thiệu công nghệ mới.
Hiện nay, BYD đang áp dụng chiến lược “ngoại giao kết hợp với nội địa hóa” để mở rộng hoạt động sản xuất của thương hiệu.
Điều đó thể hiện qua việc BYD đang xây dựng một nhà máy ở Hungary với thông điệp “sản xuất tại Châu Âu, vì Châu Âu”. Nhà máy này được xây dựng với mục đích “gần gũi hơn với khách hàng, cung cấp khả năng giao hàng nhanh hơn và gia tăng sự tin tưởng từ người dùng.”
Trong năm 2024, BYD đặt mục tiêu sẽ bán ra 500.000 xe ở nước ngoài, gấp hơn hai lần so với mức 240.000 xe được giao vào năm ngoái. Dự kiến, đến năm 2025, con số sẽ tăng lên 1 triệu xe.
Chỉ mới gia nhập thị trường Nhật Bản từ năm ngoái nhưng hiện tại, BYD đã chiếm đến 20% thị phần nhập khẩu xe điện của nước này trong tháng 1, cạnh tranh gay gắt với Toyota.
Theo: Tuoitrethudo
Youtube nước ngoài dành lời khen “có cánh” khi đánh giá VinFast VF8: Có điểm Tesla nên học tập, thu hút lượt xem “chưa từng có” sau 1 ngày
Kênh Youtube có gần 1 triệu người theo dõi đến từ Mỹ này đã đăng tải một video đánh giá mẫu xe điện “made in VietNam” VinFast VF8 và chỉ sau một ngày clip đã thu về hơn 643.000 lượt xem cùng hơn 2.000 bình luận.
Reviewer Marques của kênh Youtube Auto Focus đã đưa ra đánh giá đối với mẫu VinFast VF8 dựa trên trải nghiệm và cảm nhận của cá nhân. Trong đó, có khá nhiều lời khen dành cho mẫu SUV điện “made in Việt Nam”.
Theo Marques, thiết kế ngoại thất của VinFast VF8 có một vài nét tương đồng với các mẫu xe điện của Fisker, nhưng vẫn mang dấu ấn riêng biệt. Trong đó, đầu xe được cho là thiết kế khá cầu kỳ.
Bên trong cabin, Marques bày tỏ sự hài lòng đối với thiết kế của VinFast VF8, từ chất liệu cho tới cách bố trí bảng điều khiển trung tâm. Đáng chú ý, Youtuber này còn cho rằng tính năng hiển thị kính lái là một điểm mà Tesla Model có thể học tập VinFast.
Tiếp đến Marques nhận xét VinFast VF8 có hàng ghế sau thoải mái, cung cấp không gian sử dụng vừa đủ với nhiều tiện ích như bệ tỳ tay, cổng sạc, giá để cốc,… Khoang hành lý của VinFast VF8 được Marques đánh giá cao vì khá rộng rãi.
Bên cạnh những lời khen trên, Marques cũng bày tỏ một vài điểm chưa hài lòng trên mẫu SUV này. Điển hình như camera sau hoạt động chưa thực sự “mượt” hay cảm giác lái cũng cần được cải thiện.
Kết lại, kênh Youtuber Auto Focus cho rằng VinFast là một hãng xe điện còn non trẻ, vì thế VF8 sẽ dần được cải thiện hơn trong tương lai.
Tại thị trường Mỹ, VinFast VF8 được phân phối chính hãng với hai phiên bản Eco City Edition và Plus City Edition với mức giá lần lượt là 49.000 và 56.000 USD.
Bên cạnh đó, hãng xe Việt Nam còn triển khai chính sách cho thuê xe với chi phí 399 USD (9,7 triệu VNĐ) mỗi tháng khi ký hợp đồng 3 năm, kèm theo số tiền đặt cọc là 4.594 USD (112 triệu VNĐ). Như vậy, tổng số tiền mà khách hàng cần chi ra để thuê xe là 527 USD (12,8 triệu VNĐ) mỗi tháng.
Theo: Tuoitrethudo