Thiếu mạng lưới bảo trì, sửa chữa, sản phẩm đã quá cũ và những phát ngôn thiếu kiểm soát của tỷ phú Elon Musk đang khiến người dùng Mỹ dần quay lưng với thương hiệu xe điện Tesla.
Mới đây, báo cáo của Cox Automotive cho thấy thị phần xe điện của Tesla tại Mỹ đã xuống dưới 50% trong quý II/2024 bất chấp doanh số bán xe điện toàn quốc tăng trưởng lên mức kỷ lục.
Cụ thể, thị phần của Tesla trong quý II chỉ còn 49,7%, thấp hơn nhiều so với mức 59,3% cùng kỳ năm trước, qua đó cho thấy đế chế nhà Elon Musk đang thất thế trước GM, Ford, Hyundai và Kia trong mảng xe điện.
Giảm tốc
Theo Cox, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, thị phần xe điện của Tesla tại Mỹ xuống dưới mức 50%. Đây cũng là bằng chứng mới nhất cho thấy Elon Musk đang mất dần vị thế kể từ khi Tesla của ông giới thiệu dòng xe Model S vào năm 2012 và thống trị thị trường xe điện suốt những năm sau đó.
Trước năm 2012, hiếm có hãng nào thành công với xe điện và Tesla của Elon Musk được cho là doanh nghiệp tiên phong kiếm được lợi nhuận từ mảng này.
Số liệu cho thấy doanh số bán xe điện tại Mỹ đã tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước, qua đó cho thấy sức hút của mảng này vẫn còn dù đà tăng đã giảm tốc. Tỷ lệ này là thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng hơn 40% của năm ngoái.
Trong quý II/2024, người dân Mỹ đã mua hoặc thuê hơn 330.000 chiếc xe điện, chiếm 8% tổng số ô tô bán ra hoặc được cho thuê trên toàn quốc. Tỷ lệ này cao hơn so với 7,2% cùng kỳ năm trước.
Cách đây vài năm, Tesla vẫn còn là ông lớn thống trị thị trường xe điện khi không có thương hiệu nào có thể so sánh về công nghệ, phạm vi hoạt động sau mỗi lần sạc của sản phẩm, chuỗi cung ứng, mạng lưới trạm sạc và chất lượng sản phẩm.
Thế nhưng trong năm vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp đã nhảy vào mảng này khi Mỹ-Trung chạy đua về công nghệ. Việc các hãng xe Trung Quốc vượt mặt Tesla trong mảng xe điện đã kích thích hàng loạt thương hiệu ô tô đầu tư cho xe điện nhằm tận dụng ngân sách hỗ trợ của Mỹ trong cuộc đua này.
Hiệp hội cải tiến ô tô (AAI) cho biết tại Mỹ đã có hơn 100 mẫu xe điện đa dạng các chủng loại. Thậm chí giá xe điện đã liên tục giảm khi chuỗi cung ứng được đa dạng hóa bởi nhiều sản phẩm, qua đó giúp người dân đại chúng tiếp cận được nhiều hơn với công nghệ mới.
Báo cáo của Cox nêu rõ sự cạnh tranh trong làng xe điện đang khiến giá giảm và ngày càng nhiều người Mỹ tiếp cận được với xe điện hơn bất chấp những thách thức vẫn còn trong mảng công nghệ mới này.
Nhiều khách hàng đã chấp nhận mua xe điện từ BMW hay Ford, những hãng ô tô truyền thống có mạng lưới cung ứng sâu rộng, uy tín thương hiệu nổi tiếng sau nhiều năm bán xe xăng. Dịch vụ hậu mãi, bảo trì và sửa chữa của những thương hiệu này cũng khá phổ biến, tạo sự yên tâm cho khách hàng khi mua xe điện.
Trái ngược lại, Tesla áp dụng mô hình bán hàng trực tiếp qua mạng khiến khách hàng gặp khó trong việc sửa chữa, bảo trì vì mạng lưới đại lý quá ít ỏi.
Vị vua đã già
Tờ New York Times (NYT) nhận định bên cạnh những bất cập về khả năng bảo hành, bảo trì và sửa chữa thì Tesla còn có điểm yếu chí mạng là sản phẩm của họ đã quá “cổ”.
Dòng xe bán chạy nhất của hãng là Model Y cũng đã ra mắt kể từ năm 2020 nên hiện giờ bị cho là “lạc hậu về công nghệ” so với tiêu chuẩn toàn ngành.
Sự bùng nổ nghiên cứu, đầu tư từ các doanh nghiệp, nhất là các hãng Trung Quốc đã khiến mảng xe điện phát triển từng ngày, biến những sản phẩm nổi tiếng của Tesla dần mất đi ưu thế công nghệ vốn có.
Những hãng xe như Hyundai, Kia được cho là ra mắt nhiều dòng xe điện mới hơn Tesla, có giá rẻ hơn và thiết kế đẹp hơn. Đó là chưa kể vô số hãng Trung Quốc không tiếp cận được thị trường Mỹ hiện nay cũng có sự cải tiến từng ngày và thậm chí vượt trội hơn sản phẩm nhà Elon Musk.
Sau khi có sự khởi đầu chậm, hãng GM nổi tiếng hiện cũng đang tích cực đổ tiền cho mảng xe điện. Dòng sản phẩm mới nhất Chevrolet Equinox của hãng được bán với giá chỉ 35.000 USD chưa tính khoản ưu đãi thuế 7.500 USD, rẻ hơn nhiều so với Tesla.
Tuần trước, Tesla báo cáo doanh số bán xe điện toàn cầu quý II/2024 đã giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước xuống chỉ còn 444.000 chiếc.
Dù hãng không công bố chi tiết doanh số từng thị trường nhưng theo ước tính của Cox, doanh số bán xe điện của Tesla tại Mỹ đã giảm 6,3% trong quý II xuống chỉ còn 175.000 chiếc.
Tệ hơn, việc Elon Musk liên tục có những phát ngôn bừa bãi trên mạng xã hội Twitter-X càng khiến khách hàng phản cảm và quay lưng với sản phẩm nhà Tesla.
*Nguồn: NYT / Đời sống & Pháp luật
Luôn gặp “sóng gió” kể từ khi ra mắt, “thùng tôn di động” Tesla Cybertruck vẫn thống trị thị trường Mỹ
Sở hữu thiết kế có phần lạ đời và liên tục gặp nhiều lỗi nghiêm trọng kể từ khi bàn giao nhưng “thùng tôn di động” Tesla Cybertruck vẫn đang thống trị thị trường Mỹ.
Kể từ khi ra mắt, Tesla Cybertruck đã thu hút sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng nhờ thiết kế đột phá và công nghệ tiên tiến. Mặc dù vậy, các vấn đề chất lượng từ quá trình sản xuất hàng loạt ban đầu đã dẫn đến nhiều đợt thu hồi. Tesla đã phải tiến hành nhiều đợt thu hồi trong nửa đầu năm 2024 để khắc phục các lỗi liên quan đến động cơ tăng tốc và hệ thống gạt nước.
Mặc dù những vấn đề này gây không ít phiền toái, nhưng Tesla đã nhanh chóng giải quyết chúng thông qua các bản cập nhật phần mềm OTA (Over-the-air update). Điều này cho thấy khả năng linh hoạt và ưu thế của Tesla trong việc duy trì và cải tiến chất lượng sản phẩm sau khi bán ra.
Tesla Cybertruck – mẫu xe bán tải điện gây tranh cãi ngay từ khi ra mắt với thiết kế táo bạo và những lời hứa hẹn đầy tham vọng – bất ngờ trở thành mẫu xe bán tải điện bán chạy nhất tại thị trường Mỹ.
Theo thông tin từ Qctt, tính đến ngày 6 tháng 6 năm 2024, hãng đã giao 11.688 chiếc Cybertruck cho khách hàng. Trước đó, vào giữa tháng 4, tổng số lượng Cybertruck được sản xuất và giao đến tay khách hàng là 3.878 chiếc. Từ đó đến đầu tháng 6, Tesla đã sản xuất và giao thêm khoảng 7.800 chiếc Cybertruck, nâng tổng số lên đến gần 12.000 chiếc.
Khi so sánh với các đối thủ cùng phân khúc, Cybertruck thể hiện sự vượt trội về doanh số. Ford F-150 Lightning, một trong những đối thủ nặng ký, chỉ bán được 7.902 chiếc tại Mỹ. Trong khi đó, GM Silverado EV và Hummer EV lần lượt giao được 2.196 và 2.929 chiếc. Rivian, một nhà sản xuất xe điện khác của Mỹ, đã giao 13.790 xe trong quý 2 năm 2024, trong đó mẫu xe bán tải chạy điện R1T ước tính bán được khoảng 4.000 chiếc.
Mặc dù gặp nhiều vấn đề về chất lượng do sản xuất hàng loạt dẫn đến nhiều đợt thu hồi, Cybertruck vẫn ghi điểm với khách hàng nhờ khả năng cập nhật phần mềm OTA liên tục để khắc phục lỗi và cải thiện hiệu suất.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp Cybertruck đạt được thành công là sự đón nhận nồng nhiệt từ khách hàng. Dù ra mắt muộn hơn so với Ford F-150 Lightning và Rivian R1T, Tesla đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nhờ vào sự linh hoạt trong việc cập nhật và khắc phục các vấn đề chất lượng thông qua phần mềm. Điều này giúp tăng cường lòng tin của khách hàng và thúc đẩy doanh số bán hàng.
Với đà tăng trưởng hiện tại, dự kiến Tesla sẽ tiếp tục bán được nhiều Cybertruck hơn trong nửa cuối năm 2024. Khả năng giải quyết nhanh chóng các vấn đề và cải tiến liên tục thông qua cập nhật phần mềm đã giúp Cybertruck duy trì vị thế dẫn đầu trong thị trường xe bán tải thuần điện.
Điểm mạnh của Cybertruck nằm ở khả năng cập nhật phần mềm OTA liên tục. Thay vì phải mang xe đến đại lý để sửa chữa, Tesla có thể giải quyết nhiều vấn đề cho khách hàng từ xa thông qua các bản cập nhật phần mềm. Điều này giúp giảm thiểu sự bất tiện cho khách hàng và thể hiện sự linh hoạt trong quy trình vận hành của Tesla.
Tesla Cybertruck không chỉ là một bước đột phá về công nghệ mà còn là minh chứng cho thấy khả năng thích ứng và cải tiến liên tục của Tesla. Mặc dù gặp phải nhiều thách thức về chất lượng, hãng đã nhanh chóng giải quyết và tiếp tục duy trì sự tin tưởng từ khách hàng.
Với doanh số ấn tượng và sự đón nhận nồng nhiệt, Cybertruck đã khẳng định vị thế là mẫu xe bán tải thuần điện bán chạy nhất tại Mỹ, mở ra tương lai đầy triển vọng cho dòng xe này.
Theo Đời sống Pháp luật