Tại sao ôtô Trung Quốc ‘Stereotype’ lại dám đối đầu với ‘ngũ hổ tướng’ siêu xe thế giới?

Trung Quốc là một quốc gia nổi tiếng với tài “sao chép” trên tất cả các lĩnh vực trong đó có ngành công nghiệp ôtô. Nơi họ ra cho mắt những chiếc xe Trung Quốc nhưng có kiểu dáng y hệt bản chính nhưng độ an toàn thì hoàn toàn không có.

Stereotype là cụm tiếng Anh trong nhiều trường hợp được dịch nghĩa là: khuôn mẫu, kiểu mẫu, đôi khi còn mang nghĩa định kiến.

Sắc thái ý nghĩa của cụm từ này thể hiện những hình ảnh, ấn tượng mà đa số người trong một cộng đồng (cộng đồng lớn hoặc nhỏ tùy nơi) cùng nghĩ tới về một đối tượng cụ thể. Điều này có thể đúng hoặc cũng có thể sai so với bản chất sự thật của đối tượng đó – nhưng quan trọng là cộng đồng đó “nghĩ như vậy”.

Ví dụ nhắc tới người Pháp, stereotype trong đầu nhiều người sẽ là: một anh chàng mảnh khảnh với bộ ria mép dài và xoăn tít, đầu đội mũ nồi, đeo khăn quàng cổ, mặc áo kẻ ngang đen trắng. Đôi khi, anh chàng đó cắp thêm chiếc bánh mỳ ba-gét, bên tay còn lại thì cầm ly rượu vang.

Bản chất từ stereotype không mang nghĩa tiêu cực cũng chẳng tích cực, nó chỉ phản ánh những gì một cộng đồng nhất định có cùng cách nghĩ.

Vậy, đi vào lĩnh vực ô tô, “stereotype” của xe Trung Quốc là gì?

Trước tiên mời bạn theo dõi những hình ảnh dưới đây.

* Cặp xe Range Rover Evoque và Landwind X7

Trong hai bức ảnh này, hai chiếc xe tưởng chừng như là “chị em”, là Range Rover Evoque và Landwind X7.

Chiếc Landwind X7 có lẽ không còn xa lạ gì với nhiều người tiêu dùng Việt Nam, thậm chí còn làm cả thế giới sửng sốt khi ra mắt bởi thiết kế “trùng hợp” nhiều phần với mẫu xe hạng sang Range Rover Evoque.

Chiếc Landwind X7 này thực tế không phải là mẫu xe duy nhất được nhiều người ghi nhận rằng có thiết kế hao hao giống với một mẫu xe nào đó đã từng xuất hiện trên thị trường.

* Độ bền của Brilliance BS6

Bên cạnh đó, ô tô Trung Quốc còn hay bị gắn với những lời than phiền, kể lể phản ánh chất lượng và độ bền không được cao cho lắm.

Những suy nghĩ này (stereotype) dường như không bị giới hạn trong lãnh thổ Việt Nam, mà có lẽ nó đã lan ra cả thế giới.

Hãng xe quốc doanh Trung Quốc nhập cuộc

Hai đặc điểm lớn nhất vừa rồi dường như đã thấm sâu và đậm trong suy nghĩ của không chỉ người tiêu dùng ở Việt Nam. Đối với Trung Quốc, mang danh một thị trường với toàn những thứ đồ mang “tai tiếng” có lẽ không phải cái họ muốn mang trên mình, và có lẽ cũng không phải là một cách phát triển bền vững.

Nhưng trong tương lai, câu chuyện này có lẽ sẽ sớm kết thúc. Trung Quốc đã sẵn sàng đối đầu với “ngũ hổ tướng” trong giới siêu xe như Rolls-Royce, Bentley, Bugatti, Ferrari và Lamborghini, và có lẽ sẽ còn đối mặt nhiều đối thủ hơn thế nữa.

Cách đây ít lâu, hãng xe Hồng Kỳ trực thuộc FAW (doanh nghiệp xe hơi có cổ đông là chính phủ Trung Quốc) đã giới thiệu tới toàn thế giới mẫu xe ý tưởng mà họ định vị sẽ “mặt đối mặt” với 2 tên tuổi lừng danh: Rolls Royce và Bentley.

So với chiếc Hồng Kỳ L5 phục vụ quan chức cấp cao Trung Quốc thường được nhận xét với đường nét thiết kế có phần giống Rolls Royce, chiếc xe ý tưởng Hồng Kỳ L-Concept đã có những đột phá mới.

Ở phần đầu xe, ta có thể thấy phong cách thiết kế đậm chất tương lai và lịch thiệp với cặp đèn pha lạ mắt, dải đèn LED định vị đặt phía dưới và lưới tản nhiệt trông quyền uy. Bên trong nội thất, chiếc xe chỉ bố trí 3 chỗ ngồi với 1 ghế lái và 2 ghế đơn kiểu thương gia phía sau.

Hồng Kỳ L-Concept thậm chí còn trang bị cả đèn chùm ở trên trần xe. Phải chăng họ đang muốn “lật đổ” tùy chọn bầu trời sao trên những chiếc Rolls Royce?

Chưa dừng lại ở phân khúc xe sang, FAW (công ty mẹ của Hồng Kỳ) còn hợp tác với công ty khởi nghiệp gốc Mỹ là Silk EV. Mục tiêu của màn hợp tác này được định vị là tạo nên những chiếc xe thể thao, siêu xe có đủ sức cạnh tranh trên tầm quốc tế.

Quyết tâm đưa ý tưởng này tới với hiện thực, liên minh này đã tuyển dụng Walter de Silva, nguyên là trưởng ban thiết kế của tập đoàn xe hơi lớn bậc nhất thế giới – Volkswagen.

Thành quả là họ đã có một chiếc xe với thiết kế khác biệt, vượt ra khỏi “stereotype” mà những chiếc xe gắn mác “made in China” mang trên mình nhờ công của, không ai khác, chính là Walter de Silva.

Đây là một chiếc siêu xe lai điện sử dụng động cơ V8, tổng công suất hãng xe công bố lên tới 1400 mã lực. Công suất “siêu khủng” này giúp đưa chiếc xe đạt 100km/h từ vị trí đứng yên chỉ trong 1,9 giây trước khi đạt vận tốc tối đa lên tới 402km/h.

Với công suất này, chiếc xe có dư khả năng cạnh tranh với các tên tuổi “lão làng” đẳng cấp cao hiện tại như Bugatti Chiron (1479 mã lực, 0/100km/h trong 2,3 giây), Koenigsegg Regera (>1500 mã lực, 0-100km/h trong 2,8 giây).

Cần biết, đến thời điểm này, Ferrari hay Lamborghini thậm chí còn không có mẫu xe thương mại nào có công suất và khả năng tăng tốc tốt như vậy!

Không chỉ dừng lại ở mặt thiết kế, liên minh này đã tiếp tục tuyển dụng cựu nhân sự cấp cao của Ferrari và BMW là Roberto Fedeli về phụ trách toàn bộ vấn đề kỹ thuật của chiếc xe.

Những chiếc xe mà Roberto Fedeli từng đảm nhận trách nhiệm khi còn làm ở Ferrari và BMW có thể kể tới là Ferrari 458 Speciale, Ferrari LaFerrari, BMW i8 Roadster.

Bên cạnh Roberto de Silva, Silk-FAW còn “mang về” nguyên giám đốc điều hành CEO của Ferrari là Amedeo Felisa, bổ nhiệm ông làm cố vấn.

Tạm kết

Với những động thái mạnh này, ta có thể thấy rằng ô tô Trung Quốc đã có những bước chuyển mình rõ rệt nhằm thoát ra khỏi những điều thế giới đang suy nghĩ về họ. Khi nhà nước đã có những động thái thay đổi, rất có thể các hãng xe tư nhân khác của Trung Quốc cũng sẽ có hành động tương tự.

Dường như chắc chắn rằng chỉ trong tương lai không xa, chúng ta sẽ chứng kiến sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực xe hơi. Điều này sẽ phần nào gây khó dễ tới không chỉ những “lão làng”, mà còn cả những thành viên non trẻ mới gia nhập.

Trên thực tế, cả hai mẫu xe nói trên vẫn chỉ mang thông tin tham khảo do nhà sản xuất nêu ra. Ảnh hưởng thực sự của chúng tới ngành công nghiệp ô tô nói chung cần nhìn vào thực tế khi những mẫu xe kia chính thức được thương mại hóa.

Hãy cùng chờ xem!

tham khảo: soha

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Scroll to Top