Những trường hợp người dùng ôtô bị kiện bởi nhà sản xuất trên đất Mỹ

Những trường hợp người dùng ôtô bị kiện bởi nhà sản xuất trên đất Mỹ

Kiện tụng là điều không ai mong muốn, tuy nhiên ngày càng nhiều những vụ kiện tụng giữa khách hàng và các hãng ôtô, tuy nhiên rất ít trường hợp người dùng là bên bị kiện bởi nhà sản xuất.

Theo Above The Law, mỗi năm tại Mỹ có hơn 15 triệu vụ kiện dân sự được tòa án tiếp nhận. Trong số đó, việc khách hàng phàn nàn và đưa nhà sản xuất ra tòa không có gì làm xa lạ. Ngược lại, có rất ít hãng xe hay công ty dịch vụ đệ đơn kiện khách hàng của mình.

Dưới đây là một vài vụ việc đáng chú tại Mỹ trong vài năm trở lại đây, khi hãng sản xuất hay nhà phân phối đệ đơn kiện khách hàng.

Bị kiện vì vi phạm điều khoản sử dụng

Đây có thể xem là vụ kiện hy hữu đáng chú ý nhất giữa hãng xe và khách hàng khi nó diễn ra với John Cena, ngôi sao đô vật và diễn viên nổi tiếng tại Mỹ. Cụ thể, John Cena đã chi ra 460.000 USD để sở hữu phiên bản đặc biệt của Ford GT.

Trong đó, nhà sản xuất yêu cầu khách hàng chỉ được bán chiếc xe thể thao sau 2 năm sử dụng để tránh tình trạng đầu cơ, bởi đây là mẫu xe được sản xuất giới hạn.

Tuy nhiên, Cena đã bán chiếc GT màu xanh của mình chỉ sau một tháng nhận xe và thu về một khoản tiền chênh lệch. Khi phát hiện ra vụ việc, hãng xe Mỹ đã đâm đơn kiện Cena vi phạm điều khoản hợp đồng lên tòa án liên bang ở Michigan.

Trong đơn kiện năm 2018, Ford đã đòi khoản bồi thường 75.000 USD và yêu cầu được mua lại chiếc GT để tìm kiếm người chủ mới có đủ đam mê với mẫu xe đặc biệt này.

Tất nhiên, Cena đã phủ nhận đơn kiện của Ford với lý do điều khoản quy định thời hạn bán lại xe của đại lý không rõ ràng. Sau đó, 2 phía đã đạt được thỏa thuận riêng để kết thúc vụ kiện.

Bị kiện vì dùng mạng xã hội tố cáo hãng độ xe

Cũng trong năm 2015 tại bang California, Saleen Automotive – công ty chuyên nâng cấp xe thể thao đã đệ đơn kiện Frederic Lambert.

Theo cáo buộc của Saleen, Lambert đã dùng tài khoản tên FredTesla trên diễn đàn Reddit và nhiều nền tảng mạng xã hội khác để đăng tải hơn 1.000 bình luận cũng như bài viết. Nội dung xoay quanh việc tố cáo công ty này lừa đảo khách hàng theo mô hình đa cấp. Lambert sống tại Canada và từng là khách hàng của Saleen trước khi xảy ra cơ sự này.

Saleen đã thu thập các bình luận, bài đăng bất lợi về công ty và in thành một tập tài liệu để gửi đến nhà của Lambert. Kèm theo đó là yêu cầu chấm dứt hành động đăng tải thông tin tương tự và một đơn tố cáo tội phỉ báng.

Theo chia sẻ từ Lambert, công ty Mỹ cho rằng các bình luận của anh gây ảnh hưởng xấu đến danh tiếng và giá trị cổ phiếu của Saleem. Sau cùng, vụ việc trôi vào quên lãng và không có vụ xét xử nào được diễn ra sau đó.

Bị kiện vì “nói xấu” trên trang đánh giá trực tuyến

Năm 2015, đại lý ôtô Zeibak Auto Trading ở bang California đã kiện Zaki Ibrahim, người đã mua một chiếc xe cũ tại đây.

Theo ABC Eyewitness News, Ibrahim mua ôtô đã qua sử dụng cho vợ nhưng không biết rằng chiếc xe gặp phải vấn đề kỹ thuật. Sau khi đưa xe trở lại đại lý để phản ánh, người khách hàng này đã bị bên bán phớt lờ.

Vì vậy, Ibrahim đã chọn trang đánh giá trực tuyến Yelp để “chấm điểm” như một cách phản ánh về chất lượng sản phẩm, dịch vụ của Zeibak Auto Trading. Phía đại lý đã gửi email yêu cầu Ibrahim gỡ bỏ bài đánh giá nhưng không được đáp ứng.

Điều này dẫn đến vụ kiện ở tòa án liên bang, trong đó đại lý ôtô cho rằng Ibrahim và gia đình anh ta đã nói xấu và bôi nhọ thương mại. Tuy nhiên, đơn kiện đó đã bị thẩm phán bác bỏ.

Tham khảo: Above The Law

Tạp Chí Siêu Xe tổng hợp

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Scroll to Top