Đảo ngược thời gian tìm hiểu lịch sử bộ lưới tản nhiệt ‘quả thận’ của BMW

Nhắc tới thương hiệu BMW, người ta thường nghĩ ngay tới những chiếc xe có lưới tản nhiệt đặc biệt.

Bộ lưới tản nhiệt tạo hình quả thận kép luôn là nét đặc trưng nhất trên những chiếc xe hơi của BMW. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, BMW đang nhận được rất nhiều ý kiến về thiết kế lưới tản nhiệt khổng lồ xuất hiện trên những mẫu xe mới như 4-Series, X7, iX và i4.

Bên cạnh những ý kiến tích cực, có số lượng lớn người hâm mộ tỏ ra không hài lòng với cách thay đổi này, thậm chí mong muốn BMW sẽ sử dụng thiết kế lưới tản nhiệt khác trên các thế hệ sau. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là thiết kế lưới tản nhiệt như thế nào mới thực sự phù hợp? Hãy cùng “lội ngược dòng” lịch sử thương hiệu xe sang nước Đức và điểm mặt những thiết kế lưới tản nhiệt đã từng được sử dụng.

Sự khởi đầu của thiết kế lưới tản nhiệt hình quả thận

Thuở sơ khai, những chiếc xe hơi đầu tiên của BMW hoàn toàn không sở hữu thiết kế lưới tản nhiệt hình quả thận như hiện nay. Lấy ví dụ như chiếc BMW 3/15 được sản xuất trong giai đoạn năm 1927 – 1929, với bộ lưới tản nhiệt thẳng đứng khá đơn giản được bao quanh bởi một đường viền mạ chrome tương đối dày.

Thiết kế lưới tản nhiệt kép hình quả thận chỉ thực sự xuất hiện vào năm 1933 khi hãng xe Đức cho ra mắt dòng sedan cỡ trung BMW 303. Đây là chiếc xe đầu tiên của BMW được trang bị động cơ 6 xy-lanh mã M78, với bộ lưới tản nhiệt kép cỡ lớn không chỉ đặt ra một cơ sở vững chắc cho một thiết kế đặc trưng của thương hiệu mà còn đảm bảo hiệu quả làm mát tốt nhất.

Nếu như có cơ hội được trông thấy một chiếc BMW 303, chắc chắn nhiều người sẽ thay đổi cái nhìn về bộ lưới tản nhiệt khổng lồ trên 4-Series thế hệ mới.

Đến năm 1936, mẫu xe BMW 326 và 328 lần lượt ra mắt với bộ lưới tản nhiệt kép tách biệt rõ ràng hơn và được tạo hình… quả chuối giúp đảm bảo tính khí động học và phù hợp với thiết kế thân xe mới. Đây cũng là thiết kế lưới tản nhiệt được BMW tiếp tục sử dụng trên các mẫu xe của mình trong 25 năm tiếp theo.

Vào những năm 1950, BMW giới thiệu mẫu sedan hạng sang 501 và 502 vẫn sở hữu thiết kế lưới tản nhiệt kép hình quả thận đặc trưng nhưng đã được thu hẹp chiều rộng lại. Sau đó là BMW 503 vẫn được định vị trong phân khúc sedan hạng sang với lưới tản nhiệt thu gọn đáng kể ở cả chiều rộng và chiều dài.

Cùng thời điểm đó, BMW cho ra mắt 507 Roadster nhưng có thiết kế khác biệt hơn, với lưới tản nhiệt kép hình quả thận hướng theo chiều ngang. Có thể coi BMW 507 Roadster là mẫu xe đặt tiền đề cho thiết kế lưới tản nhiệt mở rộng sang hai bên có mặt trên hầu hết dòng sản phẩm hiện nay của hãng xe nước Đức.

Không còn lưới tản nhiệt

Cũng trong thập niên 1950, thay vì chỉ tập trung vào sản xuất các dòng xe sang cho giới thượng lưu, BMW dần để tâm hơn đến những chiếc xe bình dân, giá cả phải chăng hơn để tiếp cận đến lượng khách hàng lớn hơn. Đây cũng là nguồn gốc ra đời của những chiếc xe hơi BMW không có lưới tản nhiệt, điển hình là BMW Isetta, BMW 600 và 700.

Cả ba dòng xe này đều được trang bị động cơ dung tích nhỏ, không có yêu cầu quá cao về khả năng làm mát. Do đó, BMW không còn phải bận tâm đến thiết kế bộ lưới tản nhiệt kép hình quả thận đặc trưng nằm ở đầu xe như trước đó.

Quay trở lại thiết kế lưới tản nhiệt đặc trưng

Đến thập niên 1960, BMW giới thiệu mẫu sedan thể thao hiện đại đầu tiên Neue Klasse 1961 quay trở lại với thiết kế lưới tản nhiệt kép hình quả thận tương đối bé, được bao bọc bởi hai tấm lưới rộng hơn chạy liền mạch qua cụm đèn pha.

Khác với bộ lưới tản nhiệt hình quả thận trên các mẫu xe trước đó chỉ đơn thuần được gắn vào đầu xe, từ những năm 1970, BMW dần biến nó trở thành một phần thiết kế riêng biệt. Bắt đầu từ bản concept BMW Turbo 1972 với bộ lưới tản nhiệt hình quả thận được đúc trực tiếp trên cản va trước, theo sau là BMW M1 1978, E31 8-Series coupe, Z1 hay thậm chí là Z8 sản xuất vào năm 2000.

Xu hướng mới

Cho đến tận ngày nay, bộ lưới tản nhiệt đã trở thành một chi tiết không thể thiếu, một dấu hiệu nhận biết xe hơi BMW. Trong khi vẫn sử dụng kiểu tạo hình quả thận đặc trưng, BMW đang cố gắng tạo ra điều khác biệt với những thay đổi trên bề mặt lưới tản nhiệt.

Lấy ví dụ như BMW i3 và i8 đều sở hữu bộ lưới tản nhiệt khép kín hoàn toàn chỉ có mục đích trang trí, bởi hai mẫu xe này được trang bị động cơ điện và không cần làm mát. Một số mẫu xe M Performance có đồ họa thiết kế lưới tản nhiệt dạng tổ ong, trong khi M3 và M4 sử dụng các thanh ngang thay vì thanh dọc truyền thống.

Đối với những phiên bản 2021, BMW đang có xu hướng mở rộng bộ lưới tản nhiệt hình quả thận về cả chiều dài cũng như chiều rộng. Sự thay đổi này đang gây ra những tranh cãi gay gắt đối với người hâm mộ BMW, nhất là khi bộ lưới tản nhiệt khổng lồ này chiếm đến chiếm khoảng ⅔ diện tích của phần đầu xe (4-Series 2021).

Dẫu vậy, BMW dường như đang có một suy nghĩ hoàn toàn khác khi chưa đảm bảo sự nhất quán trên toàn bộ dòng sản phẩm – minh chứng rõ nhất là ở phiên bản 2-Series sắp ra mắt đang đi theo một hướng thiết kế bảo thủ hơn.

Theo: Carscoops

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Scroll to Top