Cầm lái siêu xe tại Việt Nam: Trải nghiệm tốt nhất vẫn là trên đường đua, vì sao?

Những chiếc siêu xe chỉ có thể phát huy hết khả năng khi được đặt vào đúng vị trí mà nó cần có, và đường đua là nơi có thể thực hiện điều này.

Chúng ta không quá khó bắt gặp hình ảnh một chiếc siêu xe thể thao trên đường phố. Chúng thường có thiết kế thu hút và xuất hiện cùng với những âm thanh ồn ào. Tuy nhiên thứ giá trị nhất của một chiếc siêu xe là tốc độ, thì hiếm khi nhìn thấy hay trải nghiệm được.

Và để có thể cảm nhận giá trị của một chiếc siêu xe, tôi đã tham dự sự kiện lái McLaren trên đường đua Sepang tại Malaysia. Đây là một sự kiện dành cho khách hàng tại Singapore cũng như Việt Nam đang và chuẩn bị sở hữu những chiếc siêu xe.

Sepang là đường đua quen thuộc tại khu vực Đông Nam Á bên cạnh đường đua Chang ở Thái Lan. Tôi sẽ lái những chiếc McLaren trên đường chạy dài nhất tại Sepang, nơi các tay đua MotoGP hay Formula 1 (trước 2018) tranh tài.

Cảm giác lái tạo nên siêu xe

Là một tay đua go-kart và đã từng trải nghiệm một số mẫu xe thể thao ở phân khúc entry-level như Subaru BRZ, tôi rất chờ đợi việc điều khiển siêu xe ở tốc độ cao, đặc biệt là trên đường đua.

Đơn giản, tôi muốn tìm hiểu xem liệu so với những chiếc go-kart chuyên nghiệp mà tôi từng chạy trên đường đua, thì những chiếc siêu xe đắt hơn hàng trăm lần có gì khác biệt, và vì sao nhiều người lại bỏ ra số tiền rất lớn để sở hữu chúng.

Giống như mọi giải đua hay các chương trình trải nghiệm lái xe, trước khi bước lên xe, chúng tôi được tham gia một buổi họp ngắn. Chuyên gia cung cấp cho chúng tôi các thông tin cần thiết về sơ đồ sân đua, lối ra và vào pit lane, tín hiệu đèn/cờ…

Sau 5 phút họp, chúng tôi bắt đầu di chuyển xuống khu vực đỗ xe. Những mẫu siêu xe đã được xếp sẵn giống như mọi giải đua tôi từng tham gia. Khác biệt lớn nhất là ở giá trị, khi chừng ấy mẫu xe sẽ có giá hàng trăm tỷ đồng.

Chiếc xe đầu tiên tôi trải nghiệm là McLaren Artura. Đây là siêu xe được mở bán tại Việt Nam cách đây không lâu, giá bán từ 14,7 tỷ đồng, là dòng xe dễ tiếp cận nhất trong gia đình McLaren.

Với những cuộc đua go-kart, tôi được trang bị giáp bảo hộ, giày và găng tay, tất nhiên không thể thiếu mũ bảo hiểm. Trong lần trải nghiệm siêu xe này, tôi không phải trang bị quá nhiều đồ bảo hộ, tôi được cung cấp một mũ trùm đầu và một mũ bảo hiểm loại dành cho đua ôtô.

Vòng đầu tiên, tôi ngồi ở ghế phụ và người cầm lái là chuyên gia lái xe đến từ Singapore. Người này hướng dẫn tôi về trường đua Sepang, về sơ đồ chạy và tất nhiên là racing line (đường chạy trên trường đua, nơi tôi đặt bánh xe để tăng tốc hay vào cua), điều tối quan trọng khi chạy xe trên đường đua. Tôi đã có sẵn kiến thức về racing line nhờ thời gian tham gia đua go-kart, cộng với việc đã đua giả lập rất nhiều trên đường đua Sepang, nên không quá bỡ ngỡ.

Thứ tôi chờ đợi là được cầm lái một chiếc siêu xe thực thụ và cảm nhận sự khác biệt so với bất cứ mẫu xe nào tôi đã từng cầm lái. Hết vòng đầu tiên, tôi chuyển sang vị trí cầm vô-lăng và bắt đầu lăn bánh ra khỏi pit lane.

Tầm nhìn thấp là ấn tượng đầu tiên của tôi khi điều khiển siêu xe, cảm giác này gần giống ngồi lên những chiếc go-kart nhưng không gian xung quanh có nhiều thứ hơn như màn hình, cần số… So với go-kart, rõ ràng tầm quan sát của tôi hạn chế hơn đáng kể. Bù lại, tôi được “bao bọc” kỹ hơn trong một chiếc ôtô, và không phải chịu gió, chịu mưa giống như go-kart.

“Đạp hết ga đi”.

Chuyên gia lái xe đến từ Singapore nói với tôi khi bước vào đoạn đường thẳng dài nhất sân đua. Khối động cơ V6 3.0L gầm rú lớn khi tôi tăng tốc, chỉ trong vài giây, tôi đã đạt tốc độ hơn 190 km/h trước khi đến điểm phanh để vào góc cua tiếp theo.

Dùng tất cả lực chân để đạp phanh, tôi đưa chiếc xe từ tốc độ 190 km/h xuống khoảng 60 km/h trước khi đánh lái vào góc cua phía trước. Lúc này người tôi bị ghì chặt lại bằng dây đai an toàn.

Hệ thống treo của siêu xe rất cứng, chiếc xe phản ứng nhanh mỗi khi tôi đánh lái, phần thân xe gần như không nghiêng khi vào cua ở tốc độ cao giúp tăng thêm độ ổn định. Những điều này gần như không thể tìm được trên những chiếc xe thông thường.

“Bạn làm tốt lắm, thử một chiếc xe mạnh hơn nhé”.

Sau khi tôi hoàn thành 2 vòng chạy với Artura, chuyên gia lái xe muốn tôi cầm lái McLaren 720S, mẫu siêu xe có giá trên 20 tỷ đồng tại Việt Nam. Chiếc McLaren 720S tôi điều khiển dành cho thị trường Singapore nên vô-lăng đặt bên phải, khiến tôi gặp đôi chút bối rối, tuy nhiên chạy trong sân đua khép kín thì đây không phải là vấn đề quá lớn.

Lúc này trời bắt đầu đổ mưa, đồng nghĩa với việc tôi phải chạy từ tốn lại và thay đổi racing line. Chạy đường ướt yêu cầu người lái phải đạp ga và phanh nhẹ nhàng hơn, hướng vào cua cũng khác với thông thường nếu không muốn chiếc xe bị xoay vòng do mất độ bám.

Dù không thể trải nghiệm được toàn bộ sức mạnh của khối động cơ V8 4.0L mạnh hơn 700 mã lực do điều kiện thời tiết, chiếc siêu xe này cũng khiến tôi bị bất ngờ. Tôi thử đạp ga sớm trước khi ra cua và cảm nhận rõ phần đuôi bị văng do dư lái, tuy nhiên 720S nhanh chóng lấy lại kiểm soát nhờ hệ thống kiểm soát lực kéo. Nếu tắt TCS và không có kinh nghiệm xử lý, hậu quả sẽ khó lường.

Bài học đối với tôi khi cầm lái 720S chính là một cỗ máy quá mạnh sẽ phù hợp nhất khi được chạy trên đường đua, đặc biệt nếu bạn muốn thử sức mình bằng việc tắt một vài công nghệ an toàn hỗ trợ.

Đường đua là nơi lý tưởng nhất để trải nghiệm

Sepang không phải là nơi để thử tốc độ tối đa của những chiếc siêu xe, tuy nhiên sân đua này vẫn đủ dài để người lái trải nghiệm được cảm giác tăng tốc, phanh gấp hay vào cua ở tốc độ cao.

So với go-kart, cảm giác cầm lái một chiếc siêu xe là khá giống, nhưng tốc độ của siêu xe nhanh hơn rất nhiều, và cảm giác cầm lái siêu xe trên trường đua tất nhiên cũng rất khác so với go-kart. Bên cạnh những thứ tương đồng, go-kart là kiểu xe đua không có công nghệ hỗ trợ, trong khi với siêu xe, tôi được rất nhiều công nghệ an toàn chủ động trợ giúp, khiến tôi có thể chạy nhanh hơn, phanh tốt hơn và vào cua chuẩn xác hơn.

Điều khiển những chiếc xe dẫn động cầu sau với công suất trên dưới 700 mã lực không khó nhưng cũng không hề dễ dàng. Hầu hết mẫu siêu xe ngày nay đều được trang bị nhiều công nghệ hỗ trợ, giúp can thiệp và sửa sai những pha xử lý lỗi của người ngồi sau vô lăng. Tuy nhiên với sức mạnh quá lớn, những chiếc siêu xe này dễ khiến người non tay lái bị “giật mình” nếu lỡ đạp quá chân ga hay đánh lái gấp.

Ở Việt Nam, những chiếc siêu xe khó thể hiện được hiệu năng do điều kiện đường sá không phù hợp. Kể cả khi lên cao tốc, chỉ một cú đạp nhẹ chân ga thì chiếc xe đã lên tới tốc độ 120 km/h. Vì thế, đường đua là nơi lý tưởng nhất để người dùng hiểu được “xế cưng” của mình có thể làm được những gì.

Lái xe trên đường đua cho cảm giác đầy tự tin vì không ảnh hưởng đến bất kỳ ai, người lái có thể đạp ga thoải mái mà không cần lo lắng đến biển báo tốc độ hay các chướng ngại vật trên đường. Nếu lỡ mất lái, trượt vào bẫy sỏi vẫn an toàn hơn là va chạm với các phương tiện hay vật cản nếu chạy trên đường.

Mang những chiếc siêu xe vào đường đua sẽ giúp người dùng hiểu rõ hơn về khả năng tăng tốc cũng như xử lý mà xe có thể đạt được. Những điều này gần như không thể trải nghiệm trên đường phố. Giá trị của những chiếc siêu xe hàng chục tỷ đồng sẽ được cảm nhận rõ nhất trên đường đua. Tất nhiên trên đường phố, siêu xe lại mang một giá trị khác, một món đồ chơi đắt giá thể hiện vị thế của chủ nhân.

https://www.youtube.com/watch?v=m0fUrE0LJnI
Top 3 mẫu siêu xe đẹp và hiếm nhất thế giới, có mẫu chỉ sản xuất duy nhất 1 chiếc | Tạp Chí Siêu Xe

Theo: https://zingnews.vn/cam-lai-sieu-xe-tot-nhat-van-la-tren-duong-dua-post1373761.html

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Scroll to Top