Chỉ là một chiếc xe mô hình, nhưng chiếc Rolls-Royce Cullinan mô hình tỷ lệ 1:8 này có giá lên tới hơn 1 tỷ mỗi chiếc.

Một cửa hàng chuyên kinh doanh mô hình tĩnh trên địa bàn quận Bình Tân, TP.HCM vừa đưa về thành công một mô hình Rolls-Royce Cullinan tỷ lệ 1:8.
Trước đó, đơn vị này cũng từng nhập về thành công một chiếc tương tự và đã bàn giao cho chủ nhân vào cuối tháng trước. Chiếc này được làm chi tiết hơn có giá khoảng 1,2 tỷ đồng, trong khi chiếc trước giá khoảng gần 1 tỷ đồng.

Anh Vương Văn Phong, đại diện cửa hàng chia sẻ thực chất mô hình này cũng đã có chủ nhân, tuy nhiên người này quyết định để lại ở cửa hàng của anh Phong để mọi người có thể chiêm ngưỡng, trước khi đưa về nhà riêng vào tháng sau.

Mô hình này được sản xuất bởi thương hiệu Amalgam có trụ sở tại Ý. Amalgam nổi tiếng với việc sản xuất mô hình cho nhiều thương hiệu siêu xe khác nhau, với tỷ lệ trải dài từ 1:4 đến 1:18. Đặc biệt hơn, đây là thương hiệu duy nhất được sản xuất mô hình của hãng Rolls-Royce.

Tuy nhiên, trên website chính thức của Amalgam không hề hiển thị các mô hình từ Rolls-Royce, đồng nghĩa hãng không bán trực tiếp cho người dùng phổ thông. Theo chia sẻ của anh Phong, cách duy nhất để sở hữu mô hình Cullinan này là phải mua lại từ những chủ nhân sở hữu xe thật.

“Khi bạn mua một chiếc Cullinan, Rolls-Royce mới cho phép bạn mua thêm mô hình 1:8 của mẫu xe này”, anh Phong cho biết. Để dễ tham khảo, giá bán của một chiếc Cullinan tại Việt Nam sau khi đóng đủ các loại thuế vào khoảng 40 tỷ đồng. Như vậy, nếu muốn sở hữu mô hình nói trên, người dùng cần phải chi 41,2 tỷ đồng, bao gồm chi phí mua xe và chi phí mua mô hình.

Hãng Amalgam cung cấp 3 phiên bản cho mô hình Cullinan. Phiên bản đầu tiên gần như không được trang bị gì. Đến phiên bản thứ hai thì được trang bị thêm hệ thống đèn chiếu sáng bên ngoài. Phiên bản đắt tiền nhất được trang bị đèn nội thất, bọc da thật, ốp gỗ thật và có thêm bầu trời sao tương tự xe thật. Giá tham khảo của từng phiên bản vào khoảng 35.000, 40.000 và 50.000 USD.

Khung xe được làm bằng chất liệu resin, trong khi lốp xe làm bằng cao su thật và bộ mâm làm từ niken.

Nội thất được hoàn thiện một cách tinh xảo, mô phỏng gần như chính xác so với xe thật. Không những thế, Amalgam còn bổ sung thêm hai cây dù nhỏ ở hai cánh cửa sau, y hệt cách bố trí của Rolls-Royce. 4 cánh cửa có các nam châm nhỏ, giúp mô phỏng lại tính năng “cửa hít” như xe thật.
Tất cả các chi tiết khác đều được thiết kế tinh xảo như bầu trời sao, động cơ…

Đi kèm với mô hình này là hệ thống điều khiển, bao gồm mở/khoá xe, bật/tắt các hệ thống đèn.
Bắt gặp “siêu quái vật” Terradyne Gurkha lăn bánh tại VN: Xe bọc giáp nặng hơn 6 tấn dành cho yếu nhân
Đây rất có thể là chiếc Terradyne Gurkha đầu tiên lăn bánh tại Việt Nam, Terradyne Gurkha là một mẫu xe bọc thép có trọng lượng hơn 6 tấn.
Một chiếc Terradyne Gurkha được bắt gặp xuất hiện trước sảnh một khách sạn ở quận 1, TP.HCM. Xe mang biển số Campuchia.

Terradyne là một hãng độ xe bọc thép có trụ sở tại Ontario (Canada) với 4 biến thể chính: LAPV, MPV, LPV và CIV.
Trong đó, LAPV, MPV và LPV chỉ bán cho các cơ quan chính phủ hoặc quân đội, còn CIV là phiên bản dân sự, có thể sử dụng hàng ngày trên đường phố công cộng.

Theo Motorbiscuit, tất cả xe của Terradyne Gurkha đều phát triển dựa trên nền tảng Ford F-450 hoặc F-550.

Trên website của hãng, cả 4 biến thể đều sử dụng chung động cơ dầu tăng áp 6.7L V8 của Ford, cho công suất 330 mã lực và mô-men xoắn 1.016 Nm, kết hợp hộp số tự động 6 cấp, hệ dẫn động bốn bánh và vi sai chống trượt.

Trong 4 biến thể, Terradyne Gurkha CIV nhẹ nhất, với trọng lượng tiêu chuẩn 6,123 tấn và tải trọng 8,845 tấn nên tốc độ tối đa chỉ dừng ở con số 130 km/h. Công nghệ an toàn có phanh ABS trên cả bốn bánh.

Thế nhưng, điểm đặc biệt nhất trên xe Terradyne Gurkha là khả năng chống đạn. Cả 3 biến thể LAPV, RPV và MPV đều có sẵn cấp độ chống đạn B7, trong khi với biến thể CIV là tùy chọn.

Đồng nghĩa rằng, thân và kính xe có thể chịu được những cuộc tấn công bằng súng ngắn và súng trường.

Thân xe sử dụng kết cấu thép mật độ cao hai lớp. Hãng cùng từng gửi sản phẩm tới Phòng thí nghiệm đạn đạo Oregon, nơi đã cho nổ một quả lựu đạn bên dưới gầm và chiếc xe vẫn nguyên vẹn.

Cản trước trang bị tời, bên trong có hệ thống liên lạc, còi báo động và bình xăng 181 lít.

Hai biến thể LAPV và MPV thậm chí có hệ thống quan sát tình huống bên ngoài từ trên trần xe và có thể thoát hiểm từ vị trí này trong trường hợp khẩn cấp.

Dù mang dáng vẻ của xe quân sự, nhưng nội thất bên trong vẫn đủ tiện nghi do phát triển dựa trên mẫu bán tải F-Series của Ford.

Phiên bản dân sự CIV có nội thất bằng da, tùy chỉnh màu sắc, thậm chí có cả giá để cốc và hệ thống thông tin giải trí, điều vốn không thấy ở xe quân sự. Xe có 5 chỗ ngồi như thông thường.

Terradyne Gurkha không niêm yết giá trên website chính thức. Khách hàng muốn mua xe sẽ liên hệ trực tiếp với hãng và giá bán có thể thay đổi dựa trên những yêu cầu từ phía khách hàng. Theo Driving Your Dream, Terradyne Gurkha CIV có giá khởi điểm 272.000 USD.
Theo: Thể thao & Văn hóa